Phản ứng của thế giới đối với ông Putin trong cuộc xâm lược Ukraine sẽ là thước đo cho phạm vi "chiến dịch quân sự đặc biệt” của ông Tập trong tương lai.
Từ kinh nghiệm của ông Pu Tin, ông Tập bất cứ lúc nào cũng có thể chuyển từ "tập trận” thành "chiến dịch quân sự đặc biệt” trên biển Đông. Cho nên lúc này ủng hộ ai không chỉ còn là quan điểm cá nhân, mà phải xuất phát từ lợi ích quốc gia, dân tộc. Vậy quốc gia nào có năng lực nhất để ngăn cản đường lưỡi bò của Trung cộng trên biển Đông? Từ đó hãy rút ra quyết định nên "hữu nghị với ai?”
Trước hết phải nói rằng âm mưu "gắp lửa bỏ tay người” của Nguyễn Ngọc Chu là sự suy diễn phiến diện và ngu xuẩn bởi hoàn cảnh lịch sử, vị thế, sức mạnh của mỗi quốc gia khác nhau, mọi sự so sánh đều vô lý, nếu không muốn nói là điên rồ. Việt Nam bây giờ đã khác xa mấy chục năm về trước như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: "Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Việt Nam luôn kiên định chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; luôn chủ động hội nhập quốc tế rất sâu rộng, toàn diện, chiếm được tình cảm, sự ủng hộ và hợp tác toàn diện của rất nhiều quốc gia, các quốc gia đó đều có lợi ích gắn với Việt Nam. Việt Nam không phải cái đuôi của bất cứ nước nào, bởi thế ví Việt Nam như Ukraine là không thể. Việt Nam luôn đề cao giá trị hòa bình, khi có tranh chấp thì tích cực kêu gọi các bên kiềm chế, ngồi lại đối thoại để gìn giữ hòa bình, kêu gọi các bên chung tay bảo vệ và duy trì hòa bình trên biển Đông.
Với vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam cùng với chính sách đối ngoại linh hoạt "dĩ bất biến, ứng vạn biến” cương nhu phù hợp thì bất cứ quốc gia nào mưu toan "mở chiến dịch quân sự đặc biệt” để cướp biển đảo của Việt Nam là không dễ và cũng chẳng cần đợi gì đến kết quả cuộc chiến Nga - Ukraine. Luận điệu Nguyễn Ngọc Chu đưa ra chẳng qua để kích động tâm lý người dân, tác động xấu đến mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, làm ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế của người dân, doanh nghiệp và muốn kéo Việt Nam ngả theo Mỹ.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao: "Việt Nam luôn theo sát các diễn biến tại khu vực biển Đông và thực thi chủ quyền, quyền tài phán trên biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNLOS 1982). Một phần khu vực tập trận theo thông báo của Trung Quốc thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam được xác định theo UNLOS 1982. Việt Nam đề nghị Trung Quốc tôn trọng và không vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không có các hành động làm phức tạp tình hình, qua đó góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực biển Đông. Phía Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc về vấn đề này.
Nguyễn Ngọc Chu vừa giở trò hèn hạ "rung cây doạ khỉ” vừa gợi ý: "Quốc gia nào có năng lực nhất để ngăn cản đường lưỡi bò của Trung cộng? Từ đó mà rút ra nên hữu nghị với ai?”. Nên nhớ rằng mấy năm qua không phải chỉ Trung Quốc tập trận nhiều ở biển Đông mà Mỹ cũng là nước tập trận nhiều ở đây. Mỹ nhiều lần vu cáo: "Việt Nam làm phức tạp tình hình, Việt Nam là quốc gia gây căng thẳng và có những yêu sách quá mức”.
Mỹ chưa bao giờ công nhận chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông, kể cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cuối năm 2020 tàu khu trục USS Johans Mecain của Mỹ tuần tra tại Nam biển Đông cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 150km và nói rằng: tàu chiến này "thách thức các yêu sách hàng hải quá mức” của Việt Nam tại Côn Đảo trong khi quần đảo Côn Đảo là lãnh thổ không thể tranh cãi, không hề có tranh chấp của Việt Nam.
Tháng 02/2021, tầu USS Lussell vào khu vực 12 hải lý ở các đảo trung tâm Trường sa. Đại diện hải quân Mỹ cho biết: tàu chiến này hoạt động nhằm "thách thức các hoạt động trái pháp luật” và các "yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan”, trước đó tàu này có các cuộc tập trận lớn chưa từng có ở biển Đông và nói rằng "nhằm chống các yêu sách hàng hải bất hợp pháp và sâu rộng ở biển Đông” của các quốc gia liên quan” trong đó có Việt Nam.
Vào giữa năm 2021, người phát ngôn hải quân Hoa Kỳ cho biết: "Hải quân Hoa Kỳ muốn thách thức các yêu sách chủ quyền vô lý của Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan ở biển Đông”. Tháng 11/2021, Mỹ - Nhật tập trận chung chống ngầm tại biển Đông với tuyên bố: "chống các lực lượng ngầm tiềm năng đe dọa, áp đặt chủ quyền vô lý ở biển Đông”. Trong đó chắc chắn có Việt Nam.
Khi Trung Quốc có những hoạt động bất hợp pháp, chúng ta lên tiếng về những hành động phi pháp đó ở biển Đông, nhưng cũng không được xem nhẹ, lãng quên, thậm chí làm ngơ trước hoạt động bất hợp pháp của quân đội các nước khác ở biển Đông. Cần thấy Hoa Kỳ đang "ném đá giấu tay”.
Yêu nước cần tỉnh táo, trong bàn cờ chính trị biển Đông, chúng ta có tranh chấp trực tiếp với một số nước nhưng cũng phải đối mặt với cả những quốc gia muốn "ăn phần”, "chia chác” lợi ích ở biển Đông. Càng không thể ngây thơ tin rằng: Mỹ sẽ kiềm chế Trung Quốc, đánh Trung Quốc vì Việt Nam, giúp Việt Nam giữ biển đảo.
Nên nhớ ngay cả khi đang ôm ấp chính quyền Sài Gòn, vì lợi ích của họ, Hoa Kỳ vẫn làm ngơ, thậm chí ngăn cản chính quyền Sài Gòn để cho Trung Quốc cướp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hãy tự lực, tự cường, bảo vệ Tổ quốc không thể dựa dẫm vào ngoại bang. Đó là chân lý bất biến.
Thủ đoạn "gắp lửa Ukraine bỏ vào biển Đông” để kích động, đe dọa, lôi kéo Việt Nam theo Mỹ của Nguyễn Ngọc Chu cho thấy bọn phản động không từ âm mưu, thủ đoạn hèn hạ nào để chống phá Việt Nam. Hãy cảnh giác trước mọi luận điệu nguy hiểm của chúng.
Nhất Tâm