Chào mừng Lễ hội Quế Văn Yên Lần III-2019:

Viễn Sơn điểm đến

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/10/2019 | 8:20:02 AM

YênBái - Lễ hội Quế huyện Văn Yên năm nay, xã Viễn Sơn tiếp tục được lựa chọn là một trong các điểm đến. Là nơi sinh sống của đồng bào Dao, Viễn Sơn có Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đình Tháp Cái là nơi thờ Ông Tổ nghề trồng quế.

Đồng bào Dao xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên thu hoạch quế. (Ảnh: Tư liệu)
Đồng bào Dao xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên thu hoạch quế. (Ảnh: Tư liệu)

Ông Trần Ngọc Trác - Bí thư Đảng ủy xã phấn khởi: "Vừa là niềm tự hào vừa là nhiệm vụ, địa phương quyết tâm sẽ chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để đón du khách, để du khách có những trải nghiệm tốt đẹp và thật ý nghĩa”.

Đảng ủy và chính quyền xã đã chỉ đạo thực hiện tổng vệ sinh trục đường chính trong "Ngày thứ Bảy cùng dân” với sự tham gia của gần 100 cán bộ, công chức, giáo viên mầm non xã cùng nhân dân địa phương. Trên địa bàn xã có 10 nhà nghỉ cộng đồng có thể phục vụ cho trên 100 người nếu du khách có nhu cầu ăn nghỉ, sinh hoạt. 

Đối với hoạt động trải nghiệm vùng quế, Viễn Sơn sẽ tổ chức cho du khách đến thăm Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đình Tháp Cái là nơi thờ Ông Tổ nghề trồng quế. Hoạt động này nhằm tôn vinh những giá trị lịch sử và giúp du khách hiểu thêm về quá trình khai khẩn, lập làng bản cũng như sự có mặt và phát triển của cây quế nơi đây. 

Du khách ngay sau đó sẽ được đến với đồi quế ở thôn Khe Lợ để cùng nhau ghi lại khoảnh khắc đẹp. Đồi quế của hộ ông Nguyễn Kim Hín là địa điểm cho du khách tham quan rộng khoảng 2 ha với những cây quế đã hơn 20 năm tuổi. 

Nếu muốn ngắm nhìn những cây quế đẹp hơn 30 năm tuổi, du khách tiếp tục hành trình đến với hộ ông Đặng Văn Lâm ở thôn Khe Qué. Một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ vỏ quế như: ống điếu, lọ tăm, logo… cho thấy sức sáng tạo không giới hạn trong lao động, sản xuất của đồng bào địa phương. 

Đến với Viễn Sơn, du khách thỏa sức tìm hiểu nét đặc sắc trong các giá trị văn hóa truyền thống của người Dao đỏ bản địa từ Lễ Cấp sắc 12 đèn, chữ viết, hát Páo dung đến múa Rùa, múa Gông… 

Trong xu thế phát triển du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái, xã Viễn Sơn bám sát chủ trương, định hướng, kế hoạch của huyện. Hoạt động du lịch sinh thái vùng quế ở Viễn Sơn là có thêm một hình thức giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa của dân tộc Dao đỏ. 

Nét đẹp văn hóa ấy vốn gắn kết vô cùng mật thiết với việc trồng quế của họ. Con gái đi lấy chồng, những đồi quế trở thành của hồi môn. Các con lần lượt đi ở riêng, những đồi quế cũng được san sẻ thành nhiều phần. 

Ngoài giá trị về kinh tế thì điều đó còn chứa đựng sự răn dạy, là lời nhắc nhở của đời trước với đời sau về việc phải chăm chỉ, hăng say lao động sản xuất. Những đồi quế mang màu xanh no ấm nhờ vậy tiếp nối từ đời này sang đời khác với giá trị văn hóa, tâm linh, tinh thần và vật chất không tách rời. 

Để phát triển du lịch sinh thái vùng quế gắn với du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, Bí thư Đảng ủy xã Trần Ngọc Trác nhấn mạnh: "Trước tiên, quan trọng nhất là phải có sự vào cuộc tích cực của chính mỗi người dân. Địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền để đồng bào nâng cao ý thức, nhận thức về trồng, chăm sóc, chế biến, đa dạng các sản phẩm để nâng cao thu nhập từ cây quế và quan tâm bảo tồn những cây quế đẹp, đồi quế đẹp, vừa là giữ nguồn giống tốt vừa có địa điểm cho du khách tham quan. 

Mặt khác, cũng cần phải xây dựng hoạt động kết nối cộng đồng, cải tạo các nhà nghỉ cộng đồng, nâng cấp hệ thống đường giao thông, có thêm nhiều hơn nữa các hoạt động thu hút du khách... và đặc biệt là người dân phải được học cách làm du lịch”. 

Hội tụ đầy đủ các điều kiện như vậy thì du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái vùng quế ở Viễn Sơn nói riêng, ở Văn Yên nói chung chắc chắn sẽ tạo ấn tượng tốt đẹp, khó quên trong lòng du khách như hương quế mãi đượm say. 

Nguyễn Thơm

Tags Viễn Sơn chỉ dẫn địa lý vùng quế du lịch sinh thái người Dao Lễ cấp sắc Páo dung điểm đến

Các tin khác
Hồ Thác Bà.

Dự án đầu tư công viên, văn hóa, thể thao, du lịch và phụ trợ hồ Thác Bà có vốn đầu tư 4.980 tỷ đồng trong khi Dự án khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế Vân Hội có vốn 2.700 tỷ đồng.

Bản du lịch cộng đồng của người Thái, thị trấn Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải.

Năm 2019, tỉnh vận động thu hút được gần 100 tỷ đồng để phát triển du lịch, trong đó, ngân sách tỉnh là 32 tỷ đồng, vốn nước ngoài 40 tỷ đồng, còn lại là vốn xã hội hóa.

Yên Bái là điểm đến hấp dẫn đầu tư.

Tỉnh Yên Bái đến nay đã có 485 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 71.000 tỷ đồng và 430 triệu USD.

Một mỏ khai thác khoáng sản ở Yên Bái.

Khoáng sản là một trong những lĩnh vực khá hấp dẫn nhờ sự đa dạng về chủng loại, chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao. Đất hiếm ở Yên Bái cũng là một trong những tài nguyên khoáng sản quý. Tại Yên Bái, các nhà địa chất đã tìm ra mỏ đất hiếm tại xã Yên Phú, huyện Văn Yên từ những năm 60 của thế kỷ trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục