Để Nghĩa Lộ trở thành trung tâm du lịch

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/9/2020 | 7:49:56 AM

YênBái - Ôm trọn Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ không những có lợi thế về vị trí địa lý, khí hậu mà còn cả về con người, các giá trị lịch sử, văn hóa để có thể trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ của miền Tây.

Xòe Thái cổ Mường Lò - Nghĩa Lộ đã trở thành thương hiệu nghệ thuật, du lịch.
Xòe Thái cổ Mường Lò - Nghĩa Lộ đã trở thành thương hiệu nghệ thuật, du lịch.

Những năm qua, phát triển du lịch, đặc biệt là các dịch vụ du lịch được thị xã Nghĩa Lộ quan tâm chú trọng, hạ tầng du lịch được khuyến khích đầu tư phát triển theo hướng nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng. Hiện, thị xã đã có trên 40 cơ sở lưu trú với 540 phòng nghỉ, hiệu suất khai thác bình quân đạt 48%/năm; có 35 cơ sở homestay phục vụ khách du lịch, nhiều hộ làm du lịch có thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng/năm. 

Hệ thống các cửa hàng được phát triển mạnh; chợ Mường Lò tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc tiêu thụ các mặt hàng nông, lâm sản, thủ công mỹ nghệ và cung ứng đầy đủ, đa dạng các mặt hàng phục vụ nhu cầu của người dân và du khách. Các loại hình dịch vụ phát triển khá phong phú, như: vận tải hàng hóa, hành khách, văn hóa giải trí, y tế, giáo dục, bưu chính viễn thông, tín dụng... tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch.  

Xác định phát triển du lịch gắn với khai thác, bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, nhiều nét độc đáo trong văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc thiểu số được phục dựng và trở thành những lễ hội truyền thống. 

Đặc biệt, với việc tổ chức thành công Tuần Văn hóa Du lịch Mường Lò hàng năm; khôi phục, bảo tồn Xòe Thái, Hội Hạn khuống; truyền dạy ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào dân tộc Thái, các món ăn dân tộc đặc sắc, các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian; khôi phục và lưu giữ các sản phẩm nghề dệt thổ cẩm, trang phục dân tộc; khuyến khích nhân dân sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc mình; sử dụng ngôn ngữ bản địa trong giao tiếp; làm nhà ở theo kiến trúc truyền thống, phong tục đón khách, bố trí chỗ ngồi trên nhà sàn, phong tục buộc chỉ cổ tay, tục "Tằng cẩu"… đã thu hút một lượng lớn khách du lịch đến với Nghĩa Lộ để được trải nghiệm, khám phá. 

Thị xã cũng đã sưu tầm, khôi phục các di tích lịch sử, khai thác hiệu quả các công trình văn hóa như: Khu Di tích lịch sử Căng - Đồn Nghĩa Lộ, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung tâm Văn hóa thị xã... Năm 2020, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 225 tỷ đồng, trong đó khách quốc tế chiếm 23,6%, doanh thu từ du lịch đạt 96 tỷ đồng. 

Trở thành trung tâm du lịch - thương mại - dịch vụ khu vực phía Tây của tỉnh, cơ bản đạt đô thị loại III vào năm 2025 là chương trình trọng điểm mà thị xã Nghĩa Lộ đã, đang và tiếp tục xây dựng. Bên cạnh những thành quả đã đạt được, tới đây, thị xã sẽ xây dựng chợ Mường Lò thành trung tâm thương mại miền Tây, chợ C - Chợ Mường Lò thành chợ đầu mối nông, lâm sản phía Tây của tỉnh phục vụ cho tiêu thụ nông sản gắn với phát triển du lịch.

Đồng thời, xây dựng các tuyến phố dịch vụ thương mại theo ngành hàng, đảm bảo văn minh đô thị, đặc biệt là tuyến phố ẩm thực, tuyến phố kinh doanh sản phẩm đặc sản, sản phẩm thủ công phục vụ du khách; nghiên cứu triển khai dự án mạng wifi tại một số điểm công cộng; khuyến khích xây dựng mới các siêu thị, cửa hàng tự chọn tại các khu đô thị mới. 

Việc phát triển du lịch tiếp tục được định hướng đổi mới, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có của vùng Mường Lò, đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm, khám phá lịch sử, bản sắc văn hóa, điệu múa dân gian các dân tộc; chú trọng sản xuất các sản phẩm, đồ lưu niệm đặc trưng phục vụ khách du lịch, nhất là các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, các sản phẩm thủ công truyền thống của dân tộc Thái; khai thác các thiết chế văn hóa lịch sử, tín ngưỡng, tâm linh hiện có phục vụ phát triển du lịch; hình thành các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, khu văn hóa bản địa đặc trưng... 

Bên cạnh đó, quan tâm, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có nguồn lực đầu tư phát triển dịch vụ du lịch trọng điểm, độc đáo như: Khu sinh thái nghỉ dưỡng Dragonfly Pú Lo; Dự án tổ hợp khách sạn 4 sao, thương mại dịch vụ Apec Mandala Nghĩa Lộ; Khu nghỉ dưỡng cao cấp suối nước nóng Bản Bon... Thị xã Nghĩa Lộ phấn đấu đến năm 2025 đạt 470.000 lượt khách du lịch, tăng 25% mỗi năm; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt trên 900 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 420 tỷ đồng. 

Hoài Anh

Tags Nghĩa Lộ trung tâm du lịch

Các tin khác
Sản xuất gỗ ván ép ở Văn Yên.

Cùng với vận động, thu hút một số nhà đầu tư có tiềm lực như: Công ty TNHH Xuân Thiện, Công ty TNHH Tập đoàn Graphite, Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương, Công ty cổ phần Thương mại Đông An, Công ty TNHH Hương Gia vị Sơn Hà...; huyện đã phát huy lợi thế, tập trung tạo điều kiện cho công nghiệp chế biến phát triển, nhất là chế biến nông lâm sản.

Hạ tầng giao thông được đầu tư, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tương lai.

Hiện, toàn tỉnh đã, đang thực hiện 57 dự án chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực...

Thông qua các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, vẻ đẹp của Mù Cang Chải sẽ đến gần hơn với bạn bè trong nước và quốc tế.

Được thành lập từ cuối năm 2019, ba câu lạc bộ tuyên truyền giới thiệu, quảng bá đất và người Mù Cang Chải tại thị trấn Mù Cang Chải, xã La Pán Tẩn, xã Dế Xu Phình đã và đang làm tốt vai trò quảng bá, giới thiệu hình ảnh Mù Cang Chải trên mạng xã hội Facebook với fanpage "Mù Cang Chải – Văn hóa, ẩm thực và du lịch"

Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam với Cục Ngoại vụ, tỉnh Yên Bái, tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Đắc Lắc. (Ảnh: T.L)

Năm 2005, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được triển khai. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2006 mới triển khai khảo sát và công bố xếp hạng tỉnh Yên Bái. Nỗ lực và quyết tâm, từ đó đến nay, kết quả PCI của Yên Bái có những diễn biến tích cực.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục