Những năm đầu mới tái lập, Yên Bái là một trong những tỉnh nghèo nhất, với cơ sở hạ tầng thấp kém, kinh tế tự cung tự cấp là chủ yếu, sản lượng lương thực có hạt chỉ đạt khoảng trên dưới 140.000 tấn/năm. Điều đó, khiến người dân quanh năm chỉ lo đủ lương thực, nạn phá rừng làm nương, khai thác lâm sản diễn ra gay gắt, tỷ lệ che phủ rừng chỉ đạt 17%.
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đại hội Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ đều xác định nông nghiệp, nông thôn là mặt trận hàng đầu. Do đó, hàng năm tỉnh luôn quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.
Đặc biệt, trong những năm đổi mới, nhất là nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh đã nghiên cứu, ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi từ các nguồn lực của tỉnh lồng ghép với hỗ trợ của trung ương, tạo động lực cho hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nâng cao đời sống nông dân.
Cụ thể, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra mục tiêu: "Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững gắn với XDNTM trên cơ sở khai thác, tận dụng tối đa lợi thế của từng vùng, từng địa phương; thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đồng bộ; ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật (KHKT) để nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hóa, chuyển từ phát triển bề rộng sang chiều sâu; duy trì tốc độ tăng trưởng, nâng cao hiệu quả cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng”.
Theo đó, tỉnh đã ban hành và triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với nhiều giải pháp kỹ thuật và hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất với 10 nhóm cây trồng, vật nuôi chủ lực gắn với thu hút, liên kết với doanh nghiệp… Ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, thu hút doanh nghiệp, đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng. Tại 2 huyện vùng cao, đã vận động nhân dân chuyển đổi được trên 3.000 ha lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô 2 vụ trên đất dốc theo phương pháp canh tác bền vững làm hàng hóa; chuyển tư duy sản xuất từ 1 vụ sang 2 vụ chắc ăn.
Do đó, từ thiếu đói giáp hạt, nay không chỉ bảo đảm lương thực tại chỗ, mà còn có hàng ngàn héc - ta ngô, lúa, thảo quả, sơn tra… làm hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao. Đồng thời, canh tác lúa vẫn giữ vai trò trung tâm và tỉnh luôn duy trì diện tích lúa 2 vụ trên 41.548 ha, năng suất bình quân từ 50 - 55 tạ/ha; trong đó, có khoảng 15.000 ha lúa đặc sản với nhiều giống lúa thơm ngon nổi tiếng như: nếp Tú Lệ, Séng cù, ĐS1, J02, Hương chiêm, Bắc thơm…
Lĩnh vực chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, tập trung theo chuỗi khép kín, ứng dụng KHKT tiên tiến, công nghệ cao được mở rộng. Nhờ đó, đàn gia súc chính phát triển mạnh và tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, tổng đàn gia súc chính là 633.476 con, tăng 38.601 con so với giai đoạn 2011 - 2015.
Kinh tế lâm nghiệp đang trở thành kinh tế mũi nhọn xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho hàng vạn người dân khi hàng năm, tỉnh trồng mới trên 15.000 ha rừng, đưa tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 63% (đứng thứ 4 toàn quốc). Bình quân mỗi năm toàn tỉnh khai thác hơn 550.000 m3 rừng trồng, chế biến xuất khẩu gần 300.000 m3 ván bóc và hàng trăm mét khối gỗ dán, gỗ ghép thanh xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… đưa Yên Bái dần trở thành trung tâm sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng của cả nước.
Điểm nhấn nổi bật nữa trong bức tranh nông nghiệp là, các địa phương đã hình thành rõ nét các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh có quy mô lớn với 10 sản phẩm nông nghiệp chủ lực phục vụ chế biến, xuất khẩu gồm: lương thực có hạt, chè, cây ăn quả, đàn gia súc chính, thủy sản, quế, sơn tra, măng Bát độ, dâu tằm, gỗ nguyên liệu. Các vùng sản xuất hàng hóa phát triển ổn định mang lại những giá trị kinh tế cao cho người dân.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, giai đoạn 2016 - 2020, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế... nhưng sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân đạt trên 4,5%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước (3%/năm); tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 21,13% trong cơ cấu GRDP của tỉnh.
Nhiều mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu cao như: quế, chè, tinh bột sắn, măng Bát độ và các sản phẩm từ gỗ rừng trồng với kim ngạch xuất khẩu đạt từ 30 - 40 triệu USD/năm, chiếm từ 30 - 40% giá trị kim ngạch xuất khẩu; giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt bình quân đạt 65 triệu đồng/ha/năm; trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 200 triệu đồng/ha/năm; nhiều diện tích canh tác thu nhập đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm; thu nhập cư dân nông thôn ước đạt 32 triệu đồng/người/năm, tăng 2 lần so với năm 2015. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tỉnh quan tâm triển khai.
Đến nay, tỉnh đã có 94 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh; trong đó, có 8 sản phẩm đạt 4 sao, 86 sản phẩm đạt 3 sao. Đặc biệt, chương trình XDNTM với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của người dân với nhiều cách làm sáng tạo, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Toàn tỉnh hiện có 76 xã/150 xã đạt chuẩn NTM; 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Đặc biệt, đã có 2 đơn vị hoàn thành nhiệm vụ XDNTM là thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ; huyện Trấn Yên là huyện NTM đầu tiên trong khu vực Tây Bắc. Diện mạo nông thôn thay đổi ngày càng rõ rệt theo hướng xanh - sạch - đẹp, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao…
Phát huy kết quả đã đạt được, những năm tiếp theo, tỉnh tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với XDNTM; trong đó, "Người nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực”, hướng tới mục tiêu "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Theo đó, ngành nông nghiệp tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất theo từng lĩnh vực và nhóm sản phẩm có lợi thế của tỉnh; đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; phát triển mạnh dịch vụ phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch, góp phần tăng tỷ trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm;
Phát triển các cụm liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức sản xuất; mở rộng các mô hình, dự án liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, gắn với các sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP có chất lượng, giá trị gia tăng cao, có năng lực cạnh tranh trên thị trường; đẩy mạnh phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp liên kết với hộ gia đình, nông dân trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp;
Tích cực thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường liên kết giữa nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; làm tốt công tác khuyến nông, dự báo tốt tình hình cung cầu, thị trường, giá cả; kết nối chặt chẽ giữa người sản xuất với thị trường tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản đến tay người tiêu dùng; triển khai hiệu quả mô hình chợ nông sản 4.0, sàn giao dịch thương mại điện tử, sàn giao dịch sản phẩm OCOP;
Tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình XDNTM toàn diện, đi vào chiều sâu một cách đồng bộ, vững chắc; chú trọng XDNTM ở những địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng cao, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc cho người dân…
Văn Thông