Đảm bảo chất lượng nước vùng nông thôn

  • Cập nhật: Thứ tư, 23/8/2023 | 1:51:46 PM

YênBái - Những năm qua, để người dân được tiếp cận với nguồn nước sạch, hợp vệ sinh, tỉnh Yên Bái đã đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung gắn với nâng cao chất lượng nước, khai thác hiệu quả công suất hoạt động của hệ thống cấp nước nông thôn.

Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho 148 hộ dân thôn Bản Hốc, xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn đang được gấp rút thi công.
Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho 148 hộ dân thôn Bản Hốc, xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn đang được gấp rút thi công.

Tại các vùng nông thôn, từ xưa nước được coi là sạch là nước từ giếng khơi, giếng làng, bể nước mưa, hay nước sông suối, nước bắc từ núi tự chảy… Tuy nhiên, các nguồn nước đó không bền vững bởi bị tác động rất lớn do ô nhiễm môi trường. 

Để người dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Đến nay, 358 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được đầu tư xây dựng; khoảng 100 nghìn công trình nhỏ lẻ do người dân tự xây dựng đã đảm bảo cung cấp nước hợp vệ sinh cho 93% dân số khu vực nông thôn, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch quy chuẩn đạt 13%. 

Công tác tăng cường quản lý đối với hoạt động cấp nước sạch nông thôn đã nhận được phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các đơn vị, cá nhân; xác định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương và người hưởng lợi đối với việc bảo vệ, sử dụng hiệu quả các công trình đã xây dựng. 

Xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn hiện có 4 công trình nước sinh hoạt tập trung cung cấp nước cho 72,6% hộ dân trên địa bàn. Ngay khi nguồn nước được đưa về, UBND xã nhanh chóng thành lập Ban Quản lý nước sinh hoạt tập trung ban hành quy chế thu chi, quy chế hoạt động nhằm quản lý, vận hành các công trình. 

Các tổ bảo trì tại từng thôn cũng được thành lập với mục tiêu là bảo vệ hệ thống đường ống dẫn nước, bảo đảm nguồn nước thường xuyên, luân phiên kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống ống dẫn nước khi có sự cố xảy ra. 

Cùng với đó là tuyên truyền, vận động để giúp bà con hiểu rõ lợi ích, tầm quan trọng của nước sạch để mọi người chung tay bảo vệ bằng những hành động cụ thể như: tiết kiệm, sử dụng hợp lý, bảo vệ môi trường... 

Ông Nguyễn Xuân Gần - Chủ tịch UBND xã Đồng Khê cho biết: "Từ khi các công trình cấp nước được đưa vào sử dụng bà con rất phấn khởi, không những có nguồn nước đảm bảo an toàn mà còn ổn định, không lo mùa khô mất nước như trước đây. Hiện, xã còn khoảng 400 hộ vẫn đang sử dụng nước giếng hoặc nước dẫn từ các khe suối tuy vẫn được tính là nước hợp vệ sinh nhưng dễ bị tác động bởi môi trường. Xã hiện đã kết nối được với một đơn vị thiện nguyện hỗ trợ người dân xây dựng được thêm 1 công trình cấp nước tập trung. Công trình đang gấp rút hoàn thành, chưa đầy 1 tháng nữa sẽ cung cấp nước cho 148 hộ ở thôn Bản Hốc”.

Cách làm của xã Đồng Khê cũng là cách mà nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện để mở rộng tỷ lệ người dân được tiếp cận với nguồn nước sạch, nước hợp vệ sinh. 

Hiện, nhận thức của người dân về sử dụng nước sạch đã có nhiều thay đổi. Đa phần người dân hiểu được vai trò, tầm quan trọng của nguồn nước sạch và các nguy cơ tiềm ẩn của việc sử dụng nguồn nước chưa qua xử lý sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. 

Người dân cũng đang từng bước chuyển đổi tập quán sử dụng nước sinh hoạt từ giếng đào, nước suối, nước khe sang dùng nước sạch, nước hợp vệ sinh từ các công trình cấp nước tập trung và ngày càng có ý thức hơn trong bảo vệ nước đầu nguồn. 

Việc nỗ lực đưa nước sạch, nước hợp vệ sinh đến nhân dân cũng như đảm bảo chất lượng nguồn nước là một trong những giải pháp hướng tới phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân nông thôn, thu hẹp dần khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững. 

Đây cũng là mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đặt ra, đó là nâng tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch đạt trên 91%, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên 98% vào năm 2025.

Hoài Anh

Tags nông thôn Yên Bái nước sạch hợp vệ sinh bảo vệ môi trường an sinh xã hội

Các tin khác

Những năm đầu tái lập tỉnh, hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ của Yên Bái chủ yếu là chợ, cửa hàng tự chọn. Đến nay, sau 30 năm, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển căn bản, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường và có những bước đi vững chắc, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tái lập tỉnh, Yên Bái xây dựng quê hương trong những khó khăn chồng chất của tỉnh miền núi nghèo nhất cả nước. 30 năm qua với 6 nhiệm kỳ đại hội Đảng, các thế hệ cán bộ, lãnh đạo các cấp cùng sự đoàn kết đồng lòng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, Yên Bái đã giành được nhiều thành tựu quan trọng.

Xác định mạng lưới giao thông chính là huyết mạch của nền kinh tế, ngay từ khi tái lập tỉnh, bằng những giải pháp đột phá và quyết liệt, Yên Bái đã nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông để đi trước mở đường, tăng tính kết nối và lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, 30 năm qua, Yên Bái đã làm nên những kỳ tích đáng tự hào trong phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông.

Đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải bảo tồn và phát huy tốt nét đẹp văn hóa trong thêu, may trang phục truyền thống.

Xuyên suốt chặng đường 76 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 30 năm tái lập tỉnh, Yên Bái đã tạo lập một nền tảng vững chắc với những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội. Chặng đường ấy, Yên Bái chú trọng thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với xây dựng con người Yên Bái phát triển toàn diện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục