Dự Lễ khánh thành có các đồng chí: Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Dương Văn Thống, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Yên Bái cùng đông đảo mnhân dân trên địa bàn.
Chương trình văn nghệ chào mừng Lễ khánh thành Bảo tàng tỉnh.
Dự án Nhà Bảo tàng tỉnh Yên Bái giai đoạn 2, hạng mục trưng bày nội, ngoại thất được tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1592/QĐ-UBND ngày 27/8/2018 và Quyết định số 2599/QĐ-UBND ngày 04/12/2018.
Dự án được triển khai thực hiện trong 2 năm từ năm 2018 đến năm 2020, do Công ty cổ phần Mỹ thuật Trung ương lập thiết kế bản vẽ thi công; Công ty cổ phần Xây dựng và Phục chế công trình văn hoá là đơn vị thi công. Nhà thầu giám sát thi công là Công ty cổ phần Tu bổ di tích Trung ương -VINAREMON; đơn vị quản lý Dự án là Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Yên Bái.
Bảo tàng Yên Bái được đầu tư xây dựng với phong cách thiết kế hiện đại, độc đáo về kiến trúc; hấp dẫn và khoa học về nội dung, không gian trưng bày với diện tích mặt sàn gần 3.000m2 cùng các công trình, hạng mục phụ trợ khác. Các hạng mục trưng bày nội thất, ngoại thất của Bảo tàng được đầu tư công phu, bài trí khoa học, tái hiện và truyền tải chân thực, sinh động những thông tin về lịch sử, tự nhiên, văn hóa, truyền thống, về vùng đất và con người Yên Bái. Công trình có tổng quy mô đầu tư gần 90 tỷ đồng (trong đó giai đoạn 2 trên 50 tỷ đồng).
Sau khi hoàn thành, Nhà bảo tàng tỉnh sẽ trở thành một địa chỉ văn hóa hấp dẫn với nhân dân và du khách trong và ngoài nước, là nơi gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, đậm đà bản sắc của đồng bào các dân tộc Yên Bái; nơi bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với phát triển dịch vụ văn hóa, phát triển văn hóa gắn với du lịch, tận dụng tài nguyên văn hóa tham gia vào nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế của tỉnh (nhất là các di vật, hiện vật từ thời Tiền sử, Sơ sử, phong kiến, cận hiện đại được sưu tầm, khai quật tại các di tích khảo cổ như bến Mậu A, quần thể di tích Hắc Y - Đại Cại và trong nhân dân, với những di sản hết sức quý báu như: bảo vật quốc gia thạp đồng Hợp Minh, hiện vật đồ đồng Đông Sơn, các hiện vật của khu chùa Thượng Miện thuộc di tích Hắc Y, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc tỉnh Yên Bái).
Đây cũng sẽ là nơi giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng và văn hóa tốt đẹp của quê hương, con người Yên Bái, làm cho các giá trị lịch sử, văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, vào từng người dân, từng gia đình, cộng đồng dân cư, vào mọi lĩnh vực của đời sống.
Với sự quyết tâm, nỗ lực vượt khó của các ngành, các cấp cùng với sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, công trình Bảo tàng Yên Bái đến nay hoàn thành và đưa vào hoạt động ghi dấu một trong những công trình quan trọng, đầy ý nghĩa của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Đại hội XIII của Đảng.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cắt băng khánh thành Bảo tàng tỉnh.
Phát biểu tại Lễ khánh thành, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng các sở, ngành liên quan, UBND thành phố Yên Bái, phường Đồng Tâm, đơn vị tư vấn, các nhà thầu trong thiết kế và thi công xây dựng công trình đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn.
Để công trình Bảo tàng Yên Bái phát huy tích cực hiệu quả hoạt động, thực sự trở thành trung tâm thông tin về lịch sử, văn hóa, tự nhiên của Yên Bái, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch làm tốt chức năng quản lý nhà nước về văn hóa và di sản, lưu giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa của bảo tàng, để Bảo tàng tỉnh thực sự trở thành địa chỉ để các thế hệ đương đại đến tìm hiểu quá khứ dân tộc, các thành tựu chính trị - kinh tế - văn hóa - nghệ thuật cha ông để lại, hiểu về tiến trình lịch sử của quê hương Yên Bái từ quá khứ đến hiện tại; xây dựng kế hoạch để quảng bá, lồng ghép hoạt động tham quan bảo tàng vào các các tour, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh, qua đó dần đưa Bảo tàng Yên Bái trở thành điểm đến văn hóa quen thuộc, hấp dẫn tại tỉnh Yên Bái.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức, doanh nghiệp trong tỉnh xây dựng các chương trình, kế hoạch, khuyến khích, tổ chức cho cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên, các em học sinh, sinh viên, người lao động, các tầng lớp nhân dân đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu tại Bảo tàng tỉnh, góp phần giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, ý thức coi trọng những giá trị truyền thống; đồng thời, ý thức được trách nhiệm của mình đối với việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan toàn cảnh tỉnh Yên Bái qua sa bàn trưng bày tại Bảo tàng
Bảo tàng tỉnh tiếp tục làm tốt công tác sưu tầm, bổ sung nguồn tư liệu, hiện vật phục vụ cho công tác trưng bày; làm tốt công tác quản lý và vận hành cơ sở vật chất của công trình. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức trưng bày, xây dựng các chương trình trải nghiệm dành cho công chúng.
Các tổ chức, cá nhân và bà con nhân dân, nhất là các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tích cực tham gia, hưởng ứng các hoạt động của Bảo tàng tỉnh; quan tâm, tiếp tục sưu tầm, hiến tặng các hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương, góp phần làm phong phú thêm nguồn tư liệu, hiện vật trưng bày tại Bảo tàng.
Ngay sau buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và thành phố Yên Bái đã tham quan các không gian trưng bày tại Bảo tàng tỉnh (ảnh dưới).
Minh Huyền - Mạnh Cường