Tọa đàm góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII

"Cần xây dựng văn hóa chính trị và quyền làm chủ thực sự của người dân"

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/10/2015 | 8:19:30 AM

“Phát huy giá trị văn hóa Việt Nam và nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ, xung kích đi đầu trong xây dựng đất nước” là nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận tại buổi tọa đàm góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng được tổ chức ngày 25/10 tại Hà Nội.

Tọa đàm nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu.
Tọa đàm nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu.

Tọa đàm do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.

GS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam… chủ trì tọa đàm.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, GS Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, góp ý văn kiện là việc của toàn dân, không phải là việc riêng của Đảng, vì văn kiện của Đảng là định hướng cho sự phát triển của đất nước. Theo đó, vừa qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức góp ý văn kiện Đảng với nhiều thành phần, đối tượng, trong đó đặc biệc có 3 cuộc tọa đàm góp ý theo chuyên đề: vai trò của khoa học công nghệ đối với phát triển kinh tế; phát huy giá trị văn hóa Việt Nam và nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ, xung kích đi đầu trong xây dựng đất nước; đấu tranh phòng chống tham nhũng, phát huy dân chủ trong thời kỳ Internet, giám sát và phản biện xã hội.

Khẳng định về nội dung cuộc tọa đàm “phát huy giá trị văn hóa Việt Nam và nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ, xung kích đi đầu trong xây dựng đất nước”, GS Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đây là cuộc thảo luận giữa những người đã có nhiều trải nghiệm và các bạn trẻ. Chúng ta hay nghĩ về văn hóa, về thanh niên ở 2 giai đoạn: lúc khó khăn nhất thì chúng ta dựa vào nền tảng văn hóa, vào sức trẻ của thanh niên để vượt qua; ngược lại, lúc thành công chúng ta cũng nhớ đến văn hóa, và thành tựu là nhờ có văn hóa, có thanh niên. Văn hóa, thanh niên là vấn đề rất quan trọng. Vì vậy, tọa đàm cần làm rõ chúng ta có thể đánh giá, phát huy sức mạnh của văn hóa, thanh niên ra sao để đưa vào văn kiện của Đảng.

Giá trị văn hóa là trường tồn của quốc gia, dân tộc

Phát biểu tại buổi tọa đàm, các đại biểu cho rằng, trong Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng, chủ đề phát triển văn hóa - xây dựng con người được Đảng ta đặc biệt chú ý. Càng ngày chúng ta càng thấy rõ hơn vai trò là nền tảng tinh thần, là mục tiêu và là động lực của văn hóa đối với sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước. Ngày nay, chúng ta hiểu văn hóa là nhân tố không thể không tính đến trong mọi quá trình phát triển. Văn hóa có khả năng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội theo hướng lành mạnh, bền vững; có khả năng làm giàu thêm các nguồn lực, nhân lên gấp nhiều lần sức mạnh bảo vệ Tổ quốc.

GS.TS Nguyễn Quang Thuấn đặt vấn đề, đúc kết từ lịch sử và đặc biệt từ thực tiễn sôi động của đất nước sau 30 năm đổi mới, cũng là kết quả của việc tiếp thu, xử lý những tinh hoa văn hóa - khoa học của thế giới. Tính đến nay, những vấn đề cốt lõi nhất, cơ bản nhất của các quan niệm thời đại về văn hóa và phát triển đều đã được nhận thức và xử lý trong các văn kiện quan trọng của Đảng về văn hóa. Tuy nhiên, làm thế nào để giải quyết được một cách căn bản nhất, ở trình độ văn hóa đối với những vấn đề về mối quan hệ văn hóa - con người đã nảy sinh trong thực tiễn hiện nay, như Dự thảo Báo cáo chính trị đã nêu, là điều không hề giản đơn. Sự tăng trưởng kinh tế sẽ trở nên lệch lạc, kém ý nghĩa, thậm chí chứa đựng đầy nguy cơ, nếu nó làm hỏng văn hóa, làm tha hóa con người - GS.TS Nguyễn Quang Thuấn nêu rõ.

Từ cách đặt vấn đề đó, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn cho rằng, nhận thức về văn hóa cần được tiếp tục nghiên cứu một cách sâu sắc hơn, thực tiễn hơn trong bối cảnh hiện nay. Các giá trị văn hóa truyền thống cần phải được tiếp tục phát huy, nhưng phải đặt điều này trong bổi cảnh thời đại và giá trị truyền thống Việt Nam phải được nâng lên ở tầm cao mới. Không quay lưng lại với các giá trị văn hóa bên ngoài. Đồng thời cần tạo dựng hệ giá trị văn hóa của con người Việt Nam. Khát vọng cống hiến để đưa đất nước sánh vai cùng các dân tộc trên thế giới phải là niềm khao khát thường trực của con người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ hôm nay.

Muốn làm được điều đó, theo GS Thuấn, bên cạnh những giá trị đã được khẳng định, cần tôn trọng và đề cao dân chủ, chấp nhận đối thoại và cùng nhau bàn bạc đi đến sự đồng thuận vì quyền lợi quốc gia. Thượng tôn pháp luật, sống thực sự coi pháp luật là thước đo đánh giá và xem xét mọi hoạt động, không bị chi phối bởi bất cứ một quyền lực nào. Bên cạnh phải chú trọng tạo dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, bình đẳng và nhân văn cho toàn xã hội; đề cao văn hóa gia đình; tạo dựng giá trị văn hóa cho cộng đồng các doanh nhân, doanh nghiệp với nguyên tắc làm giàu cho cá nhân, doanh nghiệp là làm giàu cho đất nước, không chấp nhận làm giàu phi pháp, thiếu nhân văn… thì cần tạo dựng một văn hóa chính trị theo hướng hội nhập.

“Văn hóa chính trị này không chỉ ở những người tham gia bộ máy công quyền, mà trong mọi tổ chức chính trị, xã hội khác. Sự gương mẫu, hy sinh, chính trực, công minh, tử tế... cần phải được tôn vinh. Tệ tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, cửa quyền, bè phái, vụ lợi... phải được xã hội đồng tình phê phán”, GS Thuấn nhấn mạnh.

Một vấn đề được GS Thuấn đặt ra là tạo dựng các giá trị văn hóa đối ngoại trong tình hình mới, tăng cường hình ảnh và vị thế của Việt Nam trong cộng đồng thế giới. Bằng ngoại giao văn hóa, hình ảnh đất nước chúng ta sẽ trở nên thân thuộc và gần gũi với bạn bè thế giới làm cầu nối cho các hoạt động chính trị và kinh tế. Đó chính là “sức mạnh mềm” của các quốc gia.

Đồng tình với GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, GS.TS Lê Hồng Lý, Viện Nghiên cứu Văn hóa nhấn mạnh, cần bồi dưỡng, xây dựng các nhân tài từ lúc còn “non” đến lúc trở thành những nhân tài mà cả thế giới công nhận. Chúng ta đã từng có Đặng Thái Sơn, Ngô Bảo Châu... làm rạng danh Việt Nam. Thế giới họ rất coi trọng điều này, coi đó là một thứ quyền lực mềm của quốc gia.

GS.TS Lê Hồng Lý cũng nhấn mạnh đến việc phải nâng cao nhận thức về vai trò, sức mạnh của văn hóa đối với sự phát triển, nhất là trong tình hình hiện nay. Cần tạo dựng giá trị văn hóa lãnh đạo trong tất cả các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Một người lãnh đạo có tầm nhìn, có sự hiểu biết sâu rộng, biết nhìn xa trông rộng sẽ đem lại hiệu quả to lớn cho đất nước…. Do vậy, Nhà nước các cấp cần có trách nhiệm phát hiện, tôn trọng tài năng và có chiến lược vun trồng để tài năng phát triển... Trong đó, có vai trò từ tấm gương của các đồng chí lãnh đạo cấp cao chiếm một vai trò quan trọng. Khi có những tấm gương tốt thì thanh niên sẽ ý thức đầy đủ hơn về trách nhiệm của mình cũng như giữ gìn sự phát triển của văn hóa dân tộc.

GS Mai Quỳnh Nam, Viện Nghiên cứu con người đặt vấn đề, chúng ta nghiên cứu những mặt tốt trong văn hóa của con người Việt Nam thì cũng cần nghiên cứu cả những mặt trái, lực cản đến từ con người, văn hóa Việt Nam đối với sự phát triển. Cần xây dựng văn hóa chính trị và quyền làm chủ thực sự của người dân, những thể chế chính trị mà chúng ta đang “nợ” nhân dân như Luật Biểu tình, luật về Hội, trưng cầu dân ý.. phải sớm được ban hành để người dân thực sự thấy mình được làm chủ.

Tương lai đất nước đặt trên vai thế hệ trẻ

Theo Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh, thế hệ trẻ luôn ý thức sứ mệnh của mình. Văn hóa là nền tảng của sự phát triển, là động lực của sự phát triển. Với thế hệ trẻ hiện nay, có 3 vấn đề phải đề cao: lòng yêu nước; trách nhiệm của người trẻ với đất nước, xã hội, gia đình; đạo đức lối sống. Bên cạnh đó là môi trường rèn luyện, cống hiến cho thế hệ trẻ. Nếu môi trường tốt thì sự rèn giũa của thế hệ trẻ sẽ có kết quả tốt.

Đề cập cụ thể đến vai trò thế hệ trẻ trong quá trình phát triển đất nước, ông Vũ Đình Lãm, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, khi nói đến thế hệ trẻ là nói đến vai trò xung kích, sáng tạo, nói đến ý chí, nghị lực và khát vọng vươn lên trong cuộc sống. Ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào cũng vậy, thế hệ trẻ Việt Nam luôn là một lực lượng quan trọng, hăng hái đi đầu. “Hoài bão lớn” của thế hệ trẻ thể hiện ở tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm; có khát vọng, dấn thân, vươn lên; sống có lý tưởng, bản lĩnh, tuân thủ pháp luật, có tinh thần xung kích, tình nguyện, cống hiến cho đất nước.

Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thời kỳ khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ như vũ bão hiện nay, thì nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực trẻ có trình độ cao, nguồn nhân lực tri thức khoa học công nghệ đã trở thành động lực quan trọng để góp phần xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế - xã hội, phát triển nền khoa học công nghệ tiên tiến, xây dựng nền công nghiệp hóa và hiện đại hóa cho đất nước.

“Để đáp ứng được nhu cầu trên, cần phải phát huy giá trị văn hóa Việt Nam, đồng thời nuôi dưỡng tinh thần khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ khoa học công nghệ, thế hệ tri thức trẻ đi đầu trong công cuộc xây dựng đất nước. Đây là nội dung không thể thiếu trong công tác giáo dục tư tưởng, văn hóa, truyền thống cách mạng đối với thế hệ trẻ nước ta nói chung, thế hệ trẻ khoa học công nghệ nói riêng” – ông Lãm lưu ý.

Ông Vũ Đình Lãm nêu rõ, trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch đang ráo riết chống phá cách mạng nước ta, nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa. Đầu độc thế hệ trẻ những văn hóa độc hại, làm băng hoại các giá trị văn hóa bản sắc của dân tộc Việt Nam. Ngoài ra chúng còn tìm cách “bôi đen” lịch sử, nói xấu lãnh tụ, mua chuộc đội ngũ cán bộ, lôi kéo thế hệ trẻ, coi thế hệ trẻ là một lực lượng cần hướng tới, nhằm biến họ thành những “công cụ tự giác” để thực hiện mưu đồ chính trị. Mặt khác, các giá trị văn hóa của dân tộc phải đối diện với những thách thức, những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường. “Do vậy việc chăm lo bồi dưỡng, giáo dục và nâng cao ý thức phát huy giá trị văn hóa Việt Nam cho thế hệ trẻ vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước” – ông Lãm nói

Để phát huy giá trị văn hóa Việt Nam và nuôi dưỡng tinh thần khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ, ông Vũ Đình Lãm đề xuất cần tổ chức tốt việc giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ Việt Nam. Tăng cường bồi dưỡng cho thế hệ trẻ hiểu đúng và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong hành động cách mạng; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa, bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó nuôi dưỡng tinh thần, khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ xung kích đi đầu trong xây dựng đất nước. Đồng thời, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên của các thế hệ đi trước; phát huy vai trò tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện của thế hệ trẻ và phát huy vai trò trí tuệ của thế hệ trẻ trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội, Ủy ban Trung MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, tương lai đất nước đang đặt lên vai thế hệ trẻ. Ngoài rèn luyện tri thức, tiếp cận công nghệ, thế hệ trẻ cần có ý thức giữ gìn những giá trị truyền thống. Hội nhập văn hóa nhưng không lai căng.

TS Nguyễn Viết Chức cho rằng, dự thảo văn kiện cần có những giải pháp cụ thể để phát huy vai trò văn hóa cũng như thế hệ trẻ. “Xây dựng con người thì con người tuổi trẻ phải là con người thế nào? Con người thanh niên phải chăng là người có trí tiến thủ cao, có lòng tự ái dân tộc, yêu Tổ quốc, yêu nước thể hiện bằng hành động cụ thể, phải đặt câu hỏi là mình đã đóng góp gì cho đất nước này không tụt hậu, sánh vai với cường quốc năm châu. Tuổi trẻ phải có chí khí để đưa đất nước mình ra khỏi tụt hậu” – TS Chức nói.


 

 
Hoa hậu Ngọc Hân góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng. 

Hoa hậu Ngọc Hân, Hoa hậu Việt Nam năm 2010, bày tỏ mong muốn, thời gian tới, Đảng, Nhà nước quan tâm hơn đến vấn đề giáo dục cho thế hệ trẻ, nhất là học sinh, sinh viên về văn hóa, về lịch sử nước nhà. Bởi vì Việt Nam dù có rất nhiều cuốn sách về lịch sử, có rất nhiều chương trình giáo dục về văn hóa, nhưng vấn đề giáo dục như thế nào cũng còn rất đáng bàn. Hoa hậu Ngọc Hân mong muốn có những chương trình giáo dục nhuần nhuyễn hơn, mềm mại hơn, sáng tạo hơn chứ không một chiều, khô cứng để làm sao những kiến thức lịch sử, văn hóa đó thấm vào giới trẻ một cách tự nhiên. Cùng với đó phải đẩy mạnh quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài...

(Theo Dangcongsan.vn)

Các tin khác
Bà Nguyễn Thị Ninh - Phó bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Yên Bình

Cần làm rõ hơn nguyên nhân cơ bản sâu xa khiến cho công tác xây dựng Đảng 5 năm qua còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, đặc biệt là một số tiêu cực trong công tác tuyển dụng, bố trí, sử dụng cán bộ...

Ông  Tiêu Xuân Cương - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Yên Bình

Qua nghiên cứu các dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tôi hoàn toàn nhất trí với những nội dung cơ bản của các văn kiện.

Được nghiên cứu dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, tôi hết sức phấn khởi, tự hào dưới sự lãnh đạo của Đảng trong nhiệm kỳ vừa qua, đất nước ta đã giành được nhiều thành tựu to lớn và toàn diện.

Điểm đổi mới đầu tiên và dễ nhận ra nhất là ở chủ đề Đại hội với thành tố "...bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục