Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng

  • Cập nhật: Thứ năm, 29/10/2015 | 3:02:55 PM

YênBái - YBĐT - Đổi mới và không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và các hoạt động giám sát, phản biện, giám định xã hội, nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ máu thịt giữa nhân dân với Đảng. Đó là ý kiến tham gia của Luật gia Lê Bá Hùng - Hội Luật gia tỉnh Yên Bái góp ý vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng.

Phần XII Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng  đã chỉ rõ "Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo. Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam, tăng cường quan hệ máu thịt của nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc".

Phần này tôi đề nghị làm rõ hơn nội hàm của phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thể hiện trên ba vấn đề chính:

Thứ nhất: Mục tiêu cao cả của xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhằm: Phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, tăng cường sự gắn bó máu thịt giữa nhân dân với Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa  xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thứ hai: Nguyên tắc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc dựa trên nền tảng liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo. Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam.

Thứ ba: Giải pháp để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải được thực hiện một cách toàn diện và đồng bộ, trong đó, phát huy quyền dân chủ của nhân dân phải được đặt lên hàng đầu và thực hiện một cách triệt để, lâu dài.

Để làm được việc này, Đảng, Nhà nước phải tiếp tục thể chế hóa quyền dân chủ trực tiếp, quyền dân chủ đại diện để phát huy được sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh quyền làm chủ của nhân dân theo tinh thần Hiến pháp 2013. Quyền dân chủ đại diện là quyền của nhân dân được thực hiện thông qua các cơ quan quyền lực của Nhà nước, Quốc hội, HĐND, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; quyền dân chủ trực tiếp là quyền của nhân dân ứng cử, bầu cử; quyền biểu quyết những vấn đề quan trọng của đất nước thông qua trưng cầu ý dân; quyền giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của Nhà nước; quyền quản lý đối với các dự án đầu tư có phần vốn góp của nhân dân... Do vậy, văn kiện lần này cần nhấn mạnh việc cụ thể hóa cơ chế về dân chủ trực tiếp của người dân, nhất là làm sao để tiếp tục cụ thể hóa Quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra"; chống việc thực hiện quy chế dân chủ một cách hình thức.

Để tăng cường dân chủ, trước hết phải thực hiện tốt dân chủ trong Đảng. Phải coi dân chủ trong Đảng là nòng cốt, là hạt nhân để phát huy dân chủ trong xã hội; không có dân chủ trong Đảng thì không có dân chủ trong xã hội.

Để phát huy dân chủ trong xã hội, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức, đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội có vị trí rất quan trọng. Hiến pháp năm 2013 đã quy định Mặt trận Tổ quốc là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Mặt trận có quyền tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, có quyền giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của Nhà nước. Việc phát huy dân chủ trong xã hội, trước hết là phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội để nhân dân thông qua đó thực hiện quyền dân chủ của mình.

Một trong các giải pháp quan trọng khác là trong hoạch định chính sách, Đảng và Nhà nước phải thực hiện sự bình đẳng trong xã hội, đó là sự bình đẳng giữa các dân tộc, các tôn giáo, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân sỹ, trí thức, bình đẳng giữa miền ngược với miền xuôi, thành thị với nông thôn; tạo điều kiện để các thành phần trong xã hội cùng phát triển, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Chăm lo hơn nữa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện tốt các chính sách đối với dân tộc và tôn giáo; chính sách đối với người có công với cách mạng, người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tăng cường giáo dục nhận thức về chính trị, pháp luật cho cán bộ và nhân dân; chú trọng xây dựng đạo đức cách mạng, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam để tăng cường sự đồng thuận trong xã hội.

Đảng, Nhà nước cần phải chú trọng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đấu tranh làm thất bại âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ và  thủ đoạn của các thế lực thù địch chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ khối đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, cần tiếp tục có chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, tranh thủ sự đồng tình, ủng hội của các lực lượng yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên toàn thế giới; có các chính sách để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hướng về đất nước, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về tổ chức và năng lực lãnh đạo, chống suy thoái về chính trị, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đảng phải thực sự gắn bó máu thịt với nhân dân, lấy phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân làm kim chỉ nam cho hành động của tổ chức  Đảng và đảng viên. Tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân để xây dựng niềm tin của nhân dân với Đảng; có cơ chế để nhân dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của đất nước.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phải tiếp tục phấn đấu trở thành lực lượng tiêu biểu, nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đại diện cho quyền lợi của nhân dân, kịp thời phản ánh nguyện vọng và ý kiến đóng góp của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Đổi mới và không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và các hoạt động giám sát, phản biện, giám định xã hội, nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ máu thịt giữa nhân dân với Đảng.

Lê Bá Hùng (Hội Luật gia tỉnh)

Các tin khác

YBĐT - Góp ý vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, đồng chí Giàng A Đằng - Bí thư Đảng ủy xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn đã có ý kiến tham gia như sau:

YBĐT - Góp ý vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, ông Sùng A Vang, thôn khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên có ý kiến sau:

YBĐT - Đó là ý kiến đóng góp vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của đồng chí Tống Xuân Toản - Bí thư Đảng bộ phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái.

YBĐT - Đó là ý kiến tham gia vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của đồng chí Nguyễn Xuân Tùng - Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Bình (ảnh).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục