Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt
- Cập nhật: Thứ tư, 4/11/2015 | 9:56:32 AM
YênBái - YBĐT - Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Vì thế, Đảng ta luôn nhất quán tư tưởng “Xây dựng Đảng là then chốt”. Tư tưởng đó được thể hiện rõ trong các kỳ Đại hội Đảng và tiếp tục khẳng định trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng.
Đại biểu dự Đại hội Đảng bộ huyện Mù Cang Chải xem triển lãm ảnh về thành tựu kinh tế - xã hội của huyện trong 5 năm qua. Ảnh MQ
|
Trong mục XV của Dự thảo Báo cáo đề cập vấn đề “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”, Đảng ta đã phân tích, đánh giá một cách sâu sắc, nghiêm túc, cả thành công và chưa thành công của công tác xây dựng Đảng. Điều đó thể hiện quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo đảm để Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ, xứng đáng với sự mong đợi của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Thành công lớn nhất về công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ qua là, toàn Đảng đã tập trung quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và Chỉ thị 03 - CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đây là vấn đề mấu chốt, khâu đột phá để làm trong sạch nội bộ Đảng, đồng thời, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Đánh giá về công tác xây dựng Đảng không chỉ được thể hiện rõ trong nội dung, mà còn được nêu ngay từ tiêu đề của Dự thảo Báo cáo chính trị đã phản ánh sâu sắc tầm quan trọng của công tác này trong tình hình mới. Theo đó, phải xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Việc nhấn mạnh yếu tố đạo đức là điểm mới, thể hiện sự phát triển tư duy lý luận của Đảng trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và tình hình thực tiễn hiện nay. Dự thảo Báo cáo chính trị cũng đã chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm kể cả phương diện lý luận và thực tiễn của công tác xây dựng Đảng trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, tổ chức, kiểm tra, dân vận, phòng chống tham nhũng, lãng phí và vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền.
Trong nhiệm kỳ tới, Đảng nhận định tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước, tuy tình hình chính trị - xã hội ổn định, kinh tế từng bước thoát khỏi tình trạng suy giảm, đang phục hồi tăng trưởng, nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức; khoảng cách giàu - nghèo, phân hóa xã hội ngày càng tăng. Bốn nguy cơ mà Đảng chỉ ra vẫn tồn tại, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn. Đặc biệt, các thế lực thù địch, đẩy mạnh chống phá nước ta bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”; thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta, hòng xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Cùng với đó, tình hình Biển Đông tiếp tục có những diễn biến phức tạp mới rất khó lường. Sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta rất nặng nề, có cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.
Mặt khác, trong nhiệm kỳ qua, Đảng ta có những bước đột phá trong lý luận và nhận thức; chấp nhận kinh tế thị trường và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để xây dựng đất nước có được những thành quả to lớn. Song, mặt trái của kinh tế thị trường cùng với những tác động tiêu cực của tình hình kinh tế chính trị trên thế giới, công tác xây dựng Đảng còn bộc lộ nhiều yếu kém; chưa bao giờ chủ nghĩa cá nhân lại phát triển mạnh và cao độ như trong thời kỳ kinh tế thị trường; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; tệ tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi; tội phạm và tệ nạn xã hội có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp; văn hóa truyền thống, đạo đức xã hội có dấu hiệu xuống cấp; xu hướng tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm đang có chiều hướng gia tăng trở thành nguy cơ làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng; đe dọa vận mệnh của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Bởi vậy, trong nhiệm kỳ tới, Đảng ta xác định cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng:
Trước hết, cần xây dựng bản lĩnh chính trị của Đảng dựa trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là vấn đề cơ bản nhất, là thước đo để đánh giá phẩm chất, năng lực, trí tuệ, tính chiến đấu của Đảng và vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là trước những giai đoạn khó khăn của cách mạng, đòi hỏi ý chí, nghị lực và sự tập trung lãnh đạo của tổ chức Đảng và đảng viên. Đồng thời, là cơ sở để xây dựng Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới. Đồng thời, Đảng phải chú trọng lãnh đao và có các biện pháp đấu tranh, phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch nhằm xuyên tạc, phủ nhận giá trị khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước ta.
Để xây dựng bản lĩnh chính trị của Đảng cần tích cực đổi mới công tác tư tưởng, lý luận; nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng; làm cho công tác tư tưởng bám sát được đời sống chính trị, xã hội và tình hình nội bộ Đảng; phát hiện, xử lý kịp thời các khuynh hướng tư tưởng lệch lạc, trái chiều không để xảy ra đột biến chính trị, gây dư luận xấu nhằm chia rẽ nội bộ, ảnh hưởng đến sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội. Mặt khác cần coi trọng chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu lý luận và giáo dục nhận thức chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; chống “bệnh hình thức” và thói quen “giáo điều”, nói không đi đôi với làm, nói nhiều, làm ít đang còn phổ biến hiện nay.
Cần tiếp tục thực hiện một cách triệt để Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với quyết tâm chính trị cao; thực thi dân chủ trong sinh hoạt và hoạt động của Đảng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng; phân định rõ trách nhiệm, tính gương mẫu, tiên phong của người đứng đầu tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội; chú trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Cần đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong Đảng và trong xã hội; “xây” phải đi đôi với “chống”, phòng ngừa phải gắn liền với đấu tranh, phát hiện, xử lý tham nhũng; không để có vùng “cấm” trong quản lý và xử lý vi phạm của cán bộ, đảng viên. Đảng phải coi đây là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên để giữ gìn vận mệnh của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa của đất nước. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí phải được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao; kết hợp chặt chẽ giữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức, lực lượng với phát huy vai trò lãnh đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm túc theo thẩm quyền của tổ chức Đảng và người đứng đầu, tránh mọi biểu hiện của bệnh thành tích, bao che hành vi tham nhũng, lãng phí. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải thật sự “dĩ công vi thượng”, trong sạch, không có biểu hiện đặc quyền, đặc lợi, cấu kết vì “lợi ích nhóm”. Hành vi tham nhũng phải bị xử lý kịp thời, nghiêm khắc; những nơi để xảy ra tham nhũng, lãng phí cần xử lý nghiêm minh trách nhiệm người đứng đầu; không xử lý được tham nhũng thì không thể xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, không ngăn được nguy cơ nhân dân mất lòng tin vào Đảng.
Cần quan tâm đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ theo đúng yêu cầu của chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Đảng phải thực sự trọng dụng người có đức, có tài, có năng lực, kinh nghiệm và uy tín trong Đảng và trong xã hội; kiên quyết không để người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chuyên quyền, độc đoán vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Chú trọng làm tốt hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên trẻ có trình độ khoa học công nghệ, trưởng thành trong thực tế lao động, sản xuất, chiến đấu và công tác; có phẩm chất đạo đức trong sáng và hoài bão cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng vì mục tiêu “Dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; góp phần giữ vững vận mệnh của Đảng và và chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta.
Lê Bá Hùng (Hội Luật gia tỉnh Yên Bái)
Các tin khác
YBĐT - Tham gia góp ý vào các Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, ông Phạm Văn Rỡ - Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Yên Bái đề nghị:
YBĐT - Tham gia góp ý vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, đồng chí Đoàn Trường Sinh - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Văn Yên có ý kiến như sau:
YBĐT - Đó là ý kiến của ông Lê Đình Đạo - Chủ tịch Hội Địa chất – Khoáng sản tỉnh Yên Bái khi tham gia vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng.
Tham gia vào phần VII về phát triển văn hóa, xây dựng con người… trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, ông Nguyễn Văn Quang - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đề xuất ý kiến như sau: