30 năm đổi mới phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/1/2016 | 11:02:14 AM

YBĐT - Từ năm 1986, Đảng ta tiếp tục kế thừa, phát triển, mở rộng quan điểm về văn hóa của các giai đoạn trước, để đi tới quan điểm giản dị nhưng sâu sắc: văn hóa là nhu cầu thiết yếu của đời sống con người, thể hiện trình độ phát triển chung của đất nước, là lĩnh vực sản xuất tinh thần, tạo ra các giá trị, sản phẩm làm giàu đẹp cuộc sống.

Từ tổng kết thực tiễn, đúc kết lý luận, năm 1991, Đảng ta khẳng định luận điểm có tính khái quát cao, toàn diện, phù hợp đặc trưng của văn hóa, văn nghệ là “nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Thực tiễn đổi mới đòi hỏi tư duy lý luận không dừng lại ở miêu tả, tổng kết đức tính của người Việt Nam mà phải nâng lên với yêu cầu mới. Vì vậy, trong các văn kiện gần đây, Đảng nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng và đúc kết hệ giá trị chung của con người Việt Nam đương đại, trong đó phải triển khai đồng thời ba việc lớn: bảo vệ, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của truyền thống; chăm lo nuôi dưỡng, khẳng định những giá trị mới đang hình thành; tỉnh táo chỉ ra, khắc phục những hạn chế lịch sử, những thói hư tật xấu của con người.

Đó là tầm nhìn thể hiện tính biện chứng trong tư duy về văn hóa và về con người. Năm 1998, với Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII), Đảng ta khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Tư duy lý luận tiếp tục phát triển, bổ sung sâu sắc hơn và với Nghị quyết 33 - Nghị quyết T.Ư 9 (Khóa XI), Đảng đồng thời nhấn mạnh bốn đặc trưng tiêu biểu của văn hóa: dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học.

Những năm gần đây, chúng ta làm rõ thêm một số nội dung mới: văn hóa là sức mạnh nội sinh quan trọng của sự phát triển, không chỉ là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội mà phải là sự phát triển bền vững của đất nước, của dân tộc. Phải xác định văn hóa là một trong bốn trụ cột của phát triển bền vững, có vị trí ngang với kinh tế, chính trị và xã hội. Từ đó, trong chỉ đạo phải “coi trọng ngang nhau” cả bốn lĩnh vực cơ bản của sự phát triển, như lời căn dặn của Bác Hồ, đó là những nhận thức đi vào chiều sâu văn hóa.

Để góp phần tạo nên sự phát triển bền vững, trở thành nguồn lực nội sinh của dân tộc, trước hết phải xây dựng sự gắn kết sâu sắc giữa văn hóa với con người. Từ đổi mới đến nay, các văn kiện của Đảng luôn nhất quán khẳng định: phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người, xây dựng con người là nhiệm vụ cốt lõi, trọng tâm, xuyên suốt mọi hoạt động văn hóa.

Cùng với nhận thức lý luận mới về văn hóa, Đảng ta chú trọng yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước với lĩnh vực có nhiều đặc thù này, để vừa bảo đảm định hướng phát triển văn hóa phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vừa phát huy cao nhất, tôn trọng quyền tự do sáng tạo, thực hành dân chủ, giải phóng tiềm năng to lớn của đội ngũ hoạt động văn hóa, văn nghệ. Trong đổi mới phương thức lãnh đạo, cần tránh hai khuynh hướng: hoặc bảo thủ, máy móc, cứng nhắc, chỉ đạo song không am hiểu đặc trưng của văn hóa; hoặc hữu khuynh, buông lỏng, né tránh các vấn đề đang đặt ra cần giải quyết. Cả hai khuynh hướng này đều có hại cho sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa.

Sau 30 năm đổi mới, sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Văn hóa phát triển đa dạng, phong phú, xuất hiện nhiều loại hình, loại thể, các hoạt động văn hóa mới, có khả năng chiếm lĩnh các mặt khác nhau của đời sống xã hội. Một mặt, trong tư tưởng chỉ đạo thực tiễn, Đảng ta luôn tôn trọng tính đa dạng của văn hóa, quyền tự do sáng tạo của người hoạt động văn hóa - văn nghệ.

Mặt khác, chúng ta bước đầu chú trọng tập trung nhân lực, vật lực, tài lực cho sự phát triển dòng mạch chính của văn hóa, mà nội dung chủ yếu là yêu nước, thủy chung với lý tưởng xã hội chủ nghĩa (XHCN), khẳng định hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, đồng thuận, đồng hành, góp phần có hiệu quả vào công cuộc đổi mới. Phải nói rằng, văn hóa đã góp phần quan trọng tạo không khí dân chủ, cởi mở hơn, dân trí được nâng cao, tính năng động sáng tạo, tự chủ và tính tích cực xã hội của con người được phát huy, hình thành các nhân tố mới, giá trị mới của con người Việt Nam. Nhiều phong trào, cuộc vận động về văn hóa đạt kết quả tích cực, góp phần tạo môi trường văn hóa, bảo vệ và phát huy những giá trị nhân văn truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi động, đáp ứng nhu cầu đa dạng của công chúng. Sản phẩm văn hóa tăng đáng kể về số lượng, có dấu hiệu tích cực về chất lượng, đã và đang hình thành thị trường sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật, khoa học, công nghệ. Văn học, nghệ thuật đã tạo ra nhiều tác phẩm chiếm lĩnh, phản ánh mọi lĩnh vực đời sống, đang nỗ lực đổi mới tư duy sáng tạo, tìm tòi phương thức mới để nâng cao năng lực khám phá cuộc sống. Hệ thống thông tin đại chúng có bước phát triển mạnh về loại hình, chất lượng, tính hiện đại, trực tiếp, nhanh nhạy chuyển tải, truyền bá văn hóa đến với công chúng…

Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc đạt kết quả đáng trân trọng, bước đầu gắn kết với kinh tế du lịch, và đang trở thành tài nguyên độc đáo của du lịch Việt Nam. Giao lưu, hội nhập quốc tế về văn hóa được mở rộng, từng bước đi vào chiều sâu, chú trọng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, bước đầu cố gắng giữ vai trò chủ động trong việc tiếp nhận có chọn lọc, làm giàu văn hóa dân tộc trong quá trình tiếp biến nhiều phức tạp do hội nhập quốc tế tạo ra.

Về quản lý văn hóa có nhiều tiến bộ, trước hết là tư duy cởi mở hơn và cố gắng xây dựng hành lang pháp lý phù hợp với đặc trưng của văn hóa và sự  sáng tạo của văn nghệ sĩ. Các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị đã nhận thức rõ hơn trong việc gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quốc phòng - an ninh, đối ngoại với phát triển văn hóa và xây dựng con người. Vì thế, những năm gần đây, vai trò của văn hóa góp phần vào sự phát triển bền vững đã và đang được khẳng định ngày càng rõ hơn.

Tuy vậy, vẫn cần chỉ ra các hạn chế, khuyết điểm để từ đó tiếp tục giải quyết trong những năm tới. Nổi lên là trong nhận thức lý luận về văn hóa, chúng ta chưa lường hết, chưa bao quát hết phạm vi ngày càng rộng lớn, đa dạng, phức tạp của văn hóa, cho nên còn bộc lộ ít nhiều lúng túng, giải quyết “ứng phó tình thế” trước một số biến động, biến chuyển mới, các vấn đề mới nảy sinh trong đời sống. Một số vấn đề mới chưa có lý giải khoa học, có sức thuyết phục, như chức năng điều tiết, “sức mạnh mềm” của văn hóa; văn hóa và phát triển; văn hóa trong chính trị và kinh tế; sức mạnh nội sinh của văn hóa trong phát triển bền vững; văn hóa trong điều kiện bùng nổ thông tin; văn hóa trong xây dựng các giá trị nhân cách; giải pháp phòng, chống sản phẩm xấu, độc hủy hoại nhân cách, đạo đức, lối sống…

Trong quá trình giao thoa, tiếp biến văn hóa; phát triển và quản lý công nghiệp văn hóa, thị trường sản phẩm văn hóa… Các vấn đề này đang đặt ra, nhưng về lý luận, chúng ta mới dừng lại ở định hướng cơ bản với phác thảo ban đầu, đôi khi thiếu tính thực tiễn, thiếu khả thi. Vì vậy, tư duy về phát triển văn hóa có biểu hiện chưa theo kịp, chưa phù hợp, chưa chủ động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển văn hóa trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế...

... Để tiếp tục phát triển văn hóa cần kiên trì và kiên quyết hiện thực hóa quan điểm được Đảng ta khẳng định: văn hóa là một nhân tố, một trụ cột tạo nên sự phát triển bền vững của dân tộc, của đất nước, vì vậy phải coi trọng văn hóa ngang với kinh tế, chính trị và xã hội. Cần xác định vai trò của văn hóa trong triển khai chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển bền vững của từng địa phương, từng vùng miền và cả nước. Cần một tầm nhìn mới, một bản lĩnh cao, coi văn hóa là một đột phá chiến lược cùng ba đột phá trên lĩnh vực kinh tế, nhân lực, cơ sở hạ tầng, tạo ra sức mạnh tổng hợp để phát triển. Cần đưa văn hóa vào kinh tế, tạo ra trong các sản phẩm kinh tế, kinh doanh, dịch vụ có tỷ trọng ngày càng cao hàm lượng chất xám, hàm lượng trí tuệ - văn hóa. Nói cách khác, đột phá về kinh tế, xét đến cùng là bắt đầu từ văn hóa với ý nghĩa sâu sắc, rộng lớn (bao gồm giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, công nghiệp văn hóa, sáng tạo trí tuệ của con người,…).

 Thực tiễn xây dựng văn hóa 30 năm qua cho thấy việc xác định bốn lĩnh vực quan trọng sẽ tạo ra diện mạo và chất lượng mới của văn hóa đất nước là: xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú gắn với đời sống văn hóa cơ sở; tạo các sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật đỉnh cao của dân tộc ở thời kỳ hiện đại; những công trình văn hóa lớn, tiêu biểu đánh dấu bước phát triển của đất nước, và quy tụ tất cả các hoạt động văn hóa vào nhiệm vụ cốt tử là nuôi dưỡng, xây đắp con người Việt Nam, kế tục xứng đáng truyền thống và những giá trị tốt đẹp của dân tộc.

B.T 

Các tin khác
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sáng 20/1, trước giờ khai mạc phiên họp trù bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII viếng Lăng Bác.

Theo dự kiến, sáng nay (20/1), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), Đại hội XII của Đảng sẽ họp phiên trù bị.

YBĐT - Sau hơn 6 tháng thi công, nhà thầu Tập đoàn Quốc tế Đông Á đã hoàn thành hạng mục cọc khoan nhồi phục vụ thi công bệ, thân mố M7 và thân xà mũ trụ T6.

Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội XII của Đảng cho biết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII dự kiến là 200 đồng chí, gồm 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết, số lượng tái cử dự kiến khoảng 55-60%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục