5 năm (2015 - 2020), với sự đoàn kết, quyết tâm cao độ, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Trấn Yên đã khắc phục mọi khó khăn, phát huy lợi thế, viết tiếp vào lịch sử Đảng bộ huyện những thành tích nổi bật, thể hiện sự bứt phá, vươn lên trong đổi mới, hội nhập và phát triển, đưa Trấn Yên vươn tới vị thế mới, tầm cao mới.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện Trấn Yên thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có thế mạnh của huyện, gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chặt chẽ. Hình thành vùng tre măng Bát độ trên 3.500 ha; vùng trồng dâu nuôi tằm 900 ha; vùng trồng quế với diện tích trên 16.000 ha. Chăn nuôi hàng hóa phát triển theo hướng trang trại, gia trại với 618 cơ sở; trong đó, có nhiều cơ sở chăn nuôi với quy mô lớn.
Thực hiện tốt công tác trồng, bảo vệ, phát triển rừng, đưa kinh tế rừng trở thành mũi nhọn, tỷ lệ che phủ rừng đạt 70%. Xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tạo dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm hướng tới nền nông nghiệp sạch, bền vững. Trong nhiệm kỳ qua, huyện xây dựng được 10 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.
Phong trào xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đạt được những kết quả vượt bậc. Toàn bộ 21 xã của huyện đã về đích NTM; trong đó, có 5 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM, huyện hoàn thành toàn bộ 9 tiêu chí huyện NTM. Năm 2019, Trấn Yên là huyện đầu tiên của tỉnh và khu vực Tây Bắc được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Trong giai đoạn 2015 - 2020, Trấn Yên vinh dự hai lần được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập.
Có thể khẳng định, đây là dấu ấn lớn nhất trong cả chặng đường phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện 5 năm qua. Đến nay, diện mạo nông thôn có sự thay đổi rõ nét; 100% tuyến đường liên xã, liên thôn được cứng hóa; các tuyến đường nội đồng, đường vào khu sản xuất được mở mới, nâng cấp đảm bảo thuận tiện trong sản xuất.
Cầu Cổ Phúc- cây cầu mơ ước ngàn năm nối liền đôi bờ sông Hồng - cây cầu của ý Đảng lòng dân, đem lại sự thuận lợi cho việc đi lại và phát triển kinh tế - xã hội và mang hơi thở của sự hiện đại trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang dần hiện hữu.
Cơ sở vật chất trang thiết bị trường lớp học, thiết chế văn hóa được đầu tư đồng bộ, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; cảnh quan môi trường nông thôn có nhiều thay đổi tích cực; bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được giữ gìn và phát huy; đời sống, vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 36,8 triệu đồng, tăng 11,8 triệu đồng so với năm 2015.
Đồng chí Nguyễn Thế Phước - Bí thư Huyện ủy Trấn Yên thăm mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc trong nhà lưới tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên.
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được xác định là khâu đột phá trong phát triển kinh tế. Hiện, toàn huyện có 448 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thu hút và tạo việc làm cho trên 2.800 lao động, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 đạt trên 900 tỷ đồng, tăng 2,9 lần so với 2015; giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt trên 39 triệu USD, tăng 20 lần so với đầu nhiệm kỳ.
Huyện thực hiện triệt để các giải pháp nhằm cải thiện, tạo môi trường thông thoáng, bình đẳng trong đầu tư kinh doanh; các thành phần kinh tế có bước phát triển mạnh mẽ về số lượng, chất lượng, từng bước khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Trong 5 năm, huyện thành lập mới 87 doanh nghiệp, 42 hợp tác xã, 873 hộ kinh doanh, 480 tổ hợp tác, nâng số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh lên 2.473 cơ sở, tăng 1.258 cơ sở so với năm 2015; thu hút 32 dự án đăng ký đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 18.200 tỷ đồng; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng góp khoảng 44,3% tổng thu ngân sách trên địa bàn.
Huyện đã hoàn thành Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp học giai đoạn 2016 - 2020 đảm bảo đúng lộ trình, vượt kế hoạch đề ra và đã giảm 20 trường học, 39 điểm trường, 31 lớp học, 95 cán bộ quản lý, giáo viên; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại, đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học; tỷ lệ phòng học kiên cố ở các cấp học đạt trên 93%; 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; có 13/21 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia vượt mục tiêu Nghị quyết, toàn huyện có 48/48 trường đạt chuẩn quốc gia.
Trung tâm Y tế huyện đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; 100% xã, thị trấn đạt chuẩn Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; chất lượng khám chữa bệnh và sự hài lòng của người dân được nâng lên; hình thành thêm cơ sở y tế tư nhân, đa dạng hóa các loại hình chăm sóc sức khỏe, góp phần đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Diện bao phủ bảo hiểm y tế được mở rộng và đến năm 2020 tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 94%, tăng 18,3% so với năm 2015; tỷ lệ hộ dân cư nông thôn dùng nước hợp vệ sinh đạt 97,5%; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc - xin hằng năm đạt 99,5%; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được hạn chế.
Năm 2020, có 90% hộ đạt chuẩn văn hóa; 90% thôn, bản, tổ dân phố và 95% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; hệ thống truyền thanh cơ sở được đầu tư; 100% số xã phủ sóng phát thanh, truyền hình, 91% số thôn, bản, tổ dân phố có hệ thống loa truyền thanh; tỷ lệ hộ được nghe, xem phát thanh, truyền hình đạt 99,7%. Đặc biệt, huyện làm rất tốt công tác xóa đói, giảm nghèo và 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo giảm 23,37%, hết năm 2020 còn 2,11%, thấp hơn bình quân của tỉnh và cả nước.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được bảo đảm; công tác tổ chức xây dựng Đảng đạt nhiều kết quả nổi bật; đã thực hiện một cách quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả việc sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy theo tinh thần các nghị quyết của Trung ương, chỉ đạo của Tỉnh ủy và nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên, nhân dân.
Đến nay, sau sắp xếp đã giảm được 26 đầu mối cơ quan, đơn vị, 1 xã, 43 thôn, bản, tổ dân phố, giảm 13,4% biên chế so với năm 2015. Các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được xác định rõ hơn, hạn chế sự chồng chéo; việc tinh giản biên chế, đặc biệt là giảm số lượng cán bộ quản lý đã góp phần từng bước cơ cấu hợp lý, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức của huyện.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được chú trọng và 5 năm qua đã đào tạo, bồi dưỡng 1.617 lượt cán bộ; thực hiện luân chuyển, điều động 66 cán bộ; 4 cán bộ nữ, cán bộ trẻ tham gia Đề án số 11-ĐA/TU của Tỉnh ủy.
Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị theo chủ đề hằng năm; chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác gắn với các phong trào thi đua yêu nước nhằm tăng cường giáo dục, rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên.
Giai đoạn 2017 - 2020, đã có 225 tập thể, 163 cá nhân đăng ký xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác. Việc triển khai xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở.
Chuẩn bị cho chặng đường kế tiếp, Đảng bộ huyện thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đại biểu các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; trong đó, công tác nhân sự được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 được lựa chọn kỹ càng, đó là các đồng chí có đức, có tài, có uy tín và bảo đảm đúng cơ cấu ba độ tuổi, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số theo tinh thần Chỉ thị 35.
Trong giai đoạn 2020 - 2025, Đảng bộ huyện sẽ tập trung thực hiện thắng lợi 28 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, môi trường, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; thực hiện 3 đột phá theo định hướng của tỉnh. Huyện xác định 4 chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm giai đoạn mới là:
(1) Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
(2) Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, theo các chuỗi giá trị, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm gắn với mục tiêu xây dựng huyện NTM kiểu mẫu.
(3) Phát triển công nghiệp hiệu quả, bền vững gắn với bảo vệ môi trường tạo đột phá cho phát triển kinh tế của huyện.
(4) Tập trung phát triển đô thị, phấn đấu sớm đưa thị trấn Cổ Phúc trở thành đô thị loại IV; trung tâm các xã: Báo Đáp, Hưng Khánh, Vân Hội thành đô thị loại V.
Trong 5 năm tới, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, dự báo cũng sẽ có không ít khó khăn, thách thức ở phía trước. Thành công luôn là kết quả của sự đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm cao độ. Lớp lớp thế hệ đi trước đã cần mẫn, kiên cường dệt nên những trang sử huy hoàng của huyện.
Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Trấn Yên hôm nay có quyền tự hào về những thành quả đó và có trách nhiệm tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, tô thắm thêm những trang sử huy hoàng, rực rỡ, cùng chung tay xây dựng quê hương Trấn Yên trở nên giàu đẹp, đáng sống.
Với tinh thần đó, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong huyện quyết tâm "Phát huy dân chủ, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, khơi dậy truyền thống anh hùng, ý chí khát vọng vươn lên; phấn đấu xây dựng huyện Trấn Yên phát triển toàn diện gắn với mục tiêu trở thành huyện NTM kiểu mẫu”.
Nguyễn Thế Phước - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Trấn Yên