Góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng do Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức, Giáo sư Hoàng Chí Bảo đánh giá cao việc dự thảo văn kiện đã chú trọng giáo dục toàn diện các cấp học, ngành học trong nền giáo dục quốc dân. Ngay trong định hướng phát triển và các nhiệm vụ, mục tiêu đã nêu được cả giáo dục đại học, thậm chí còn nhấn mạnh "nhất là giáo dục đại học, cao đẳng dạy nghề” để chú trọng phân luồng học sinh ngay từ khi hết trung học cơ sở.
Giáo sư Hoàng Chí Bảo
"Tôi cho rằng tư tưởng ấy là tiếp tục tư tưởng đổi mới cải cách đồng bộ, toàn diện nền giáo dục quốc dân mà Đảng ta đã có nghị quyết”.
Giáo sư Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh như vậy, nhưng theo ông vẫn cần nói rõ hơn về vấn đề giáo dục đại học bởi diện mạo của một đất nước, một dân tộc muốn có nhân lực chất lượng cao là ở khu vực đào tạo đại học, nơi cung cấp nguồn nhân lực cao nhất.
Giáo sư Bảo cho rằng, nội dung giáo dục đào tạo mới chỉ nhấn mạnh được một khía cạnh của đào tạo đại học, là chú trọng nâng cao chất lượng của tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, đảm bảo chất lượng đầu vào của đại học để có chất lượng tốt. Điều đó là chưa đủ, mới là điều kiện cần, điều kiện đủ là chất lượng giáo dục đại học, phải gắn chặt giảng dạy với nghiên cứu khoa học.
Theo Giáo sư Hoàng Chí Bảo, đội ngũ giảng viên đại học của ta hiện nay rất ít nghiên cứu khoa học cho nên việc giảng dạy không ở tầm của nhà khoa học. Họ chỉ nói lại sách giáo khoa và giáo trình thì làm sao có được những đại học thương hiệu, đẳng cấp quốc tế như chúng ta mong muốn.
Về lĩnh vực văn hóa, qua nghiên cứu dự thảo văn kiện, GS Hoàng Chí Bảo nhận thấy có những ý tưởng rất mới: "Xây dựng hệ giá trị quốc gia”, "xây dựng hệ giá trị văn hóa”, "chuẩn mực con người”, "giữ vững, phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại”.
Nhấn mạnh đây là những tư tưởng rất cần thiết, rất mới, rất cần được khẳng định, nhất là "hệ giá trị quốc gia”, GS Hoàng Chí Bảo đặt vấn đề hệ giá trị đó có phải là độc lập, tự do, hạnh phúc; là Tổ quốc trên hết hay không?
Hay hệ giá trị văn hóa, nghị quyết của Đảng trước đây đã nêu 4 đặc trưng về văn hóa Việt Nam: dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học, nhưng 4 đặc trưng này chưa đồng nhất với hệ giá trị văn hóa, phải từ đây để nghiên cứu hệ giá trị văn hóa. Hệ giá trị văn hóa đó cũng không dừng lại ở tổng quát chung chân thiện mỹ như tất cả mọi nền văn hóa đều có, nó phải mang bản sắc Việt Nam và những truyền thống lịch sử Việt Nam. Từ hệ chuẩn mực của quốc gia đến việc xác định đặc trưng của văn hóa, giờ cần tiếp tục cụ thể hóa thêm để xác lập được hệ giá trị văn hóa Việt Nam mà trong đó lấy giá trị con người và chuẩn mực con người làm trung tâm, cốt lõi chúng ta sẽ tạo ra được sự phát triển, có vậy mới thực hiện được việc coi văn hóa là nội sinh, là động lực phát triển chứ không chỉ đóng vai trò nền tảng, thực sự như nguồn vốn xã hội thúc đẩy cả phát triển kinh tế, chính trị, xã hội.
Cũng là vấn đề văn hóa, dự thảo văn kiện nêu luận điểm "tìm tòi giải pháp để đột phá, ngăn chặn sự xuống cấp, suy thoái nghiêm trọng về đạo đức và lối sống” theo GS Bảo là rất đúng nhưng phải nâng tầm hơn. Phải làm sao để đạt tới sự nỗ lực chấn hưng đạo đức trước tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Lấy chấn hưng giáo dục để chấn hưng đạo đức, từ đó chấn hưng dân tộc Việt Nam, nhằm đạt cho được khát vọng bền vững, có như vậy mới đúng tầm của Nghị quyết đại hội chỉ dẫn trong 5, 10 năm gắn với chiến lược phát triển.
(Theo VOV)