Bác Hồ với Quốc hội và đại biểu Quốc hội

  • Cập nhật: Thứ hai, 3/5/2021 | 7:27:52 AM

YênBái - Tháng 5 năm nay, nhân dân cả nước ta lại nô nức bước vào ngày hội lớn bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tháng 5 năm nay, nhân dân ta cũng kỷ niệm lần thứ 131 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021), lãnh tụ kính yêu của dân tộc, Người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Người đặt nền móng cho việc xây dựng một nhà nước thật sự của dân - do dân và vì dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên của Chính phủ tuyên thệ nhậm chức tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I. (Ảnh: T.L)
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên của Chính phủ tuyên thệ nhậm chức tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I. (Ảnh: T.L)

Sự kiện lịch sử trùng hợp có ý nghĩa sâu sắc này, nhân dân ta thấu hiểu hơn tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền tự do, dân chủ và lợi ích của nhân dân.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, còn muôn vàn khó khăn, thù trong giặc ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ ngay đến việc phải tổ chức ngay một cuộc Tổng tuyển cử tự do, dân chủ bầu ra Quốc hội - Quốc hội bầu ra Chính phủ để quản lý Nhà nước và xây dựng một bản Hiến pháp xác lập quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Sau ngày đọc bản Tuyên ngôn độc lập trước quốc dân đồng bào và trước thế giới tại cuộc mít tinh lớn ở Quảng trường Ba Đình - Hà Nội ngày 2/9/1945, ngày 3/9/1945, Chính phủ lâm thời họp hội nghị đầu tiên. 

Tại hội nghị này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra 6 vấn đề cấp bách. Trong đó, vấn đề thứ ba là tổ chức Tổng tuyển cử. Người nói: "Trước chúng ta bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ phải có một bản hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay một cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai, gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống… 

Từ đề nghị ấy, Chính phủ quyết định tổ chức cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội vào ngày 6/1/1946. Có thể nói, trong điều kiện và hoàn cảnh lúc bấy giờ, đề nghị ấy thật sự là một tư tưởng cách mạng hết sức sâu sắc và hết sức văn minh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với tư tưởng xuyên suốt ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện trong bài phân tích ý nghĩa sâu sắc của Tổng tuyển cử (đăng trên báo Cứu quốc số 130 ngày 31/12/1945). Người chỉ rõ quyền ứng cử và bầu cử: "Trong Tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền bầu cử, không phân chia trai, gái, giàu nghèo, tôn giáo, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân thì đều có hai quyền đó”.

Trước khi diễn ra cuộc Tổng tuyển cử, 15 giờ chiều ngày 5/1/1946, hơn 2 vạn đồng bào thủ đô Hà Nội mít tinh ủng hộ cuộc bầu cử tại khu Việt Nam học xá - nay là Đại học Bách Khoa. Tại cuộc mít tinh, Người nói: "Làm việc bây giờ là hy sinh phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ đến lợi chung”. 

Hướng về phía cử tri thủ đô Hà Nội, Người căn dặn: "Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện quyền dân chủ của mình”. "Ngày mai dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng để gánh vác việc nước. Ngày mai ứng cử thì đông, số đại biểu được bầu thì ít, tất nhiên có người được cử, có người không được cử, những người trúng cử phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào, phải luôn luôn ghi nhớ và thực hiện câu: "Vì lợi nước quên lợi nhà, vì lợi chung quên lợi riêng”. 

Phải xứng đáng với đồng bào, xứng đáng với Tổ quốc. Người không trúng cử cũng không nên ngã lòng. Mình đã tỏ lòng hăng hái với nước, với dân thì luôn luôn phải giữ lòng hăng hái đó. Ở trong Quốc hội hay ngoài Quốc hội, ai cũng phải ra sức giúp ích nước nhà. Lần này không được cử, ta cứ làm cho quốc dân nhận rõ tài đức của ta, thì sau quốc dân nhất định sẽ cử ta”.



Cử tri ngoại thành Hà Nội bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I ngày 6/1/1946. (Ảnh: T.L) 

Cũng trong ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài hô hào đồng bào đi bỏ phiếu (đăng trên báo Cứu quốc số 134 ngày 5/1/1946). Trong bài, Người viết: "Ngày mai 6/1/1946. Ngày mai là một ngày nó đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình… Ngày mai quốc dân ta tỏ cho thế giới biết rằng: Dân tộc Việt Nam ta đã kiên quyết đoàn kết chặt chẽ. Kiên quyết chống bọn thực dân, kiên quyết tranh quyền độc lập… Ngày mai tất cả các bạn cử tri đều phải nhớ đi bầu cử, mọi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập tự do”. 

Trong quá trình tìm người ra ứng cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh được các vị chủ tịch và đông đảo đại diện các giới và đồng bào Hà Nội đề nghị không phải ra ứng cử và suy tôn vĩnh viễn cụ là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Trước đề nghị ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư cảm tạ và đề nghị đồng bào cho Người được thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình. 

Được tuyệt đại đa số nhân dân hưởng ứng, cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu thành công, bầu ra được Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Quốc hội đã bầu Chủ tịch Hồ Chí Minh vào vị trí Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Trong diễn văn khai mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò, vị trí của Quốc hội nước ta, Người nói: "Quốc hội là đại diện cho toàn thể quốc dân Việt Nam và tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết toàn dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định bản chất của chế độ ta, Nhà nước ta. Trong một chế độ dân chủ, nhà nước dân chủ, người dân được đặt ở vị trí cao nhất - dân là chủ - dân làm chủ còn các cơ quan Nhà nước và cán bộ nhà nước chỉ là đầy tớ, là công bộc của dân. Người khẳng định: "Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương đều do dân cử ra. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

Sau này, trong bài nói chuyện với đồng bào thủ đô, Người nói rõ hơn về phẩm chất của người đại biểu Quốc hội (ĐBQH). "Tất cả ĐBQH hứa với đồng bào là được cử vào Quốc hội để làm ĐBQH, không phải là để làm quan, không phải để ngồi trên, ăn trốc mà là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân… Quốc hội phải có những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng, một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội chủ nghĩa… Nhân dân có quyền bãi miễn ĐBQH, đại biểu HĐND nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với tín nhiệm của nhân dân”.

Khi được Quốc hội khóa I bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, các nhà báo đã hỏi về vinh dự và trọng trách lớn lao này, Người đã trả lời: "Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh vác chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng làm, cũng như mọi người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra trước mặt trận… Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I, trong diễn văn khai mạc, Người cũng phát biểu như vậy.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Quốc hội, ĐBQH, về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân mãi mãi soi đường cho nhân dân ta. Đứng trước những khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh hạnh phúc do Đại hội lần thứ XIII của Đảng khơi dậy và đứng trước những cơ hội và thách thức mới, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, nhân dân ta sáng suốt, lựa chọn, giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn, có tài, có đức muốn gánh vác việc nước, muốn phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân để ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp để nhân dân bầu vào Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tuyệt đối không để lọt những phần tử chống đối, cơ hội, không đủ tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, tự diễn biến, tự chuyển hóa vào danh sách ứng cử và đề cử bầu vào Quốc hội, HĐND các cấp; làm cho Quốc hội, HĐND xứng đáng là đại biểu cao nhất cho quyền lực của nhân dân, có đủ năng lực và uy tín lãnh đạo nhân dân biến những khát vọng lớn lao do Đảng ta khơi dậy trở thành hiện thực trong cuộc sống.

Bội Đông

Các tin khác

Qua Hội nghị hiệp thương lần 3, tỷ lệ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND ở cả 3 cấp của tỉnh Yên Bái đều đã đạt trên 35%, đảm bảo có số dư để phấn đấu tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu HĐND các cấp là 30% theo Nghị quyết 1187 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh:Giang Huy.

Thủ tướng Phạm Minh Chính ứng cử đại biểu Quốc hội tại đơn vị bầu cử số 1, gồm hai quận Ninh Kiều, Cái Răng và huyện Phong Điền.

Đồng chí Nguyễn Minh Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao đổi với nhân dân xã Xuân Ái, huyện Văn Yên về công tác bầu cử.

Chuẩn bị đến ngày bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp,nhiệm kỳ 2021- 2026, các thế lực thù địch tăng cường nhiều hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, đặc biệt là Cuộc bầu cử sắp đến. Đồng chí Nguyễn Minh Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã có cuộc trao đổi với phóng viên (P.V) Báo Yên Bái về vấn đề này.

Ông Phạm Ngọc Võ - Thủ trưởng cơ quan Tổ chức - Nội vụ thành phố Yên Bái cùng đoàn công tác kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại xã Tuy Lộc.

Trong đó, số người ứng cử đại biểu HĐND các cấp có trình độ chuyên môn đại học và trên đại học chiếm tỷ lệ 75,5%, trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên chiếm 78,1%, tỷ lệ tuổi trẻ chiếm 42,4%

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục