Trong phạm vi thẩm quyền và thực hiện Kế hoạch số 42/KH-HĐBCQG ngày 19/1/2021 của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, với nhiệm vụ là cơ quan thường trực giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tổ chức cuộc bầu cử, tại Báo cáo số 1924/BC-BNV về tình hình triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Bộ Nội vụ đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban Nhân dân các cấp cần tập trung thực hiện một số công việc cụ thể nhằm tiếp tục triển khai các nhiệm vụ từ nay đến ngày bầu cử 23/5/2021.
Theo đó, Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan theo dõi, cập nhật tình hình bầu cử để kịp thời tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bầu cử trên mọi phương tiện, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thể hiện cho được cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt quan trọng, là ngày hội của toàn dân, mọi cử tri đi tham gia bỏ phiếu; đồng thời chú trọng việc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên không gian mạng.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ động đối phó với các hành vi gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống phá cuộc bầu cử; duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu ở các cấp; tập trung nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn âm mưu phá hoại của các tổ chức, cá nhân phản động; mở các đợt cao điểm tăng cường thực hiện kế hoạch tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên toàn quốc, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cuộc bầu cử.
Thanh tra Chính phủ theo thẩm quyền kịp thời hướng dẫn, đôn đốc việc xác minh và giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là các khiếu nại, tố cáo liên quan đến người ứng cử đại biểu Quốc hội và người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương.
Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án cụ thể đối với từng trường hợp xảy ra dịch COVID-19 trước, trong và sau ngày bầu cử, nhất là tại các địa phương có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhằm bảo đảm tốt nhất, an toàn nhất cho cuộc bầu cử; chịu trách nhiệm triển khai thực hiện tốt các chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch COVID-19.
Trường hợp tại những địa bàn có dịch COVID-19 diễn biến khó lường, làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử thì kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định.
Các bộ, cơ quan ở Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước để tổ chức thành công cuộc bầu cử; làm tốt công tác thi đua, khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ trong công tác bầu cử.
Ủy ban nhân dân các cấp phối hợp chỉ đạo chặt chẽ với các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ công tác bầu cử; tập trung cao độ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, đồng thời có phương án, kịch bản chi tiết, cụ thể cho công tác bầu cử trong bối cảnh có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là đối với các đơn vị bầu cử khu vực bỏ phiếu thực hiện cách ly y tế do dịch bệnh phát sinh; lưu ý có phương án đối với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, phức tạp về tôn giáo.
Ủy ban nhân dân các cấp có phương án cụ thể phòng, chống thiên tai, mưu lũ, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công tác bầu cử; chỉ đạo các cơ quan quân đội, công an ở địa phương xây dựng các kế hoạch, biện pháp cụ thể nhằm bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn và tại các khu vực bỏ phiếu, để cuộc bầu cử diễn ra an toàn, đúng pháp luật; đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện vật chất-kỹ thuật, kính phí cho cuộc bầu cử.
(Theo Vietnam+)