Về quê hương cách mạng Cổ Văn
- Cập nhật: Thứ ba, 5/7/2016 | 7:53:12 AM
YBĐT - Mường Lai - vùng đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử và cách mạng, là địa phương đầu tiên của huyện Lục Yên thành lập căn cứ kháng Nhật và ra đời Đội du kích Cổ Văn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân các dân tộc xã Mường Lai hôm nay luôn phát huy tinh thần đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Trong ký ức của mỗi người dân Yên Bái sẽ không bao giờ quên căn cứ cách mạng Cổ Văn, nay thuộc xã Mường Lai, huyện Lục Yên. Theo cuốn sách "Truyền thống cách mạng" của xã Mường Lai ghi lại thì ngày 14/6/1945, đoàn cán bộ Tây Tiến của Tổng bộ Việt Minh đến Cổ Văn và Từ Hiếu để tuyên truyền cách mạng.
Chỉ sau đúng 1 ngày đã có 6 người tình nguyện theo Việt Minh là các ông Nghiêm Văn Tuân - Phó tổng Lịch Hạ, Nghiêm Văn Thung - Lý trưởng xã Cổ Văn cùng với 4 thanh niên trong làng là: Hoàng Triều Cống, Nông Văn Liên, Hoàng Xuân Bình, Phan Văn Ngụy. Đến ngày 19/6/1945, Đội du kích Cổ Văn chính thức ra đời với sự tham gia của 27 chiến sỹ tình nguyện.
Ngay sau khi thành lập, Đội du kích Cổ Văn vừa làm nhiệm vụ tuyên truyền các chính sách của Việt Minh, vận động nhân dân ủng hộ cách mạng vừa luyện tập quân sự và xây dựng lực lượng, giúp địa phương thành lập dân phòng, lập các điếm canh kiểm soát người ra vào căn cứ.
Dưới sự lãnh đạo của Việt Minh và tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm của các chiến sỹ Đội du kích Cổ Văn, lại được nhân dân phố Lục Yên nhất tề hưởng ứng, hậu thuẫn mạnh mẽ, ngày 24/7/1945, cuộc chiến đấu giành chính quyền ở châu lỵ Lục Yên hoàn toàn thắng lợi, trong đó có sự đóng góp to lớn của các chiến sỹ du kích và nhân dân xã Cổ Văn, đã được lịch sử ghi nhận và lưu truyền mãi muôn đời.
Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, nhân dân các dân tộc Mường Lai hôm nay đang phát các tiềm năng, lợi thế của địa phương, trong đó xã chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ để nâng cao đời sống nhân dân.
Đến nay, tổng diện tích gieo cấy hàng năm của Mường Lai đạt 840,6 ha, năng suất đạt trên 56 tạ/ha. Toàn xã có trên 50 mô hình phát triển kinh tế, chủ yếu là các mô hình trồng cam, nuôi gà, lợn, trồng rừng... có thu nhập từ 20 – 100 triệu đồng.
Đến Mường Lai hôm nay, một điều dễ nhận ra là sự đổi thay trong cách nghĩ, cách làm và sự năng động, sáng tạo của người dân trong phát triển kinh tế, xã hội đã giúp cho đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của nhân dân không ngừng nâng cao.
Đến nay, Mường Lai có 19/22 thôn ra mắt thôn văn hóa, 96% số hộ được dùng điện lưới thắp sáng; bình quân thu nhập đầu người đạt 13 triệu đồng/năm; xã đã hoàn thành 10/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhiều năm liền Đảng bộ đạt “Đảng bộ trong sạch vững mạnh”.
Những đổi thay trên quê hương cách mạng Mường Lai hôm nay đã thể hiện ý chí, quyết tâm cao độ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc nơi đây. Đó cũng là tiền đề vững chắc để Mường Lai tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đề ra.
Văn Tuấn – Mạnh Cường
Các tin khác
YBĐT - Người cựu chiến binh nay đã bước sang tuổi 89. Gần 30 năm trong quân ngũ, ông đã hoàn thành nghĩa vụ cao cả của người lính với Tổ quốc đã chiến đấu, phục vụ chiến đấu giành độc lập, tự do cho dân tộc.
YBĐT - Địa bàn thôn Bản Chanh, xã Phù Nham (Văn Chấn) hôm nay chính là nơi “đứng chân” của Khu ủy Tây Bắc những năm 1953 - 1954 để lãnh đạo phong trào cách mạng của bốn tỉnh Tây Bắc chống thực dân Pháp xâm lược.
Do tính chất quan trọng của chiến dịch Biên giới 1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo chiến dịch nhằm đảm bảo tính chắc thắng. >>Nét truyền thống tiêu biểu và những phần thưởng cao quý của LLVT Quân khu trong 70 năm qua
LLVT Quân khu ngày càng trưởng thành vững mạnh, đã viết nên truyền thống “Trung thành, tự lực, đoàn kết, anh dũng, chiến thắng”