Việt Nam- Hồ Chí Minh- Điện Biên Phủ: Một khối thống nhất, bền chặt

  • Cập nhật: Chủ nhật, 5/5/2019 | 7:06:41 AM

“Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi” - đó là ước nguyện cả đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là lý do, động lực để Người hy sinh cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Người nhạc trưởng vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Người nhạc trưởng vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Đặc biệt, Người đã trở thành biểu tượng chiến thắng của các dân tộc thuộc địa trước chủ nghĩa thực dân, đế quốc qua chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhân loại mỗi khi nhắc đến Việt Nam đều trân trọng: Việt Nam-Hồ Chí Minh-Điện Biên Phủ như một khối thống nhất, bền chặt của tư tưởng không có gì quý hơn độc lập, tự do. 

Quyết định mang tính chiến lược 

Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác nhận định tình hình chiến sự Đông Xuân 1953-1954 đã thống nhất, sau nhiều chiến dịch tổ chức thắng lợi, ta đang ở thế chủ động chiến lược, còn địch ở thế bị động. Từ đó, đi đến quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược - đòn quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. 
 
Trên cương vị thống soái tối cao, Bác chỉ rõ: "Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng. Không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải hoàn thành cho kỳ được". 

Để đảm bảo công tác chuẩn bị và chỉ huy chiến dịch, Bác Hồ và Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận. Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cung cấp Mặt trận do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Ủy viên Bộ Chính trị làm Chủ tịch. Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh được cử vào Thanh Hóa là vùng tự do đông dân, nhiều gạo, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng về đồng bằng Liên khu 3 trực tiếp phổ biến nhiệm vụ, hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương huy động nhân lực, vật lực phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ…

Sức mạnh Điện Biên Phủ được tôn lên từ những chỉ đạo, quyết định mang tính chiến lược, trên cơ sở tôn trọng thực tế, nắm vững quan điểm thực tiễn, không chủ quan duy ý chí, luôn bám sát sự phát triển của thực tiễn, khi tình hình đã thay đổi. Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kết tinh trí tuệ, bản lĩnh của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với một bộ chỉ huy thao lược, tài ba gồm những cá nhân xuất sắc.

Phát huy tối đa tinh thần đại đoàn kết dân tộc

Quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bàn bạc, phân tích rất kỹ để tìm ra phương án thích hợp huy động sức mạnh của toàn quốc chi viện cho chiến dịch đảm bảo chắc thắng. Một cuộc vận động nhân dân chi viện Điện Biên Phủ đã được triển khai rầm rộ, với quy mô lớn chưa từng có. Hội đồng cung cấp Mặt trận được thành lập để chỉ đạo các địa phương, các ngành kinh tế, tài chính, tổ chức động viên nhân tài, vật lực của cả nước. 

Với khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến, Tất cả để đánh thắng”, chỉ trong một thời gian ngắn ta đã huy động được một khối lượng lớn sức người, sức của từ nhiều vùng miền, từ nhiều giai cấp, tầng lớp trong cả nước. Theo số lượng tổng kết Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân đã đóng góp trên 25.000 tấn gạo, trên 260 tấn muối, gần 2.000 tấn thực phẩm, trên 26.000 lượt dân công với trên 18 triệu ngày công, xấp xỉ 21.000 xe đạp thồ, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và trên 3.000 chiếc thuyền. 


Chiều 7-5-1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của quân đội ta tung bay trên nóc hầm Tướng De castries. 

Nhưng để hàng hóa chi viện tới được Tây Bắc đến với bộ đội là cả một kỳ công của bao người, phải đổi bao mồ hôi, xương máu. Là lực lượng tại chỗ, đồng bào Tây Bắc ra sức tăng gia sản xuất, đóng góp hàng triệu tấn gạo, thịt, rau cho chiến dịch; chăm lo cho bộ đội từ cái kim sợi chỉ, viên thuốc chữa bệnh và gửi hàng vạn bức thư cổ vũ thăm hỏi chiến sĩ… Đồng bào cả nước thì sát cánh bên nhau xẻ núi, san đồi, làm đường phá thác để mở lối cho quân đi, cho thuyền chở hàng qua lại. Nhờ đó, điều lo lắng và khó khăn nhất tưởng chừng như không vượt qua được là vấn đề hậu cần chiến dịch đã được giải quyết rất thành công. 

Có thể nói, một trong những yếu tố quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, là sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh của cả nước ra trận. Và đằng sau sức mạnh đó là Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, người chỉ huy tối cao của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, động viên kịp thời

Do tính chất tối quan trọng của Chiến dịch Điện Biên Phủ nên Bác dành nhiều thời gian trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, động viên quân và dân ta từ lúc khởi đầu cho đến khi kết thúc chiến dịch. Ngay sau ngày mở chiến dịch, Bác đã gửi thư cho cán bộ, chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ: "Thu Đông năm nay các chú lại có nhiệm vụ tiến quân vào Điện Biên Phủ để tiêu diệt thêm sinh lực địch, mở rộng thêm căn cứ kháng chiến, giải phóng thêm đồng bào còn bị giặc đè nén. Các chú phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh: Quyết tâm tiêu diệt địch, quyết tâm giữ vững chính sách, quyết tâm giành nhiều thắng lợi".

Sự động viên đó không chỉ dành cho các lực lượng tham gia chiến dịch, mà còn thể hiện sâu sắc đối với từng cán bộ, chiến sỹ, từ những vấn đề rộng lớn tới những tình huống cụ thể trong chiến đấu và sinh hoạt.

Với mặt trận đảm bảo cung cấp cho chiến dịch, một công việc nặng nề có tính quyết định tới sự thành bại của chiến dịch, Bác cũng đã có thư riêng "Gửi cán bộ cung cấp và đồng bào dân công”. Bác đã tặng cờ "Quyết chiến quyết thắng” làm giải thưởng luân lưu để khích lệ mọi người lập công trong chiến dịch. Tết Giáp Ngọ (1954), Người đã gửi tặng mỗi cán bộ, chiến sỹ ở mặt trận một chiếc ca uống nước có in đậm hàng chữ đỏ tươi "Kiên quyết làm tròn nhiệm vụ”. Tới gần ngày nổ súng mở màn chiến dịch, tháng 3-1953, Người lại có thư gửi cán bộ và chiến sỹ ở mặt trận Điện Biên.

Sau thắng lợi của hai trận mở màn chiến dịch ở Him Lam, Độc Lập và đập tan đợt phản kích hòng chiếm lại các cứ điểm này của địch, Bác và Trung ương Đảng đã điện khen ngợi, động viên, cổ vũ và căn dặn cán bộ và chiến sỹ mặt trận, trong đó có đoạn: "Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng. Địch sẽ ra sức đối phó, ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch này”.

Suốt quá trình diễn ra chiến dịch, Bác còn dành sự quan tâm đặc biệt tới tình hình chiến trường. Để khắc phục những khó khăn, trở ngại, bảo đảm cung cấp cho tiền tuyến, Bộ Chính trị và Bác đã kịp thời ra Nghị quyết, chỉ rõ "Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện cho Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này”. 

Theo dõi Điện Biên Phủ, nắm tin tức từng ngày, từng giờ, Bác đã đem tới cho cán bộ chiến sỹ ngoài mặt trận một sức mạnh lớn lao và niềm tin vào thắng lợi, niềm tin bắt nguồn từ chính Người và lòng tin vào những cán bộ chiến sỹ ngoài mặt trận... 

Bằng sự lãnh đạo tài tình, đầy thao lược và sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã làm nên kỳ tích lịch sử trong Đông Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, góp phần quan trọng đưa Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương đến thành công, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp xâm lược.
(Theo HNMO)

Các tin khác

Đèo Lũng Lô nằm trên con đường nối chiến khu Việt Bắc với chiến trường Tây Bắc, tuyến giao thông huyết mạch nối cửa ngõ Tây Bắc lên chiến trường Điện Biên Phủ. Nơi đây ghi dấu những chiến công hiển hách của một thời đã đi vào thơ ca cách mạng với “56 ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm mưa dầm cơm vắt...".

Thành phố Điện Biên Phủ ngày nay.

Nói về sự đổi thay của mảnh đất Điện Biên, không thể không kể đến mồ hôi, xương máu và trí tuệ của những chiến sỹ, những người trực tiếp viết nên trang sử hào hùng Ðiện Biên Phủ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo kế hoạch tấn công Điện Biên Phủ với Bác Hồ và các đồng chí Phạm Văn Đồng, Trường Chinh.

Đó là quyết định của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh chiến dịch về thay đổi phương châm tác chiến từ "Đánh nhanh, thắng nhanh" sang "Đánh chắc, tiến chắc".

Một tác phẩm nghệ thuật tại buổi triển lãm.

Công chúng yêu hội họa được chiêm ngưỡng 39 tác phẩm trên nhiều chất liệu khác nhau, được 27 họa sỹ sáng tác trong và sau thời gian diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục