Khi nông dân Yên Bái làm chủ “tấc đất, tấc vàng”

  • Cập nhật: Thứ tư, 2/9/2020 | 11:45:30 AM

YênBái - 75 năm đất nước giành độc lập, hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, nông dân Yên Bái ngày càng khẳng định và phát huy vai trò, nâng cao vị thế của người làm chủ. Đến nay, thu nhập bình quân của người dân nông thôn Yên Bái năm 2020 đạt 32 triệu đồng, cao gấp hai lần so với năm 2015.

Mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc trong nhà kính áp dụng công nghệ cao của anh Lục Vân Anh ở thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên cho thu nhập cao.
Mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc trong nhà kính áp dụng công nghệ cao của anh Lục Vân Anh ở thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên cho thu nhập cao.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đánh dấu bước ngoặt vĩ đại của lịch sử dân tộc. Từ thân phận nô lệ, nhân dân Việt Nam trở thành người làm chủ quê hương, làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Có vô vàn khó khăn sau Cách mạng Tháng Tám mà chính quyền cách mạng Yên Bái non trẻ phải đương đầu. Cấp bách giải quyết nạn đói và kêu gọi nhân dân các dân tộc làm theo khẩu hiệu của Hồ Chủ tịch "nhường cơm sẻ áo”, Đảng bộ và chính quyền tỉnh đồng thời phát động phong trào tăng gia sản xuất, thực hiện "tấc đất, tấc vàng”. 

Ruộng vắng chủ, ruộng hoang tạm thời đem chia cho nông dân không có ruộng hoặc thiếu ruộng. Xóa bỏ thuế thân, giảm tô, giảm thuế điền thổ được thực hiện. Trồng những loại cây ngắn ngày như: khoai lang, ngô, đỗ, lạc trở thành phong trào rộng khắp các xã vùng thấp trong tỉnh. 

Có tư liệu sản xuất và tích cực sản xuất, nhân dân Yên Bái dần dần ổn định cuộc sống, đẩy lùi được nạn đói. Từ đó trở đi, ở từng thời kỳ lịch sử và từng giai đoạn cách mạng của đất nước, thực hiện các chủ trương và chính sách của Đảng, căn cứ điều kiện thực tế của địa phương cũng như nỗ lực khắc phục thiên tai và cần cù lao động, nhân dân các dân tộc trong tỉnh không ngừng đẩy mạnh tăng gia sản xuất, đưa năng suất và sản lượng lương thực ngày càng tăng cao. 

Yên Bái nhờ đó không những bảo đảm an ninh lương thực địa phương, cải thiện đời sống nhân dân mà còn tích cực đóng góp cho đất nước. Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân các dân tộc Yên Bái đã cung cấp lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến, góp sức làm nên những thắng lợi nối tiếp thắng lợi của cách mạng Việt Nam. 

Hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, nông dân Yên Bái ngày càng khẳng định và phát huy vai trò, nâng cao vị thế của người làm chủ. Đến nay, toàn tỉnh có trên 114.000 hội viên nông dân. Có trên 60% số hộ nông dân đăng ký và có từ 50% số hộ đăng ký đạt danh hiệu "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp hàng năm. 

Nhanh nhạy, sáng tạo, phát huy tiềm năng và lợi thế, nông dân Yên Bái mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế trên mỗi diện tích đất canh tác. 

Thu nhập bình quân của người dân nông thôn Yên Bái năm 2020 đạt 32 triệu đồng, cao gấp hai lần so với năm 2015. 

Ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước và ý chí vươn lên của đồng bào tạo nên bước đổi thay tích cực, góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo. Thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng diện tích ruộng bậc thang, cây sơn tra, cây dược liệu và phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, các sản phẩm có lợi thế, giá trị cao, tỷ lệ hộ nghèo của hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải năm 2020 giảm còn dưới 37%. 

Vai trò chủ thể của nhân dân ngày càng rõ nét qua quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh đạt 4,5%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước đạt 3%/năm. 

Yên Bái đã hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, thâm canh cao sản quy mô lớn: gần 78.000 ha quế, trên 6.600 ha tre măng Bát độ, gần 10.000 ha sơn tra, 8.000 ha chè, gần 1.000 ha dâu tằm, trên 220.000 ha gỗ rừng trồng sản xuất, 3.000 ha lúa đặc sản chất lượng cao, gần 10.000 ha cây ăn quả, 15.000 ha ngô, gần 130.000 con trâu và bò, trên 2.600 ha nuôi thủy sản và trên 2.000 lồng cá, phát triển và xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho 10 sản phẩm đặc sản, hữu cơ theo tiêu chuẩn OCOP Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm”. 

Có 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm trên 50% tổng số xã toàn tỉnh; thành phố Yên Bái hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, Trấn Yên là huyện nông thôn mới đầu tiên của khu vực Tây Bắc đã tạo nên diện mạo mới, đời sống nhân dân không ngừng nâng cao. 

Mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi chặng đường phát triển của cách mạng Việt Nam nói chung, của tỉnh Yên Bái nói riêng đều ghi dấu ấn đậm nét, có đóng góp quan trọng của lực lượng nông dân. 

Khi có tư liệu sản xuất, khi thỏa sức sáng tạo, người nông dân không ngừng vươn lên mạnh mẽ. Cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với xu thế hội nhập kinh tế thế giới vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với nông dân Yên Bái. 

Khát vọng vươn tầm, nông dân Yên Bái không ngừng đổi mới để nâng cao vị thế, nỗ lực xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh và hiện đại. 

Nguyễn Thơm

Các tin khác
Bữa cơm đoàn viên là sự lựa chọn của nhiều người dân Yên Bái mừng Quốc khánh.

Dịp nghỉ lễ Quốc khánh, nhà nhà, người người sum họp, nấu những bữa ăn ngon, quây quần thăm hỏi động viên nhau cùng tiến bộ. Ăn tết Quốc khánh đã và đang trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem mô hình quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội, ngày 16-11-1959. Người căn dặn: “Trong thiết kế phải đồng bộ đường sá, hệ thống thoát nước, lưới điện… tránh cản trở sự đi lại của nhân dân. Phải quy hoạch trước, tránh làm rồi lại phá đi”.

Lịch sử cách mạng Việt Nam hiện đại ghi nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người tìm ra con đường cứu nước đúng đắn mà còn là “kiến trúc sư”, là người lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mùa thu năm 1945 và sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tư tưởng của Người tiếp tục dẫn dắt Đảng, Nhà nước và nhân dân trong giai đoạn xây dựng nước Việt Nam hùng cường hôm nay.

Nguồn nhân lực được quan tâm phát triển, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.

Đó là những cảm xúc thiêng liêng, tự hào để từ đó phát huy những giá trị truyền thống cùng thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng tuyên bố với quốc dân và thế giới bản Tuyên ngôn độc lập. (Ảnh tư liệu)

Bản Tuyên ngôn đã thể hiện mạnh mẽ ý chí và khát vọng của dân tộc Việt Nam. Trải qua 75 năm, Tuyên ngôn Độc lập vẫn mang tính thời sự sâu sắc cả trên bình diện trong nước và quốc tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục