Bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử "Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp"

  • Cập nhật: Thứ ba, 9/4/2024 | 3:37:58 PM

Khu rừng đặc biệt tại bản Nhọt, xã Gia Phù, huyện Phù Yên (Sơn La) với tên gọi “Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp” không chỉ là di tích lịch sử có ý nghĩa quan trọng, mà còn là nơi ghi dấu tình cảm của đồng bào các dân tộc Sơn La - Tây Bắc đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đoàn quân trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Một góc rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sơn La.
Một góc rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sơn La.

Khu rừng ở bản Nhọt nằm ven Quốc lộ 37, có diện tích gần 200 ha, được hình thành từ 2 dãy núi bao bọc, quanh năm không khí trong lành. Năm 1954, trong chuyến hành quân từ Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) lên Điện Biên tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đoàn quân giải phóng đã dừng chân, đóng quân tại đây, nên từ đó, khu rừng  được người dân gọi với tên thân thương "Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp".

Không giống một số khu rừng khác, rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn còn nguyên vẹn những cây chò chỉ đại thụ to vài ba người ôm không xuể, cùng với đó là những cây lát, dổi, pơ mu thẳng đứng, cao chót vót. Bẩy thập kỷ qua, cánh rừng này vẫn bạt ngàn, xanh tươi, như thể hiện tình cảm yêu mến của đồng bào các dân tộc nơi đây dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đoàn quân năm ấy. 

Ông Lò Văn Linh - Trưởng bản, Tổ trưởng tổ quản lý bảo vệ rừng bản Nhọt, xã Gia Phù chia sẻ: "Tôi rất vinh dự được tham gia Tổ quản lý bảo vệ rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền cho bà con, để thế hệ sau có thể tiếp tục quản lý và giữ được rừng mãi mãi. Về phía chúng tôi, mỗi tuần đi tuần rừng 3 lần để phòng cháy chữa cháy và đề phòng người dân bản giáp ranh vào lấy củi, từ đó bảo vệ rừng được tốt hơn".


Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp được xây dựng ngay tại khu rừng.

Ông Đinh Công Són ở xã Gia Phù sau gần 30 năm tham gia Tổ bảo vệ "Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp", nay đã được chuyển sang đảm nhiệm việc quản lý Đền thờ Đại tướng ngay tại khu di tích này. Ông cho biết, dù tuổi đã cao, nhưng ông sẽ tiếp tục tận tâm, tận lực cùng bà con chăm sóc, quản lý Đền thờ và Khu di tích để đảm bảo luôn xanh, sạch, đẹp, là tình cảm mà ông và bà con nơi đây luôn nhớ về Đại tướng.

"Tôi rất tự hào và luôn tuyên truyền cho thế hệ trẻ, nhất là học sinh các trường, đoàn viên thanh niên khi đến Đền thờ trải nghiệm. Tôi cũng giới thiệu cho các cháu và tuyên truyền lịch sử vẻ vang mà cha ông để lại. Được bảo vệ đền thờ hàng ngày, thay nước, thắp hương cho các bác là niềm vinh hạnh của bản thân tôi, tôi thấy rất phấn khởi", ông Đinh Công Són cho biết.

Ghi nhớ dấu tích lịch sử gắn với tên tuổi của Đại tướng, năm 2008, UBND tỉnh Sơn La đã công nhận khu rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đến năm 2020, tỉnh Sơn La đã giao huyện Phù Yên triển khai, thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt bền vững, gắn với phát triển du lịch của Sơn La nói chung, huyện Phù Yên nói riêng, tạo điểm đến trong chuyến hành hương về chiến trường xưa, thực hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc. 

Cuối năm 2021, huyện Phù Yên đã khánh thành công trình bảo vệ rừng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt gồm các hạng mục: Nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp; sân đền thờ, sân hành lễ, cầu cảnh quan, cổng tam quan... 

Đến đây, người dân, du khách không chỉ được sống lại không khí hào hùng của Đoàn quân giải phóng tiến lên Điện Biên tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm nào, mà còn được hòa mình vào không gian thiêng liêng, trong lành của Khu di tích Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 

Di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt và Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là các di tích lịch sử văn hóa có giá trị tinh thần quý báu, nhắc nhở thế hệ hôm nay về những cống hiến, hy sinh của ông cha vì nền độc lập, tự do cho non sông, đất nước. Những chiến công hào hùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đoàn quân Điện Biên Phủ năm ấy sẽ mãi trường tồn, như cánh rừng mãi xanh mang tên Đại tướng đã và đang được gìn giữ, bảo vệ bằng tình cảm trân quý nhất của người dân nơi đây.

(Theo VOV)

Các tin khác

Ngày 7.5.1954 đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam và thế giới với chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái - những tư liệu trưng bày gồm hình ảnh và hiện vật gốc về bối cảnh lịch sử, chiến thắng và chiến công của quân dân cả nước cũng như những đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã cho nhân dân và du khách có cái nhìn tổng quan về những năm tháng chiến tranh ác liệt mà đầy quả cảm, làm nên chiến thắng lịch sử này.

Bài học về tầm nhìn chiến lược trong trận Điện Biên Phủ còn nguyên giá trị. Ảnh: Tư liệu

Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng kiến những kỳ tích, biến cái không thể thành có thể, biến điều chưa từng có tiền lệ trở thành những trang sử hào hùng. Điện Biên Phủ và chuyển đổi số là những kỳ tích như thế…

Đồng chí Ngô Hạnh Phúc  - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (thứ tư từ trái sang) cùng lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham quan mô hình vũ khí thực hành huấn luyện tại Lễ ra quân huấn luyện tỉnh Yên Bái năm 2024.

Cho đến tận ngày hôm nay, tôi vẫn còn nhớ như in những hình ảnh mình đã được chứng kiến từ thuở bé, đó là hình ảnh người ông ngoại Phạm Văn Xiển, thương binh 2/4 ở số nhà 14, đường Nguyễn Khắc Nhu, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái trở về đời thường làm một người nông dân với rất nhiều công việc.

Tròn bảy thập kỷ đã trôi qua (1954-2024), nhưng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi là biểu tượng sáng ngời của dân tộc Việt Nam quật cường, bất khuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục