Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

Ký ức Điện Biên của chiến sĩ pháo cao xạ

  • Cập nhật: Thứ năm, 11/4/2024 | 7:42:47 AM

YênBái - Ông Phan Như Lục, sinh năm 1931, ở tổ 3, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái là chiến sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Giờ đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng ký ức về những ngày chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ ông vẫn còn mãi trong ông. Bởi những năm tháng hào hùng đó, ông đã được góp sức mình cho cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của dân tộc, nhất là được góp phần làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Ông Phan Như Lục gìn giữ giấy chứng nhận được tặng thưởng Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên.
Ông Phan Như Lục gìn giữ giấy chứng nhận được tặng thưởng Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên.

Ông Lục quê xã Kim Trung, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Nhưng những năm tháng chiến tranh, ông theo gia đình tản cư lên huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Năm 1949, ông nhập ngũ tại Phú Thọ, được Tỉnh đội Phú Thọ phân công vào cơ sở sản xuất súng đạn của tỉnh đóng ở Thanh Ba. 

Ông kể: "Năm 1952, khi quân Pháp nhảy dù tấn công lên Đoan Hùng, đánh trúng vào gần nơi sản xuất của chúng tôi, chúng tôi trở thành người lính quân giới chiến đấu tại vùng Đoan Hùng, Hiên (Tuyên Quang) và mấy huyện ở Phú Thọ. Chiến đấu tại mặt trận Hiên, tôi lập công được thưởng Huân chương Chiến sĩ hạng Ba. Sau khi thành lập binh chủng pháo binh mới, tôi được chuyển về đơn vị phòng không không quân và được cử đi đào tạo ở Quảng Tây, Trung Quốc từ đầu năm 1952, đến tháng 11/1952 thì về tham gia tại chiến trường Điện Biên Phủ”.

Ở chiến trường Điện Biên Phủ, ông Lục là chiến sĩ pháo cao xạ - Pháo thủ số 2 của Khẩu đội số 4 thuộc Đại đội 816, Tiểu đoàn 383, Trung đoàn 367 thuộc Đại đoàn 351. Ông còn nhớ rõ: "Sau khi được đào tạo ở Quảng Tây, tháng 11/1952, tôi cùng các chiến sĩ tham gia kéo pháo từ Quảng Tây về Mường Thanh phục vụ chiến dịch. Sau khi hoàn thành kéo pháo về Điện Biên Phủ, chúng tôi lại nhận được lệnh từ cấp trên là thay đổi phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, thắng nhanh” sang "đánh chắc, tiến chắc”, tiến hành lui quân và kéo pháo ra. Nhận lệnh từ cấp trên, tuy việc kéo pháo rất nhiều khó khăn, gian khổ nhưng chiến sĩ chúng tôi đều tin tưởng tuyệt đối vào phương châm tác chiến của Đại tướng nên đều dốc lòng, dốc sức thực hiện nhiệm vụ”. 

Những ký ức hào hùng của người chiến sĩ pháo cao xạ dù đã 70 năm trôi qua nhưng vẫn còn chưa phai nhạt. Ông Lục vẫn nhắc lại rành rọt: "Khi chiến dịch mở màn, đơn vị pháo cao xạ của ta đã khiến cho máy bay địch bị bắn rụng, bị thương rất nhiều khiến cho quân địch từ chỗ dùng không quân tiếp tế cho chiến trường thì đã vô cùng khó khăn trong tiếp cận chiến trường, thậm chí là không còn khả năng tiếp cận. Quân ta chiếm được hàng tiếp tế của quân địch bằng đường không tới 90%. Bởi vậy, khiến cho quân địch thiếu lương thực, kể cả nước uống. Khi quân ta bao vây chặt, quân địch ra sông lấy nước cũng bị quân ta bắn tỉa thương vong. Khiến cho quân địch không còn sức sống”.

Ký ức chiến trường Điện Biên Phủ của người chiến sĩ Điện Biên năm xưa còn là những đêm đào hầm trên đồi A1. Ông Lục kể: "Thực hiện nhiệm vụ đào hầm, mỗi chiến sĩ chúng tôi đều được giao khoán khối lượng đào. Tôi còn nhớ chiến sĩ chúng tôi đều được ăn uống rất đầy đủ để đảm bảo có thể lực tốt để thực hiện nhiệm vụ. Mỗi đêm đào bao nhiêu mét hầm từ đâu đến đâu là đều có sơ đồ. Các chiến sĩ chúng tôi người nọ giúp đỡ người kia, người khỏe giúp người yếu hơn đều hoàn thành nhiệm vụ được giao”.  

Ông Lục bảo rằng, ở chiến trường, rất nhiều gian khổ, hy sinh nhưng tinh thần chiến sĩ đều một lòng vì nhiệm vụ. "Chiến sĩ chúng tôi còn được cổ vũ tinh thần từ tin tức về cải cách ruộng đất qua các tờ bướm tin được gửi tới chiến trường” - ông Lục vẫn nhớ vậy. Và có lẽ ký ức không thể phai nhạt trong tâm trí người chiến sĩ Điện Biên ấy đó chính là giây phút nhận được tin chiến thắng của quân ta: "Hôm 7/5/1954, phút giây chính trị viên Đại đội thông tin về chiến thắng của quân ta, khỏi phải nói niềm vui sướng, hạnh phúc ngập tràn trong mỗi chiến sĩ chúng tôi thế nào”.

Sau ngày giải phóng Điện Biên, ông Lục được nghỉ dưỡng ở Hưng Yên, rồi được tạo điều kiện học nghề lái xe, phục vụ trong mỏ apatit ở Lào Cai, sau lại được chuyển về làm việc ở Bộ Nông lâm và được cử lên công tác ở Thác Bà, tham gia phục vụ xây dựng thủy điện Thác Bà và gắn bó với mảnh đất Yên Bái cho đến bây giờ. Trong những kỷ vật trong cuộc đời của mình, chiếc Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên mà những chiến sĩ Điện Biên như ông được phát sau ngày chiến thắng luôn được ông gìn giữ, trân quý!

Thu Hạnh

Tags Chiến thắng Điện Biên Phủ pháo cao xạ Phan Như Lục Yên Thịnh thành phố Yên Bái

Các tin khác
'Đào, Phở và Piano' mở màn Tuần phim chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

“Đào, Phở và Piano” (phim truyện), “Ký ức những người truyền lửa” (phim tài liệu) được lựa chọn để mở màn Tuần phim chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Những binh sĩ Pháp đầu hàng được áp giải đến nơi tạm giam. Ảnh tư liệu

Chiến thuật vây lấn là một trong những chiến thuật rất đặc sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Phạm Trung Tốn cùng gia đình.

Trong những ngày cả nước đang hướng về Điện Biên Phủ với khí thế sôi nổi, chúng tôi tìm gặp những người vận tải trên bến Âu Lâu năm xưa đưa bộ đội, vũ khí, súng đạn, lương thực qua sông. 70 năm trôi qua, trải qua bao biến thiên của lịch sử, nhưng những ký ức hào hùng về những năm tháng chống Pháp vẫn còn mãi.

Một góc rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sơn La.

Khu rừng đặc biệt tại bản Nhọt, xã Gia Phù, huyện Phù Yên (Sơn La) với tên gọi “Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp” không chỉ là di tích lịch sử có ý nghĩa quan trọng, mà còn là nơi ghi dấu tình cảm của đồng bào các dân tộc Sơn La - Tây Bắc đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đoàn quân trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục