Vào một ngày đầu tháng Tư, chúng tôi đến thăm ông Phạm Trung Tốn - một trong những người trực tiếp điều khiển những chuyến phà năm ấy ở tổ 7 thôn Nước Mát, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái. Trong căn nhà, những chiếc bằng khen, huy chương, huân chương kháng chiến được treo ngay ngắn ở phòng khách. Câu chuyện diễn ra nhờ sự trợ giúp của vợ ông - bà Nguyễn Thị Thái năm nay 94 tuổi. Ông bà yêu và lấy nhau khi hai người cùng công tác trên bến Âu Lâu. Chậm rãi nhấp ly nước, ông Tốn nhớ lại.
Bến Âu Lâu trước đây có tên gọi là bến Vạn Lâu, nằm trên địa bàn 2 xã Nam Cường và Âu Lâu thuộc huyện Trấn Yên (nay thuộc thành phố Yên Bái). Phương tiện vận chuyển ngày ấy rất thô sơ, chủ yếu là đò gỗ kéo tay. Ông sinh năm 1927 ở Bến Nứa, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, năm 18 tuổi, ông nhập ngũ vào Tiểu đoàn 20 quân giới, chuyên sửa chữa, chế tạo vũ khí, đạn dược cung cấp cho Chiến dịch Việt Bắc và Thu Đông năm 1947, rồi đến chiến dịch Biên giới 1950.
Thực hiện mở rộng tuyến đường 13 từ Việt Bắc qua Yên Bái lên Tây Bắc theo nhiệm vụ trung ương giao, quân và dân Yên Bái phải bảo đảm giao thông thông suốt từ hậu phương tới mặt trận, trong đó có bến phà Âu Lâu, nơi đưa các loại vũ khí hạng nặng như: pháo mặt đất, pháo cao xạ, xe ô tô chở đạn dược, khí tài quân sự vượt sông Hồng vào tiếp viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Do tính chất quan trọng của lĩnh vực vận tải năm 1952 nên ông được cấp trên tin tưởng điều động lên Yên Bái lái phà trên bến Âu Lâu.
Năm 1953, tiểu đoàn quân giới đơn vị ông phối hợp cùng nhân dân xã Âu Lâu đóng ba phà ghép bằng gỗ, có trọng tải 8 tấn. Phà chạy bằng sức người, mỗi chuyến qua sông dùng 12 công nhân đẩy lên phía thượng nguồn sông Hồng chừng 300 m, sau đó thả xuôi theo dòng nước và chèo bằng tay chèo để dần qua sông.
Ngày ấy, vất vả nhất là khi chở xe và pháo hạng nặng, phải huy động thêm dân công cùng nhân dân giúp sức. Để bảo đảm thời gian cho những chuyến vượt sông được thuận lợi, tháng 3/1953, bến phà Âu Lâu được trang bị thêm một phà gỗ trọng tải 12 tấn, có ca nô lai dắt. Lúc đó, ông được giao nhiệm vụ điều khiển máy nổ. "Ca nô được chế tạo từ những chiếc thùng phuy nhưng vào thời điểm đó như thế là hiện đại lắm rồi. Cấp trên phân công ông Nguyễn Văn Tiến làm thuyền trưởng trực tiếp lái phà, mỗi đêm chở hàng chục chuyến xe, pháo cùng bộ đội, dân công qua sông" - ông Tốn kể.
Nhờ có ca nô, mỗi đêm phà chạy được 30 - 40 chuyến, chở xe, pháo và bộ đội qua sông. Để tránh máy bay địch bắn phá, ban ngày, phà được kéo vào suối Ngòi Lâu, cách bến Âu Lâu khoảng một cây số, rồi dìm xuống nước giấu dưới những rặng tre.
"Chúng tôi phải cho nước chảy vào phà rồi chất đá mới dìm được phà xuống lòng ngòi suối Ngòi Lâu. Đến 5 giờ chiều lại dỡ đá ra vớt phà lên. Sau khi bịt hết các lỗ thủng, khoảng 30 - 40 dân công dùng xô, chậu tát nước từ lòng phà ra cho phà nổi lên mặt nước. Đêm đến, phà mới nổ máy hoạt động, hai phía bờ sông có người cầm đèn bão làm tín hiệu" - ông Tốn kể.
Theo ông Tốn, gian khổ nhất là vào mùa lũ, nước sông Hồng dâng cao, chảy xiết. Những khúc gỗ, rác trôi từ thượng nguồn đổ xuống đâm bình bịch vào mạn phà. Rác quấn vào chân vịt làm ca nô thường xuyên chết máy. Mỗi lần như thế, ông phải tắt máy rồi cùng anh em lặn xuống nước để gỡ rác. Những người còn lại thì dùng sào chống chọi với dòng nước để phà không bị trôi. "Hồi đó, tôi là người lặn nhiều nhất và ở dưới nước lâu nhất, nên một bên tai tôi nghe không rõ nữa" - ông Tốn bộc bạch.
Tượng đài Di tích lịch sử bến Âu Lâu.
Theo lời kể của ông Tốn, chúng tôi tìm gặp một nhân chứng khác là ông Nguyễn Văn Chí sinh năm 1937, ở thôn Cửa Ngòi, xã Âu Lâu. Trong căn nhà gỗ đơn sơ, ông Chí bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm trên bến Âu Lâu cách đây gần 70 năm về trước. Ông bảo, làng Vạn Lâu của ông khi đó có trên 30 hộ dân, sinh sống bằng nghề chài lưới. Ngày ấy, để hỗ trợ bộ đội qua sông, làng Vạn Lâu thành lập tổ xung kích khoảng 20 thuyền nan với 40 tay chèo tiêu biểu, khi có việc tổ thuyền nan túc trực đưa bộ đội qua sông, mỗi thuyền chở 8 - 9 người.
Cũng giống như phà, do ban ngày địch bắn phá nên thuyền phải giấu ở suối Ngòi Lâu, ban đêm lại đưa thuyền ra. "Những ngày ấy, khí thế đánh giặc của bộ đội lên cao nên chúng tôi chèo thuyền suốt đêm không biết mệt. Cứ xong một chuyến đưa bộ đội sang sông an toàn lại có thêm động lực để tiếp tục chèo thuyền vượt sông.
Có một kỷ niệm mà ông không bao giờ quên là vào khoảng 5 giờ sáng một ngày cuối năm 1953, ông cùng đội tình nguyện đưa bộ đội qua sông thì phía thượng nguồn bất ngờ xuất hiện một chiếc máy bay B24 privateer của Pháp từ Lào Cai về chúng bay sát mặt sông, rất may lúc đó ông vừa trả bộ đội lên bờ, ông vội chèo thuyền nấp vào lùm cây nhưng vẫn bị súng máy trên máy bay bắn nát cạp thuyền.
Ngày đó, tranh thủ những thời điểm nước rút, chính quyền tỉnh Yên Bái huy động nhân dân trong vùng vừa tập trung vật liệu bắc cầu phao qua sông vừa thi đua tăng tần suất những chuyến phà. Mỗi chuyến phà qua sông từ 30 phút đã giảm xuống 15 phút, tần suất tăng từ 8 - 9 xe qua phà/đêm lên 30 - 50 xe, thậm chí 93 xe/đêm. Nhờ những chiếc đò nan, phà gỗ qua sông mỗi đêm, người dân xã Âu Lâu đã góp phần công sức tạo nên thắng lợi vang dội của Chiến dịch Tây Bắc. Sau này, bến Âu Lâu vẫn là tuyến huyết mạch nối hai bờ sông Hồng.
Phát huy truyền thống yêu nước, 70 năm qua, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang tỉnh Yên Bái đã có đóng góp to lớn vào chiến dịch Điện Biên Phủ, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới đất nước. Ngày nay, với sự nỗ lực phấn đấu, vượt qua những khó khăn, chủ động sáng tạo của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tỉnh Yên Bái đã đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6%, đứng thứ 7/14 tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, đứng thứ 36/63 tỉnh, thành phố; trong đó: tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 5,2%, khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 6,4%; khu vực dịch vụ đạt 6%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực...
Văn hóa - xã hội được quan tâm chăm lo và có nhiều tiến bộ. Chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được nâng lên. Toàn tỉnh có 33 học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia, đội tuyển Yên Bái đứng thứ 5/14 tỉnh trong khu vực và đứng thứ 27/63 tỉnh, thành cả nước...
Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 3,76%, vượt kế hoạch đề ra; hoàn thành kế hoạch hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo năm 2023 với gần 1.600 căn nhà. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Năm 2023, dự ước Chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái đạt 65,62% (vượt 2,32% so với kế hoạch).
Bến Âu Lâu đã đi vào lịch sử. Tại đây, chính quyền địa phương đã đặt tượng đài "Bến Âu Lâu lịch sử” với hình tượng người thợ phà tay giữ mỏ neo, một phụ nữ tay nắm chắc mái chèo và một anh bộ đội trong khí thế hào hùng. Ba nhân vật đứng trên đài hoa cách điệu cùng những bức phù điêu miêu tả cảnh thuyền phà vượt sông, cảnh xe ra tiền tuyến, cảnh phá đá mở đường tiến quân vào Tây Bắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây mãi mãi là biểu tượng của tinh thần quyết chiến, quyết thắng, là niềm tự hào của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang tỉnh Yên Bái.
Từ tháng 4/1952 cho tới khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, có tới 300.000 tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm cùng gần 200.000 lượt ô tô, hàng vạn lượt bộ đội, dân công được vận chuyển qua bến Âu Lâu an toàn. Tổng kết phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Yên Bái đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Chiến công, được Hội đồng Cung cấp Trung ương tặng cờ thưởng luân lưu cho ngành giao thông vận tải mang tên "Mở đường thắng lợi”, được Liên khu 10 tặng 15 bằng khen cho các tập thể và cá nhân xuất sắc...
|
Quang Thiều