Tầm vóc vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/4/2024 | 7:34:33 AM

Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954) trở thành biểu tượng trí tuệ, sức mạnh của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Những cựu chiến binh Chiến dịch Điện Biên Phủ tham dự hội thảo vào ngày 11-4
Những cựu chiến binh Chiến dịch Điện Biên Phủ tham dự hội thảo vào ngày 11-4

Ngày 11-4, tại TP Điện Biên Phủ, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và tỉnh Điện Biên tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề "Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".

"Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"

Dự và chủ trì hội thảo gồm có: Ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Đại tướng Lương Cường - Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương…, cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương, những nhân chứng lịch sử đã trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại tướng Lương Cường khẳng định cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"; kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp của Mỹ, đưa Việt Nam bước sang thời kỳ mới, miền Bắc quá độ đi lên CNXH và thực hiện cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng mở ra trang sử mới cho lịch sử nhân loại, cổ vũ, động viên các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh tự giải phóng; đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới... 

Đại tướng Lương Cường cho rằng với độ lùi thời gian sau 70 năm, hội thảo là dịp để tiếp tục nghiên cứu, nhìn nhận, đánh giá đầy đủ, sâu sắc hơn về bối cảnh lịch sử, về âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp và sự can thiệp của Mỹ; về tầm nhìn chiến lược, sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự nhạy bén, sáng tạo, quyết đoán trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược, chiến dịch của Tổng Quân ủy, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh, chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. 

Qua đó tiếp tục khẳng định Chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tiêu biểu cho trí tuệ, sức mạnh, bản lĩnh của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường cho biết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên tiếp tục phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đưa Điện Biên trở thành tỉnh phát triển trung bình trong vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Theo Đại tướng Lương Cường, đây cũng là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tri ân tới đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang đã anh dũng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hy sinh quên mình vì sự nghiệp giải phóng của dân tộc. 

Đồng thời, tiếp tục hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy khát vọng hòa bình, phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, giáo dục thế hệ hôm nay và mai sau, đặc biệt là thế hệ trẻ, phát huy tốt truyền thống của cha anh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thắng lợi của sức mạnh "toàn dân đánh giặc"

Đại tá Nguyễn Hữu Tài, 95 tuổi, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 209 (Trung đoàn Sông Lô), Sư đoàn 312, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu - người trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, xúc động bộc bạch: "Nhiều chỉ huy, đồng đội, đồng chí của chúng tôi đã hy sinh, nằm lại mảnh đất lịch sử này. Tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân ta không chỉ thể hiện trong những trận đánh, mà là ở cả những ngày không chiến đấu. Quân ta không lùi bước trước bất cứ khó khăn, gian khổ nào, tinh thần ấy không chỉ có trong 56 ngày đêm chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ mà trong suốt 3 tháng trước khi diễn ra chiến dịch, đã lao động kịch liệt, kéo pháo vào, kéo pháo ra".

Trong tham luận gửi tới hội thảo, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam - nhấn mạnh sức mạnh làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ còn nằm ở nhân tố chính trị - tinh thần. Do biết khơi dậy và phát huy nhân tố chính trị - tinh thần, đặc biệt là việc quy tụ, tập hợp và phát huy nhân tố con người, đã làm cho ý Đảng - lòng dân thành một khối thống nhất, đưa cuộc kháng chiến "toàn dân, toàn diện, trường kỳ" giành thắng lợi.

Đúc kết sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân Việt Nam, Thượng tướng, TS Lê Huy Vịnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - dẫn chứng: "Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, nhân dân ta dồn sức người, sức của chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ. Quân và dân ta đã huy động được 25.056 tấn gạo, 1.824 tấn thịt và thực phẩm cùng 261.453 dân công phục vụ chiến dịch. Cả nước hướng về Điện Biên Phủ, cả dân tộc anh dũng chiến đấu với tinh thần "thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", tạo nên sức mạnh tổng hợp đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ".

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh Chiến thắng Điện Biên Phủ được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa của thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá vào thành trì hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, là ngọn cờ cổ vũ các dân tộc thuộc địa trên thế giới đấu tranh giành độc lập, tự do. 

Đó là thắng lợi của sức mạnh "toàn dân đánh giặc" dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; tiêu biểu cho trí tuệ, bản lĩnh, ý chí quyết chiến, quyết thắng vì độc lập, tự do của Tổ quốc. "70 năm đã trôi qua nhưng tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị, là nguồn cổ vũ lớn lao cho toàn thể nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay" - ông Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định. 

(Theo NLĐO)

Các tin khác

Ngày 7.5.1954 đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam và thế giới với chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái - những tư liệu trưng bày gồm hình ảnh và hiện vật gốc về bối cảnh lịch sử, chiến thắng và chiến công của quân dân cả nước cũng như những đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã cho nhân dân và du khách có cái nhìn tổng quan về những năm tháng chiến tranh ác liệt mà đầy quả cảm, làm nên chiến thắng lịch sử này.

Bài học về tầm nhìn chiến lược trong trận Điện Biên Phủ còn nguyên giá trị. Ảnh: Tư liệu

Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng kiến những kỳ tích, biến cái không thể thành có thể, biến điều chưa từng có tiền lệ trở thành những trang sử hào hùng. Điện Biên Phủ và chuyển đổi số là những kỳ tích như thế…

Đồng chí Ngô Hạnh Phúc  - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (thứ tư từ trái sang) cùng lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham quan mô hình vũ khí thực hành huấn luyện tại Lễ ra quân huấn luyện tỉnh Yên Bái năm 2024.

Cho đến tận ngày hôm nay, tôi vẫn còn nhớ như in những hình ảnh mình đã được chứng kiến từ thuở bé, đó là hình ảnh người ông ngoại Phạm Văn Xiển, thương binh 2/4 ở số nhà 14, đường Nguyễn Khắc Nhu, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái trở về đời thường làm một người nông dân với rất nhiều công việc.

Tròn bảy thập kỷ đã trôi qua (1954-2024), nhưng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi là biểu tượng sáng ngời của dân tộc Việt Nam quật cường, bất khuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục