Chiến thắng Điện Biên Phủ qua ký ức con trai vị tướng Trung Quốc

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/4/2024 | 2:20:21 PM

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc đã có cuộc trò chuyện với ông Vi Tiêu Nghị - con trai Thượng tướng Vi Quốc Thanh, nguyên Trưởng Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Vi Tiêu Nghị trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Nhân Dân.
Ông Vi Tiêu Nghị trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Nhân Dân.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ còn lưu giữ nhiều kỷ vật, gắn liền với Thượng tướng Vi Quốc Thanh lúc sinh thời, ông Vi Tiêu Nghị và mẹ là bà Hứa Kỳ Sảnh, năm nay đã hơn 90 tuổi, không khỏi xúc động khi nhắc tới những ký ức về vị tướng Trung Quốc gắn bó và dành nhiều tình cảm cho đất nước Việt Nam.

Hồi tưởng lại lời kể của Thượng tướng Vi Quốc Thanh về chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Vi Tiêu Nghị cho biết, sau những thất bại trong các chiến dịch như Chiến dịch biên giới, Chiến dịch Thượng Lào, Pháp bổ nhiệm tướng Henri Navarre làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương. Navarre đã xây dựng kế hoạch quân sự mang tên mình để xoay chuyển cục diện chiến tranh Đông Dương, với nhận định chiếm được vùng đất này sẽ có thể khống chế toàn bộ vùng tây bắc Việt Nam, cắt đứt liên lạc giữa quân dân Việt Nam với các nước Lào, Trung Quốc, đồng thời gây khó khăn cho việc tiếp tế hậu cần của quân đội Việt Nam.

Cuối năm 1953, quân Pháp bắt đầu điều quân đồn trú tại Điện Biên Phủ, trong đó có lính đánh thuê, sau này còn bổ sung thêm lính dù. Trước tình hình đó, theo đề nghị của Việt Nam, Trung Quốc cử Đoàn cố vấn quân sự sang giúp quân đội Việt Nam. Tướng Vi Quốc Thanh làm Trưởng Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc sang tham mưu cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Vi Tiêu Nghị nói: "Trước khi lên đường sang Việt Nam, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã tổ chức cuộc họp với các lãnh đạo Đoàn tại Trung Nam Hải. Ông yêu cầu mọi người hỗ trợ cách mạng Việt Nam một cách vô tư trong sáng, cũng giống như phục vụ cách mạng Trung Quốc. Cha tôi ghi nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Mao Trạch Đông. Sau khi sang Việt Nam, ông đã đóng góp ý kiến của mình vào việc xây dựng và tác chiến của quân đội Việt Nam”.


Ông Vi Tiêu Nghị và bà Hứa Kỳ Sảnh, phu nhân Thượng tướng Vi Quốc Thanh.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Vi Tiêu Nghị đã có dịp sang Việt Nam đi tham quan chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa. Ông cho biết tất cả những gì mình biết về Điện Biên Phủ đều là được nghe kể lại, nay được cảm nhận trực tiếp qua các điểm di tích như Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ thường làm việc và nghỉ ngơi; nơi làm việc của Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc...

Cũng giống như cha mình, ông Vi Tiểu Nghị rất khâm phục tinh thần chiến đấu anh dũng, khắc phục và vượt qua khó khăn, gian khổ của quân dân Việt Nam, nhất là việc vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực trong chiến dịch Điện Biên Phủ đều hoàn toàn dựa vào sức người, trong điều kiện thiếu thốn và chênh lệch lớn về tương quan lực lượng với địch.

Về ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ đối với Việt Nam, Trung Quốc và thế giới, ông Vi Tiêu Nghị cho rằng, thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ khiến quân Pháp phải rút khỏi Đông Dương, sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam giành thắng lợi. Sự lớn mạnh và trưởng thành của quân đội Việt Nam, từ đội du kích dần từng bước trở thành quân đội chính quy, đã tạo tiền đề cho cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và giải phóng, thống nhất đất nước sau này.

Đối với Trung Quốc, những năm 50 của thế kỷ trước, việc duy trì ổn định tình hình phía bắc Trung Quốc là Triều Tiên và phía nam Trung Quốc là Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc. Ngoài ra, chiến thắng Điện Biên Phủ cũng có ảnh hưởng tới phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Việc Việt Nam đấu tranh đánh bại thực dân Pháp và sau này là đế quốc Mỹ để thống nhất đất nước là sự cổ vũ to lớn cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Thượng tướng Vi Quốc Thanh (2/9/1913-14/6/1989) từng là Trưởng Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc tại Việt Nam; là Phó Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Nhân Đại toàn quốc (Phó Chủ tịch Quốc hội) khóa IV, V; Phó Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị Chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc khóa IV, V; Ủy viên dự khuyết, Ủy viên Trung ương Đảng khóa VIII; Ủy viên Trung ương Đảng khóa IX; Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, XI, XII.

Ông Vi Tiêu Nghị là con thứ hai của Thượng tướng Vi Quốc Thanh, từng tham gia quân đội, đã nghỉ hưu; hiện là nhà nghiên cứu về lịch sử quân sự và cách mạng Trung Quốc.

(Theo NDO)

Các tin khác

Chương trình cầu truyền hình mang tên Dưới lá cờ quyết thắng sẽ kết nối bức tranh toàn cảnh về chiến thắng đỉnh cao, chấn động địa cầu Điện Biên Phủ.

Cuối giờ chiều 30/3/1954, tiếng pháo Việt Minh dồn dập bắn vào các điểm cao bảo vệ trung tâm chỉ huy De castries (Đờ Cát).

Đợt tấn công thứ 2, sau đợt tiến công mở màn được coi là có yếu tố quyết định đến thắng lợi của toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cụ Nguyễn Văn Đích và chiếc ca mang dòng chữ “Kiên quyết làm tròn nhiệm vụ”.

Thấy khách tới chơi, cụ Đích đon đả: "Ngồi uống nước đi để tôi vào lấy Huy hiệu Chiến thắng Điện Biên và cái ca "Kiên quyết làm tròn nhiệm vụ”. Toàn kỷ vật 70 năm đấy!”. Cụ là Nguyễn Văn Đích ở xóm Soi, xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái - người cựu chiến binh chống Pháp năm nay đã ngoài 90 tuổi, vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn kể về những tháng năm lịch sử hào hùng.

Đồng chí Trần Công Ứng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh thăm và tặng quà cho chiến sỹ Điện Biên Nguyễn Văn Thao.

Sáng 18/4, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), đồng chí Trần Công Ứng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Yên Bái cùng đoàn công tác đến thăm, tặng quà các gia đình liệt sỹ và các chiến sỹ tham gia chiến đấu tại Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục