Một thoáng La Pán Tẩn
- Cập nhật: Thứ hai, 28/10/2013 | 2:36:51 PM
YBĐT - Nổi tiếng bởi những thửa ruộng bậc thang đẹp tựa vân tay của trời, La Pán Tẩn không hổ danh là 1 một trong 3 địa phương của huyện Mù Cang Chải, có ruộng bậc thang - công trình nghệ thuật mang đầy tính sáng tạo của đồng bào Mông sinh sống trên mảnh đất này đã được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch xếp hạng Di tích danh thắng cấp quốc gia từ cuối năm 2007.
Ruộng bậc thang La Pán Tẩn.
(Ảnh: Thu Trang)
|
Có lên xứ Mù Cang mới thấy hết cái kỳ vĩ của thiên nhiên, cái tài tình khéo léo từ bàn tay lao động cần mẫn của những con người nhỏ bé ở nơi đất trời tưởng như chạm nhau khi những thửa ruộng bậc thang cứ tiếp nối nhau ngược núi lẫn vào trong mây như thể những nấc thang lên trời. Mùa nào ở La Pán Tẩn cũng đẹp nhưng có lẽ lạ nhất vẫn là khi gối vụ.
Những người phụ nữ Mông cứ nhẩn nha gặt nốt thửa ruộng lúa vừa chín tới để còn làm đất gieo cấy vụ sau. Chẳng vội vàng gấp gáp, ai cầy cứ cầy, ai cấy cứ cấy. Cái nếp sinh hoạt của đồng bào vùng cao bao năm vẫn vậy, miễn sao thời vụ làm mùa phải kết thúc vừa vặn trong khung lịch sản xuất của tháng 8 “Tây”.
Di tích danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải có khoảng 500ha ruộng bậc thang tập trung ở 3 xã là: La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình, trong đó La Pán Tẩn có trên 200ha, chiếm đến non nửa diện tích ruộng nước của vùng danh thắng.
Việc bảo tồn gìn giữ công trình nghệ thuật trên núi này không còn là trách nhiệm của riêng người dân bản địa khi mà hàng chục tỷ đồng từ các nguồn vốn của Nhà nước và chương trình mục tiêu của Chính phủ đã được đầu tư cho La Pán Tẩn để xây dựng các công trình thủy lợi lớn đảm bảo nước tưới tiêu giúp người dân làm được ruộng nước hai vụ trong năm. Cái đói, cái nghèo vì thế cũng dần được đẩy lùi. Những cánh rừng ở La Pán Tẩn đã xanh hơn, giữ cho những mạch nước nguồn trong vắt bất tận chảy - đảm bảo sự sống còn cho những thửa ruộng bậc thang.
Người ta nói ruộng bậc thang là một công trình kiến trúc nghệ thuật của người Mông quả không sai. Nhìn vào kiệt tác ấy ta như cảm nhận được những nghĩ suy, tình cảm, tâm hồn, ẩn chứa cả triết lý nhân sinh của chủ nhân tạo nên nó. Những bờ ruộng bậc thang chon von, mảnh mai tựa hồ dải xà cạp quấn bắp chân thon của người con gái Mông, tưởng mong manh nhưng lại vô cùng vững chãi. Nước theo bờ đổ từ ruộng trên xuống ruộng dưới. Chẳng đâu gọi là bờ xôi ruộng mật. Người Mông sống trên rẻo cao đầy nắng gió này cứ cần cù vỡ đồi hoang núi trọc làm ruộng trồng lúa nước. Đời tiếp đời dệt nên tuyệt tác này.
Những thửa ruộng bậc thang mềm mại uốn quanh sườn đồi
Đặt chân lên vùng cao La Pán Tẩn, khó lòng mà cưỡng lại được sự hút hồn của thiên nhiên nơi đây; càng không thể không đắm say, không luyến nhớ trước tuyệt tác ruộng bậc thang mà những người nông dân ở xứ sở này đã tạo nên bằng đôi bàn tay chai sần nhưng khéo léo và tâm hồn của một người nghệ sỹ tài hoa, để mùa tiếp mùa lại bồn chồn tìm lên xứ này.
Phạm Minh
Các tin khác
Mù Cang Chải (Yên Bái) đã trở thành một địa danh trở nên quen thuộc, nổi tiếng với mọi người dân Việt Nam và cả khách du lịch nước ngoài.
YBĐT - Mù Cang Chải - cái tên nghe rất đỗi quen thuộc nhưng khiến người ta nghĩ tới một nơi xa lắm, cao lắm, và cũng bí ẩn lắm.
YBĐT – Nổi tiếng bởi những thửa ruộng bậc thang đẹp tựa vân tay của trời, La Pán Tẩn không hổ danh là một trong 3 địa phương của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, ruộng bậc thang – công trình kiến trúc nghệ thuật mang đầy tính sáng tạo của đồng bào Mông sinh sống trên mảnh đất này đã được Bộ VH,TT&DL xếp hạng Di tích danh thắng cấp Quốc gia từ cuối năm 2007.
YBĐT - Thác Pú Nhu nằm ở bản Pú Nhu, thuộc xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải cách trung tâm huyện Mù Cang Chải chừng 10km về phía Tây. Được bắt nguồn từ các con suối trên các cánh rừng đầu nguồn từ Than Uyên (Lào Cai) đổ về, thác có độ cao cột nước khoảng 20m được chia thành nhiều bậc.