Mù Cang Chải: Miền đặc sản sơn tra
- Cập nhật: Thứ sáu, 16/9/2016 | 12:01:39 PM
YBĐT - Nhắc đến Mù Cang Chải người ta nghĩ đến ngay Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang nổi tiếng với những thửa ruộng lúa chín vàng, mềm mại làm say đắm lòng người; rồi đèo Khau Phạ uốn lượn quanh những dãy núi điệp trùng, xen kẽ giữa núi rừng đại ngàn với mây bao phủ quanh năm.
Sơn tra được du khách biết đến là một đặc sản của huyện Mù Cang Chải. (Ảnh: Thanh Miền)
|
Cùng với những cảnh quan hùng vĩ đó, Mù Cang Chải còn được thiên nhiên ban tặng với những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông mang đậm nét đặc trưng, phong phú và đa dạng, đặc biệt là đặc sản sơn tra.
Không biết cây sơn tra xuất hiện từ bao giờ, nhưng bao đời nay, loại cây này đã gắn bó mật thiết với đồng bào. Cùng với cây lúa, ngô, sơn tra đang là loại cây quý giúp người dân thoát nghèo và làm giàu. Sản phẩm từ sơn tra đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến là một đặc sản quý. Theo các nhà chuyên môn đánh giá, quả sơn tra có tác dụng tốt đối với bệnh tim mạch, máu nhiễm mỡ, hạ huyết áp, dễ ngủ, giảm béo, làm nước giải khát...
Diện tích cây sơn tra ngày càng được mở rộng do những tác dụng hữu ích với sức khỏe và đời sống người dân vùng cao. Đến nay, người dân Mù Cang Chải không còn trồng nhỏ lẻ, manh mún mà đã trồng tập trung, sản xuất theo hướng hàng hóa. Nhiều hộ dân đã biết sơ chế, chế biến sản phẩm quả sơn tra thành những mặt hàng có giá trị kinh tế như: rượu sơn tra, mứt sơn tra, ô mai sơn tra... góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cũng như tạo nên vẻ đẹp lý thú trong mắt của du khách mỗi lần đặt chân đến huyện vùng cao này.
Chị Nguyễn Thị Hiền – một du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Trước đây mình chỉ biết đến địa danh Mù Cang Chải qua các phương tiện thông tin đại chúng nhưng khi lên thực tế ở đây mới biết phong cảnh ở đây thật tuyệt vời. Ngoài việc được tìm hiểu giá trị văn hóa độc đáo, những nét đặc trưng trong sinh hoạt, lao động của đồng bào Mông thì mình còn thưởng thức các món ăn dân tộc và những sản vật địa phương, nhất là quả sơn tra”.
Còn đối với anh Nguyễn Văn Thắng ở thành phố Yên Bái, quả sơn tra như một bài thuốc quý cho riêng mình. “Trước đây mình mắc bệnh khó ngủ, khi được bạn bè giới thiệu về đặc tính của nó mình đã quyết định lên Mù Cang Chải để tìm hiểu và mua quả sơn tra về ngâm uống, sau một thời gian sử dụng đến nay chứng mất ngủ về đêm của mình đã được cải thiện hẳn”. Anh Thắng tâm sự.
Mỗi người đều có sự cảm nhận riêng về vẻ đẹp của đất và con người Mù Cang Chải. Người lên để ngắm biển mây ở đèo Khau Phạ, có người lên để đắm mình vào mùa lúa chín vàng phủ khắp núi đồi, nhưng có người lên Mù Cang Chải mùa tháng 9, tháng 10 để tự tay hái những quả sơn tra về làm quà cho người thân và ghi lại những tấm hình tuyệt đẹp bên những cây sơn tra trĩu quả.
Anh Hảng A Lỳ ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải tâm sự: “Cứ vào dịp này, rất nhiều du khách đến từ nhiều tỉnh thành trong nước và cả khách nước ngoài nữa đến khu rừng sơn tra nhà mình để chụp ảnh lưu niệm và mua quả về làm quà. Gia đình mình vui lắm!”.
Rõ ràng, cây sơn tra ở huyện vùng cao Mù Cang Chải không những có sức hấp dẫn, thu hút được du khách thập phương về chiêm ngưỡng mà còn là loại cây có giá trị kinh tế cao ngày càng khẳng định trên thị trường. Chính vì vậy, trong thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh, huyện Mù Cang Chải đã tuyên truyền nhân dân các xã có thổ nhưỡng hợp với loại cây này đẩy nhanh tiến độ trồng. Nhờ vậy, đến nay, toàn huyện có trên 2.300 ha sơn tra, trong đó có 1.500 ha đã cho thu hái, với sản lượng 3.000 tấn/năm, thu về hàng chục tỷ đồng mỗi năm, tập trung nhiều ở các xã: La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Nậm Khắt, Nậm Có...
Với đặc thù là huyện vùng cao, có độ cao trung bình trên 1.000m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình từ 18-250C, trên địa bàn huyện có 12 dân tộc cùng sinh sống, trong đó trên 91% dân số là đồng bào dân tộc Mông, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn thì việc đầu tư phát triển du lịch khai thác hiệu quả những tiềm năng về danh thắng, văn hóa đặc trưng của vùng cao, gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là mở rộng diện tích trồng cây sơn tra sẽ là hướng đi thích hợp giúp đồng bào nơi đây vươn lên thoát nghèo và làm giàu hiệu quả.
Hà Tĩnh
Các tin khác
YBĐT – Màn diễu diễn đường phố đang được các diễn viên tích cực tập luyện lần cuối để chuẩn bị cho chiều tối mai 17/9, sẽ chính thức biểu diễn trước Lễ khai mạc Tuần Văn hóa, Du lịch Mường Lò năm 2016.
YBĐT - Đến Tuần Văn hóa và Du lịch (VH&DL) khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2016, du khách không chỉ được đắm mình trong không gian văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông mà còn được tham gia vào một hội thi rất độc đáo - hội thi chọi dê.
YBĐT - Tháng 9, lên Mù Cang Chải du khách không chỉ được ngắm những thửa ruộng bậc thang trong nắng óng, được đắm say ruộng bậc thang mùa lúa chín mà còn cảm nhận được sự phấn khích tột độ khi tham gia Festival Dù lượn “Bay trên mùa vàng”.
YBĐT - Hấp dẫn bởi vẻ đẹp của của hoa tam giác mạch, dù chưa chính thức vào lễ hội, du khách đã đến với Mù Cang Chải rất đông để ngắm hoa từ khi mới bung nụ, nở hoa. Bình quân mỗi ngày có từ 30 đến 50 du khách tới đây, ngày cao điểm lên tới 500 người vào vườn ngắm hoa. Chỉ với 20.000 đồng/du khách, những người bỏ công, bỏ của ra đã có một nguồn thu không nhỏ.