Người mở hướng du lịch ở Suối Giàng
- Cập nhật: Thứ tư, 28/9/2016 | 7:19:46 AM
YBĐT - Trong những ngày thu này, du khách gần xa lại đổ dồn về xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn để được tận mắt ngắm những vườn hoa tam giác mạch đang bung nở. Thế nhưng chẳng có mấy ai biết về Vàng A Khua - người đầu tiên hiện thực hóa ý tưởng đem hoa tam giác mạch về “làm du lịch” ở nơi vùng cao này.
Khách thăm quan chụp ảnh lưu niệm trong vườn hoa tam giác mạch.
|
Biến ý tưởng thành hiện thực
Để được tận mắt chứng kiến loài hoa đẹp cũng là cây lương thực vùng cao này, tôi bỏ lại phố thị ồn ào, “cưỡi” xe máy phi thẳng một mạch lên Suối Giàng. Xuất phát từ thành phố Yên Bái lúc 7 giờ 30 phút, sau gần 3 tiếng đồng hồ tôi đã có mặt tại nhà anh Vàng A Khua ở bản Giàng A - người có vườn hoa tam giác mạch đang khoe sắc rực rỡ.
Sau nụ cười tươi và cái bắt tay thân mật, anh Khua dẫn tôi theo con đường dài chừng cây số lên núi giới thiệu vườn hoa tam giác mạch đẹp lung linh giữa thung lũng nhỏ xen lẫn rừng chè cổ thụ tại điểm giáp ranh với thôn Bản Mới. Khách đến đây mỗi lúc một đông. Du khách đến từ nhiều nơi như các địa phương trong huyện rồi thị xã Nghĩa Lộ, thành phố Yên Bái, không ít du khách đến từ thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành miền xuôi. Mùa hoa nở rộ trung bình mỗi ngày có từ 500 - 600 du khách đến Suối Giàng thăm quan và quay phim, chụp ảnh kỷ niệm tại các vườn hoa tam giác mạch.
Tuy sinh ra và lớn lên trên vùng đất nghèo nhưng cách nghĩ không nghèo, với mơ ước hằng mong tìm ra cách làm kinh tế để giúp gia đình và người dân trong vùng làm giàu ngay tại quê nhà. Vàng A Khua - cán bộ địa chính xã luôn nhớ lời căn dặn của Bác Hồ, rằng đồng bào muốn có cuộc sống ổn định thì phải cố gắng làm ăn, định cư... Để an cư, lập nghiệp như lời dạy của Bác, những năm qua, anh Khua đã tích cực tìm tòi, nâng cao kinh nghiệm về phương thức lao động, sản xuất, phát triển kinh tế và đặc biệt là tìm hiểu về cách làm giàu bằng nhiều mô hình như: mua máy về hút cát bán, phát triển cây chè Shan tuyết, sản xuất lúa vụ hai, chuyển đổi diện tích đất sản xuất lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô đồi, rồi đứng ra thầu các công trình nhỏ tại địa phương... nhưng anh vẫn chưa thỏa lòng. Tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu về loài hoa “làm du lịch” ở vùng cao, anh đã “liều” đưa cây tam giác mạch từ vùng núi đá Hà Giang về trồng thử nghiệm tại đất Suối Giàng.
Qua đọc báo, xem truyền hình, nghe đài nói về việc “làm du lịch” nhờ trồng cây tam giác mạch ở các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, tỉnh Hà Giang và ở Bắc Hà, Si Ma Cai của tỉnh Lào Cai, tháng 10/2015, anh đã cất công sang tỉnh Hà Giang tìm hiểu về giá trị của loài cây “làm du lịch” này.
Bất ngờ khi mỗi lượt du khách vào tham quan, thưởng ngoạn cảnh đẹp và quay phim, chụp ảnh tại các vườn hoa tam giác mạch, chủ vườn thu từ 40.000 đồng đến 50.000 đồng, anh đã mua ngay 10 kg hạt giống về gieo trồng thử trên diện tích 2.000 m2.
Sau hơn 2 tháng chăm sóc, đầu tháng 1/2016, vườn hoa tam giác mạch của gia đình anh đã nở hoa rực rỡ, tạo nên phong cảnh tuyệt đẹp thu hút du khách đến với Suối Giàng ngày càng nhiều. Thấy hiệu quả, anh Khua tiếp tục gieo trồng vụ hai. Hoa tam giác mạch đã nở rộ vào những ngày cuối tháng Tư, đầu tháng Năm - đúng dịp khách du lịch tham quan nghỉ lễ dài ngày. Đầu tháng 7/2016, anh tiếp tục gieo vụ hoa tam giác mạch thứ ba và vẫn thành công ngoài mong đợi...
Anh Khua cho hay: “Đây là mùa hoa thứ ba rồi, tôi không ngờ loài hoa này lại quyến rũ được lòng người đến thế. Khi vườn hoa mới chớm nở cho đến lúc hoa tàn, du khách về đây chiêm ngưỡng loài hoa này không dứt. Mỗi lượt khách thăm quan, chụp ảnh, tôi chỉ thu 20.000 đồng/ người; còn đối với những du khách là các đoàn công tác từ thiện, người già, trẻ em, tôi cho vào tham quan miễn phí không thu tiền”.
Anh Vàng A Khua giới thiệu về hoa tam giác mạch.
Là du khách lần đầu đặt chân lên đất Suối Giàng và cũng là lần đầu được tận mắt chiêm ngưỡng loài hoa đẹp rực rỡ này, ông Vũ Văn Thắng ở quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội chia sẻ: “Con người, cảnh vật ở đây rất thân thiện. Tôi rất thú vị và đây là lần đầu tiên tôi được chiêm ngưỡng những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi đứng chen cùng với loài hoa tam giác mạch tuyệt đẹp mà chỉ nghe nói có ở Hà Giang, bây giờ đã được thấy ở Suối Giàng. Tôi thật may mắn!”.
Mở hướng phát triển du lịch cho vùng cao
Nhờ hoa tam giác mạch mà những ngày của đầu tháng Giêng, cuối tháng Tư, đầu tháng Năm, cuối tháng Tám và đầu tháng Chín năm 2016, du khách đến Suối Giàng thăm quan đã tăng vọt. Ngày thường có từ 250 đến 300 người, còn ngày thứ 7, chủ nhật du khách tăng lên 500 đến 600 người, đã giúp gia đình anh Vàng A Khua có thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/ ngày; đồng thời giúp xã Suối Giàng thu hút khách đến tiêu thụ các mặt hàng nông sản như: mật ong, thóc - gạo, ngô, y dĩ, chè và đẩy mạnh việc sử dụng các dịch vụ nhà nghỉ, nhà hàng ăn uống… Thấy nhà anh Khua trồng cây tam giác mạch cho hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ khác trên địa bàn xã Suối Giàng cũng bắt đầu làm theo.
Tam giác mạch là loài cây ngắn ngày, hạt có vị ngọt hơi đắng nên thường được bà con đồng bào Mông dùng chế biến làm đồ ăn như: bánh, mèn mén (cơm bột) và dùng làm thuốc chữa bệnh cho lợn, gà. Từ những năm 1990 - 1991 trở về trước, cây tam giác mạch là một trong những cây lương thực phụ dùng để cứu đói đối với đồng bào vùng cao. Tuy nhiên, khi cây thuốc phiện dần được xóa bỏ, việc đưa cây lúa, cây ngô vào sản xuất tăng vụ, lương thực của người dân vùng cao ngày càng dư thừa, cuộc sống được nâng lên, tam giác mạch không còn được bà con người Mông ở hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái chú trọng gieo trồng nữa. Còn ở những huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang và Lào Cai, người dân đã sớm tìm thấy ưu điểm ở cây tam giác mạch không chỉ là dùng hạt mà vẻ đẹp lạ lùng của loài hoa này còn tạo nên cảnh đẹp phục vụ khách du lịch nên đã gìn giữ, bảo tồn giống và mở rộng diện tích gieo trồng, tạo ra những mảnh vườn lớn khi vào mùa hoa nở, đẹp như trải thảm trên núi.
Vốn là người “có máu” làm kinh tế, ngay sau lễ hội hoa tam giác mạch được tổ chức lần đầu tiên ở Hà Giang vào cuối năm 2015, anh Vàng A Khua đã gieo trồng thành công hoa tam giác mạch trên chính quê hương Suối Giàng (Yên Bái). Loài hoa nhỏ xíu tuyệt đẹp này có thể giúp Suối Giàng phát triển du lịch tốt hơn. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Giàng A Đằng - Bí thư Đảng ủy xã Suối Giàng cho biết: “Qua việc gia đình anh Khua trồng được vườn hoa tam giác mạch đã cho thấy đây là loài cây thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây. Chúng tôi khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng loài hoa này và cây cải dầu để tạo phong cảnh đẹp, thu hút du khách đến với Suối Giàng nhiều hơn”.
Tuy đã được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái từ năm 2007, nhưng Suối Giàng chưa có cây gì làm chủ lực ngoài cây chè cổ thụ. Việc trồng thí điểm thành công loài hoa tam giác mạch của anh Khua đang mở ra hướng đi mới giúp xã vùng cao này phát triển du lịch tốt hơn trong những năm tới.
Sùng A Hồng
Các tin khác
YBĐT - Đến Mù Cang Chải những ngày tháng 9, trong nắng sớm còn se lạnh, xa xa tầm mắt đã thấy một màu vàng sẫm mềm mại ôm quanh những sườn núi. Màu vàng của sự ấm no ấy với hương lúa thơm nồng hòa với không khí trong lành của vùng cao càng thôi thúc chúng tôi khám phá vẻ đẹp của mảnh đất này.
YBĐT - Trong chuỗi các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao diễn ra trong Tuần Lễ Văn hóa – Du lịch Mường Lò năm 2016, một trong những sự kiện được du khách và khán giả mong chờ nhất chính là Hội thi “Duyên dáng thuyết minh viên du lịch Mường Lò”.
YBĐT - Tổ chức thành công Tuần Văn hóa- Du lịch khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2016 không chỉ là dịp để tôn vinh Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang và các giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc Mông mà còn là cơ hội để nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy giá trị Danh thắng gắn với phát triển du lịch...
YBĐT - Chiều 19/9, tại khu vực đèo Khau Phạ, huyện Mù Cang Chải, Ban tổ chức Festival dù lượn “Bay trên mùa vàng” đã tổ chức bế mạc và trao giải Hạ cánh chính xác Khau Phạ năm 2016.