Nghĩa Lộ - vùng ngôn ngữ văn hóa
- Cập nhật: Thứ tư, 5/10/2016 | 8:25:38 AM
YBĐT - Nhớ về Nghĩa Lộ là nhớ về Mường Lò, nhớ nhà sàn Bác Hồ nằm trong khu Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhớ Di tích lịch sử quốc gia Căng - Đồn Nghĩa Lộ… đó là những địa chỉ thiêng liêng của nhân dân thị xã Nghĩa Lộ và đồng bào các dân tộc Tây Bắc.
Đường vào thị xã miền Tây.
|
“Chiều mùa thu nắng vàng như mật/ Khi nhắc tên đèo Ách, cầu Nhì/ Khi đã từng nghe rừng gió hút/ Anh có vào Nghĩa Lộ với em không?”... Ai đã từng sinh ra nơi đây, hay chỉ một lần đi qua nơi này nghe câu hát ấy lòng cũng thấy cồn cào, xao xuyến với Nghĩa Lộ. Giai điệu ngọt ngào, đắm say mà nhà thơ Hoàng Hạnh viết như thể không còn là của chị nữa.
Những “nắng vàng như mật”, những “rừng gió hút”, những xuyến xao về vùng đất Nghĩa Lộ đã chạm vào thẳm sâu lòng người. Để rồi ai đã từng sinh ra và lớn lên ở đây, đã từng bước chân qua vùng đất này cũng sẽ tìm cho mình một lý do quay trở lại, với những người chưa từng đến cũng có thể trào dâng những cảm giác mong ước, nhớ nhung rồi tự hẹn với lòng mình sẽ tìm về Nghĩa Lộ, tìm về nguồn cội điệu xòe, tìm về miền quê núi với nhiều chiến công đi vào lịch sử.
Địa danh Nghĩa Lộ có từ những năm cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Khi đó, Nghĩa Lộ là một sách (sách Nghĩa Lộ) thuộc châu Văn Chấn, phủ Quy Hoá, tỉnh Hưng Hoá. Trong thời Pháp thuộc khi thành lập tỉnh Yên Bái (11/4/1900), Nghĩa Lộ là một xã thuộc tổng Phù Nham, huyện Văn Chấn. Sau đó, năm 1907 thành lập tổng Nghĩa Lộ trên cơ sở xã Nghĩa Lộ và một số xã lân cận thuộc tổng Hạnh Sơn, Phù Nham.
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có phố Nghĩa Lộ trong xã Nghĩa Lộ thuộc châu Văn Chấn, sau là huyện Văn Chấn. Sau Cách mạng Tháng Tám, tại Quốc hội khoá II - Kỳ họp thứ 5 ngày 26/10/1962 đã ra Nghị quyết thành lập tỉnh Nghĩa Lộ. Từ năm 1963, thị trấn Nghĩa Lộ trực thuộc tỉnh Nghĩa Lộ. Qua nhiều sự thay đổi về địa lý hành chính, sáp nhập rồi tách tỉnh, hiện nay thị xã Nghĩa Lộ có 4 phường là: Trung Tâm, Tân An, Cầu Thia, Pú Trạng và 3 xã: Nghĩa An, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc với tổng diện tích tự nhiên trên 2.990 ha, dân số 26.032 người gồm 13 dân tộc anh em.
Nghĩa Lộ nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, cách thành phố Yên Bái 80 km là một vùng đất nổi tiếng về những chiến tích lịch sử, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu hài hòa, mát mẻ. Vượt đèo Ách, qua những cung đường quanh co đến dốc Thái Lão, từ trên đỉnh dốc nhìn xuống, cánh đồng Mường Lò như một tấm thảm mượt mà với các sắc màu tươi thắm.
Mùa xuân, thảm xanh ngát bởi màu lúa, ngô, điểm xuyết những con đường rực màu hoa đào, vào mùa ban nở, xứ này như một thiếu nữ bước vào tuổi trăng tròn, tràn đầy sức sống. Hè về, cánh đồng rực lên màu vàng no ấm, trước cơn gió những sóng lúa lại dập dồn chạy dài tít tắp. Thu sang, bên mái nhà sàn lập lòe ánh lửa, những cô gái áo cỏm, lưng thon lại nắm tay nhau nhịp nhàng theo điệu xòe, lời ca buông lơi… cả vùng âm vang một ngôn ngữ văn hóa, văn nghệ. Rồi đông tới, mây trắng ở khắp nơi lại ùa về, luồn lách, len lỏi vào từng ngõ ngách, con phố để rồi người người như xích lại gần nhau hơn, những bếp nướng ngô, nướng khoai lại rực đỏ trên mọi nẻo về, mùi hương quấn quýt, vấn vít bước chân du khách gần xa… để rồi ai đã lớn lên ở đây, đi qua nơi này đều để lại một niềm thương nhớ khôn nguôi.
Một ngày ở Nghĩa Lộ như có cả tứ mùa trong năm. Sáng, man mác gió như xuân. Trưa, nắng vàng như mật giống hè. Chiều, khói lam buông tỏa hòa lẫn vào sương của thu. Đêm, cảm giác se se lạnh khiến người ta đều phải kiếm tìm hơi ấm mà nhắc mình nhớ đông. Nhớ về Nghĩa Lộ là nhớ về Mường Lò, nhớ nhà sàn Bác Hồ nằm trong khu Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhớ Di tích lịch sử quốc gia Căng - Đồn Nghĩa Lộ… đó là những địa chỉ thiêng liêng của nhân dân thị xã Nghĩa Lộ và đồng bào các dân tộc Tây Bắc.
Vào Nghĩa Lộ mùa nào cũng thú vị bởi đó là xứ sở của gạo nếp Tan nổi tiếng; của quýt, cam, đào, mận hay lạc vào chợ Mường Lò mà loay hoay không biết đường về vì có quá nhiều sự lựa chọn. Tất cả những điều hấp dẫn ấy ở Nghĩa Lộ vẫn ngày một đậm đà bản sắc hơn khi mà tỉnh Yên Bái nói chung, thị xã Nghĩa Lộ nói riêng đang có nhiều chủ trương đúng đắn, quy hoạch, đầu tư, bảo tồn những nét văn hóa riêng có của mình, tạo dựng những sản phẩm văn hóa phi vật thể trường tồn với thời gian, đặc biệt là tổ chức thành công màn đại xòe cổ lớn nhất được xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam tháng 9/2013. Điều đó không chỉ là niềm tự hào của những người dân nơi đây mà còn là nỗi niềm mong ngóng, ngẩn ngơ khi rời xa và hẹn ngày trở lại Nghĩa Lộ của du khách gần xa.
Bao giờ, anh vào Nghĩa Lộ với em
Thị xã miền Tây vẫn chờ anh đến
... Vào Nghĩa Lộ với em
Anh có vào Nghĩa Lộ với em không?
Nghĩa Lộ đó, hôm qua, hôm nay và cả ngày mai nữa vẫn là lời mời gọi thân thương, nồng ấm.
Thanh Thủy
Các tin khác
YBĐT - Những ngày đầu tháng 10, trời thu trong xanh và dịu nắng khiến nhiều người tìm về với Văn Yên, mảnh đất còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa của người Dao đỏ, người Tày Khao để đắm mình trong những lễ hội tâm linh mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc nơi đây…
YBĐT - Mù Cang Chải giờ đã trở thành một trong những địa danh du lịch có tiếng cả trong và ngoài nước. Bên cạnh Danh thắng Ruộng bậc thang, sự góp mặt của hoa tam giác mạch trên mảnh đất này đã tạo thêm một điểm nhấn thú vị.
YBĐT - Trong những ngày thu này, du khách gần xa lại đổ dồn về xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn để được tận mắt ngắm những vườn hoa tam giác mạch đang bung nở. Thế nhưng chẳng có mấy ai biết về Vàng A Khua - người đầu tiên hiện thực hóa ý tưởng đem hoa tam giác mạch về “làm du lịch” ở nơi vùng cao này.
YBĐT - Đến Mù Cang Chải những ngày tháng 9, trong nắng sớm còn se lạnh, xa xa tầm mắt đã thấy một màu vàng sẫm mềm mại ôm quanh những sườn núi. Màu vàng của sự ấm no ấy với hương lúa thơm nồng hòa với không khí trong lành của vùng cao càng thôi thúc chúng tôi khám phá vẻ đẹp của mảnh đất này.