Tuy nhiên, những gì mà du lịch cộng đồng đem lại vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng vốn có. Làm thế nào để khai thác hiệu quả kinh tế trong du lịch cộng đồng, giúp người dân có thu nhập đang là vấn đề đặt ra đối với chính quyền các cấp, ngành chức năng.
Có thể khẳng định, tiềm năng du lịch cộng đồng ở tỉnh Yên Bái không hề thua kém bất cứ địa phương nào trên cả nước. Ngoài những danh thắng nức tiếng như: hồ Thác Bà, Quần thể di tích Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang La Pán Tẩn - Chế Cu Nha - Dế Xu Phình, chè cổ thụ Suối Giàng, bình nguyên xanh Khai Trung... cùng nhiều thác, hồ, suối, nguồn nước nóng khác thì Yên Bái còn là địa bàn sinh sống của rất nhiều dân tộc từ Thái, Mông, Tày, Dao, Cao Lan… mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc trưng độc đáo, thể hiện qua các phong tục tập quán, lễ hội dân gian, các làn điệu dân ca dân vũ cộng với nét văn hóa đặc sắc trong ẩm thực với các món ăn dân dã, hấp dẫn... Đây chính là thế mạnh để Yên Bái phát triển du lịch cộng đồng.
Nắm bắt xu thế, phát huy tiềm năng, các cấp chính quyền đã có những định hướng, chính sách hỗ trợ để phát triển du lịch cộng đồng. Cùng với đó, hàng trăm hộ gia đình đã tự bỏ tiền đầu tư, nâng cấp, xây dựng nhà cửa, trang thiết bị để phát triển loại hình du lịch homestay. Nhờ đó, các loại hình du lịch cộng đồng như: du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch làng nghề, du lịch dân tộc hay bản địa và du lịch văn hóa... đang ngày càng được chú trọng phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Trên bản đồ du lịch, mạng xã hội, thông tin về các khu du lịch như: ruộng bậc thang Mù Cang Chải; khu du lịch Ngòi Tu (Yên Bình), Nghĩa An (Nghĩa Lộ), Khai Trung (Lục Yên), bản Bon, Suối Giàng (Văn Chấn)… ngày càng được mọi người tìm hiểu với lượng truy cập lớn và được đưa vào các tuyến phục vụ du khách trong và ngoài nước. Thực tế cho thấy, phát triển du lịch cộng đồng đã góp phần thu hút khách du lịch, đặc biệt là tạo việc làm tại chỗ, thu nhập cho nhân dân.
Điều đáng mừng trong phát triển du lịch cộng đồng ở Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải và một số địa phương khác thời gian vừa qua là các hộ gia đình chủ động liên kết với các công ty du lịch để được hỗ trợ về kiến thức, thiết kế nhà sàn, cách giao tiếp, ẩm thực của người khách nước ngoài...
Phát triển du lịch cộng đồng là một động lực quan trọng để xây dựng nông thôn mới, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Dù vậy đến nay, những hiệu quả mà du lịch cộng đồng mang lại chưa thực sự tương xứng với tiềm năng vốn có.
Có thể thấy, cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ để phát triển du lịch cộng đồng tại Yên Bái vẫn còn khá nhiều hạn chế, các cơ sở mới chỉ cung cấp dịch vụ nhỏ lẻ; chưa có một dự án du lịch cộng đồng nào được triển khai theo quy mô lớn, đúng tầm.
Cùng với đó, việc tạo dựng các sản phẩm du lịch trọn gói, hấp dẫn khách du lịch và lập chương trình cho các tuyến, chương trình du lịch tại cộng đồng còn chưa được quan tâm thỏa đáng; chủng loại, kiểu dáng các sản phẩm thủ công truyền thống chưa phong phú, đa dạng và chất lượng chưa cao để thu hút khách du lịch…
Thực trạng, hạn chế trên cho thấy, để khai thác hiệu quả kinh tế bền vững trong du lịch cộng đồng đòi hỏi các địa phương phải phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc để xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, phù hợp từng vùng, có quy hoạch và chọn lọc, hấp dẫn với từng đối tượng du khách. Để làm được điều này, trước tiên Yên Bái cần phải xây dựng một chiến lược phát triển du lịch cộng đồng hiệu quả, có những chính sách, cơ chế mang tính đặc thù và các giải pháp đồng bộ.
Theo đó, các ngành chức năng, địa phương cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu bản sắc văn hóa và tính đặc thù của từng vùng miền, phục vụ hiệu quả cho phát triển du lịch cộng đồng; tiến hành quy hoạch các điểm du lịch cộng đồng, tránh tình trạng xây dựng tràn lan, tự phát; đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, thị hiếu của du khách để xây dựng các điểm du lịch cộng đồng hiệu quả, trong đó chú trọng lựa chọn vị trí điểm du lịch cộng đồng là các bản không quá xa các trung tâm đô thị để thuận lợi cho việc di chuyển và công tác lưu trú; nghiên cứu khai thác, xây dựng tài nguyên du lịch thành các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, phù hợp với nhu cầu của du khách. Trong du lịch cộng đồng, việc nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của từng đoàn khách có vai trò quan trọng trong việc "níu chân” du khách.
Do vậy, việc mở các lớp tập huấn cho người dân về cách đón khách, bố trí cho khách nghỉ tại các loại hình nhà đặc thù từng vùng, từng địa phương; nắm bắt nhu cầu ẩm thực của từng đoàn khách từ đó xây dựng các bữa ăn mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc; bố trí các trải nghiệm thực tế cho du khách như: đi gặt, đi cấy, đan rọ tôm, quăng chài, bắt cá… là rất hợp lý để thu hút du khách.
Việc xây dựng các hoạt động đặc thù có quy mô lớn thu hút nhiều đối tượng du khách tham gia cũng là một ý tưởng hay. Đơn cử tại hồ Thác bà có vùng hồ rộng lớn thì xây dựng các hoạt động du lịch mang đặc trưng sông nước, như lễ hội đua thuyền, tour du lịch trên hồ hay một số làng du lịch ven sông; vùng chè Suối Giàng xây dựng các lễ hội hái chè, pha chè…
Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho du lịch cộng đồng, cho các hộ gia đình vay vốn với lãi suất thấp hoặc lập các quỹ du lịch hỗ trợ cho cộng đồng để đồng bào các dân tộc thiểu số có kinh phí xây dựng nhà cửa và các công trình vệ sinh phục vụ du lịch cộng đồng. Mặt khác, Nhà nước cần có một số chế độ ưu đãi nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đưa khách đến với vùng du lịch cộng đồng, như chế độ giảm thuế, cho vay ưu đãi...
Hùng Cường