Thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết số 35 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025, thời gian qua, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải đã phát triển đa dạng các loại hình du lịch, thu hút nhiều du khách tới tham quan, trải nghiệm, góp phần quảng bá nét đẹp thiên nhiên, văn hóa, con người vùng cao Yên Bái đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Là địa danh nổi tiếng có những thửa ruộng bậc thang đẹp mê đắm lòng người, từ năm 2007, ruộng bậc thang ở La Pán Tẩn cùng với Chế Cu Nha, Dế Xu Phình đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích danh thắng cấp quốc gia.
Đây là dấu mốc và tiền đề quan trọng để địa phương này có thêm điều kiện phát triển du lịch, đưa kinh tế địa phương phát triển. Nếu như trước đây, người dân xã La Pán Tẩn thuần túy chỉ biết lao động sản xuất và sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp thì nay họ đã biết khai thác những tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc để tạo ra các dịch vụ phát triển du lịch.
Song song với việc phục dựng các nghi lễ truyền thống nhằm thu hút du khách tìm hiểu về phong tục tập quán của người dân địa phương như: lễ cưới của người Mông, lễ mừng cơm mới, giã bánh dày..., nhiều gia đình ở xã La Pán Tẩn đã biết tận dụng thời cơ, tiềm năng để phát triển loại hình du lịch cộng đồng (homestay). Loại hình du lịch này đã tạo nên sức hút, góp phần đưa Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải đến với du khách gần xa.
Homestay Do Gù của gia đình anh Hảng A Dò nằm ngay gần trụ sở UBND xã La Pán Tẩn là một trong những địa điểm thu hút nhiều khách tới tham quan, nghỉ dưỡng bởi lối trang trí các phòng nghỉ có tầm nhìn hướng ra các cảnh đẹp của địa phương.
Ngoài ra, với cách làm du lịch khá độc đáo, vừa cho thuê phòng nghỉ vừa phục vụ ăn uống, anh Dò còn đảm nhận luôn vai trò hướng dẫn viên du lịch, đưa du khách đến các điểm tham quan ở địa phương, qua đó tạo ra cảm giác hứng thú cho du khách khi mọi nhu cầu hiểu biết về văn hóa, con người vùng cao được tiếp nhận một cách tự nhiên và chân thực nhất.
Anh Phạm Hải Đăng – du khách đến từ Hà Nội bày tỏ: "Tôi thích cách làm du lịch ở đây. Giá các loại dịch vụ không hề đắt, người dân thân thiện, cởi mở, món ăn thì ngon, sạch, phong cảnh thiên nhiên thì tuyệt diệu. Tôi cùng các bạn của mình, sẽ trở lại nơi này nhiều lần nữa”.
Không chỉ thu hút du khách vào mùa lúa chín, xã La Pán Tẩn đã tìm được cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần thu hút khách du lịch. Đó là trồng cải dầu trên những mảnh đất khô cằn và những thửa ruộng bậc thang sau khi thu hoạch vụ mùa. Sắc hoa cải ở La Pán Tẩn đã làm mê đắm nhiều du khách, do đó, ngày càng có nhiều du khách từ khắp mọi nơi đến ngắm nhìn, chụp ảnh và thưởng thức vị ngon đặc biệt của loại cây này. Kết thúc mùa hoa cải là đến "mùa nước đổ”, trên những thửa ruộng bậc thang, người dân La Pán Tẩn lại cày cuốc, dẫn nước để chuẩn bị cho mùa vụ mới.
Bởi thế, đến Mù Cang Chải nói chung và La Pán Tẩn nói riêng vào mùa nước đổ, du khách không chỉ được hưởng không khí trong lành của đại ngàn hoang sơ mà còn được đắm mình trong khung cảnh hùng vĩ nơi thiên nhiên hòa hợp với con người, tạo nên những kiệt tác từ bàn tay lao động.
Du lịch phát triển đã góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Với mục tiêu phát triển du lịch trên cơ sở bảo tồn cảnh quan, giá trị của Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang, xã La Pán Tẩn đã và đang không ngừng đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch qua các kênh thông tin đại chúng; tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ngắm ruộng bậc thang; tích cực tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ nghề truyền thống và tham gia các lớp dạy làm du lịch.
Hồng Oanh