Tà Chì Nhù thực sự đã khẳng định nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Nhưng đối với một huyện vùng cao như Trạm Tấu còn nhiều khó khăn trong đời sống kinh tế - xã hội, dân trí không đồng đều, hạ tầng cơ sở nông thôn yếu kém, không có kinh nghiệm làm du lịch... thì có thể nói, những khó khăn nêu trên sẽ là trở lực lớn khi đề cập đến phát triển du lịch.
Tuy nhiên, trên bình diện thực tế thì chưa hẳn là như vậy, bởi lẽ nhiều nơi làm du lịch tuy muộn, nhưng họ biết dựa vào kinh nghiệm, giải pháp khắc phục khó khăn ở những nơi khác từng trải qua để đi đến thành công. Vấn đề quan trọng là cần phải đi đúng trọng tâm, trọng điểm những vấn đề cần làm. Cụ thể, phải coi trọng yếu tố tiên quyết là liên kết trong phát triển du lịch. Chỉ có liên kết du lịch thì mới tạo ra được tour, tuyến du lịch hấp dẫn.
Cùng đó, liên kết trong phát triển du lịch còn phải coi trọng sức mạnh tổng hợp từ yếu tố hợp tác liên ngành. Bởi vì, đặc thù của du lịch là sự tổng hợp của nhiều hoạt động kinh tế khác nhau như nông lâm, công thương, y dược, tài nguyên và môi trường...
Tiếp nữa là, liên kết theo hình thức mời gọi các hãng, cơ sở kinh doanh du lịch, công ty lữ hành có tiềm năng, thế mạnh cùng phối hợp lập quy hoạch, đầu tư khai thác bằng những cơ chế, chính sách cụ thể, khoa học mang tính đột phá; trong đó, ưu tiên các cơ chế, chính sách khuyến khích và kích cầu phát triển du lịch.
Thực tế cho thấy, việc liên kết du lịch theo từng cấp độ đã không còn là vấn đề mới mẻ đối với du lịch ở nước ta. Chẳng hạn, ở cấp độ quốc gia, chúng ta đã thực hiện liên kết du lịch giữa Việt Nam với các nước Đông Nam Á; liên kết du lịch Việt Nam với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Ở cấp độ khu vực, đã có nhiều mô hình liên kết rất thành công như liên kết du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm: du lịch miệt vườn, di tích, danh thắng, du lịch biển đảo.
Vùng Quảng Nam, Đà Nẵng thành công trong liên kết du lịch với các điểm đến: Bà Nà Hills, Ngũ Hành Sơn, thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, Cù Lao Chàm... Tỉnh Yên Bái cũng đã xúc tiến liên kết phát triển du lịch 3 tỉnh: Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai.
Đồng thời, dựa trên những tiến bộ về hệ thống giao thông vận tải, tiềm năng du lịch, cơ sở vật chất, các tỉnh khu vực Tây Bắc, trong đó có Yên Bái đã tham gia vào các chương trình, dự án xúc tiến phát triển du lịch vùng Tây Bắc...
Ở cấp độ nhỏ hơn, Trạm Tấu hoàn toàn có tiềm năng để kết nối tuyến du lịch hấp dẫn vùng phía Tây của tỉnh gồm các điểm: trải nghiệm đỉnh Tà Chì Nhù (Trạm Tấu), vùng du lịch cộng đồng, di tích, danh thắng ở Mường Lò (Văn Chấn - Nghĩa Lộ); vùng du lịch sinh thái Suối Giàng (Văn Chấn); vùng Di tích Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải.
Ở phạm vi hẹp hơn nữa, Trạm Tấu có nhiều tiềm năng tạo một liên kết du lịch ngay tại địa phương gồm các điểm: Tà Chì Nhù - suối khoáng nóng - du lịch cộng đồng trong các bản người Thái, người Mông - tham quan ruộng bậc thang...
Trong đó, lưu ý khai thác các thế mạnh: ẩm thực, dịch vụ cung ứng các sản vật của địa phương như mật ong, dược liệu quý, thực phẩm đặc sản, các sản phẩm nghề thủ công như đan lát, chế tác nông cụ, nhạc cụ của đồng bào Mông; tạo dựng điểm đến có cảnh quan đẹp như thác nước, tắm suối, du lịch lễ hội, trải nghiệm văn hóa cộng đồng...
Cùng với liên kết phát triển du lịch, kinh nghiệm cho thấy, không nên đầu tư phát triển du lịch một cách dàn trải mà phải tạo được sản phẩm du lịch đặc thù thể hiện được sự độc đáo, khác biệt và đỉnh Tà Chì Nhù chính là nơi hoàn toàn đáp ứng được hai yếu tố này. Nói cách khác, phải tạo được thương hiệu cho sản phẩm du lịch của mình, để du khách tìm thấy sự mới lạ "tránh sự na ná ở nhiều nơi" và đến nhiều mà không bị nhàm chán.
Song song với xây dựng sản phẩm du lịch, tỉnh cùng huyện Trạm Tấu phải đặc biệt coi trọng quảng bá sản phẩm và xúc tiến du lịch.
Trong điều kiện hiện nay, Trạm Tấu hoàn toàn có thể xây dựng cho mình một website mà ở đó giới thiệu được thông tin đầy đủ nhất, cập nhật nhất về du lịch Tà Chì Nhù như: thông tin về thời tiết, điểm nổi bật ở Tà Chì Nhù theo mùa, hướng dẫn cách đi đến, những thuận lợi, khó khăn, dịch vụ, trao đổi thông tin với du khách...; đồng thời, lồng ghép giới thiệu về tiềm năng du lịch Trạm Tấu nói chung.
Phải phát huy vai trò của truyền thông trong quảng bá phát triển du lịch ở Tà Chì Nhù và du lịch Trạm Tấu, đặc biệt là thông tin qua báo điện tử, trong đó, có báo chuyên ngành về du lịch. Cung cấp thông tin, tư liệu cho các cơ quan ngoại giao, hoặc các đơn vị có hoạt động mang tính quan hệ quốc tế để tuyên truyền, quảng bá thu hút khách trong và ngoài nước.
Điển hình như có những hãng hàng không đã phát hành tài liệu bằng tiếng Anh, tiếng Việt cho du khách ngồi trên máy bay để vừa giới thiệu tiềm năng du lịch trong nước, quốc tế vừa thu hút khách đi máy bay của hãng mình và hỗ trợ việc phát triển du lịch.
Tỉnh cần hỗ trợ huyện Trạm Tấu bám sát các chương trình xúc tiến du lịch, hội chợ du lịch để giới thiệu tiềm năng du lịch địa phương. Đồng thời, tập trung hỗ trợ huyện các điều kiện mở hội nghị, hội chợ xúc tiến du lịch tại Trạm Tấu và mời các cơ quan chuyên môn, truyền thông, các đơn vị làm du lịch, các địa phương lân cận cùng nhận diện tiềm năng, quảng bá, tìm kiếm cơ hội đầu tư cho du lịch.
Riêng đối với điểm Tà Chì Nhù, cần từng bước khắc phục những bất cập như việc khai thác còn chưa được đưa vào quản lý, nên có thể dễ dẫn đến rủi ro cho du khách khi đi trong địa hình phức tạp để leo lên đỉnh núi này; phòng ngừa các nguy cơ ảnh hưởng tới rừng. Đầu tư xây dựng hệ thống lán ngủ, thậm chí là cả phục vụ ăn uống để du khách lên đây không phải mang theo dù bạt, túi ngủ, đồ ăn, nước uống, đồ vệ sinh cá nhân... lỉnh kỉnh từ nhà và phải ngủ nền đất không bảo đảm sức khỏe.
Mặt khác, lán ngủ, cách thức phục vụ sẽ còn bảo đảm yếu tố vệ sinh môi trường khi lượng khách đến đây ngày càng đông và khách sẽ tự quảng bá sự tiện lợi để nhiều người tìm đến...
Đồng thời, những cơ sở vật chất đơn giản này, còn là điều kiện để địa phương hướng tới quảng bá tiềm năng bằng việc tổ chức các Mini Festival ở Tà Chì Nhù theo mùa săn mây, mùa hoa đỗ quyên, hoa mua...
Cùng đó, ngay từ bây giờ, trong khả năng của mình, Trạm Tấu cần bắt đầu quan tâm đến xây dựng nguồn nhân lực phù hợp và các nguồn lực tại chỗ khác cho tương lai phát triển du lịch. Trong đó, về nguồn nhân lực, cần tính toán đào tạo chuyên môn bài bản cho đội ngũ cán bộ liên quan đến phát triển du lịch.
Song song đó, đào tạo kỹ năng làm du lịch cho bà con dân tộc ở địa phương, kể cả học sinh các trường phổ thông để chính họ biết phát huy nội lực tạo ra sản phẩm du lịch; biết phiên dịch, giới thiệu, quảng bá, khai thác lợi ích kinh tế du lịch gắn với tinh thần trân trọng bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường thiên nhiên và chung sức xây dựng hạ tầng cơ sở...
Về nguồn lực tại chỗ, cần từng bước hoạch định hệ thống nhà ở dân cư để có hướng phát triển mô hình du lịch homestay; hoạch định để tôn tạo những điểm đến về cảnh quan: thác nước đẹp, suối đẹp, ruộng bậc thang đẹp...; định hướng cho người dân phát triển các mô hình kinh tế liền kề những vùng cảnh quan như mô hình nông trại vùng cao mà ở đó có hình ảnh đặc thù sản xuất nông nghiệp miền núi và dân tộc; có những sản phẩm mà người miền xuôi ưa thích được dùng ngay tại chỗ hay mua sắm để mang về. Thêm nữa, ở đây còn phải có cả không gian của mùa hoa ban, hoa đào, hoa cải, hoa tam giác mạch và có cả không gian thương mại và lễ hội vùng cao...
Hoàng Nhâm