Ngày 25/12/2021, Hà Nội bước vào những ngày mùa đông giá rét. Với chiếc áo cỏm, váy nhung đen, khăn piêu, xà tích cùng nụ cười duyên dáng, những thiếu nữ Thái Tây Bắc rất háo hức sẽ được trình diễn và giới thiệu nét đẹp điệu múa xòe Thái trong phút giây vinh danh.
Chị Lò Thị Hồng Phương ở phường Chiềng Khơi, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La chia sẻ: "Chúng tôi rất tự hào vì được truyền dạy và cố gắng giữ gìn, phát huy những nét đẹp văn hóa dân tộc, các điệu múa xòe Thái truyền thống. Được tham dự và trình diễn tại sự kiện này, chúng tôi sẽ mang hết khả năng của bản thân để giới thiệu cho bạn bè trong nước, quốc tế biết đến những nét độc đáo từ những vòng xòe”.
Nghệ nhân Lò Văn Biến gần 90 tuổi ở phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái vượt 200 km xuống Hà Nội để tham dự Hội nghị. Với gần 30 năm tham gia sưu tầm, nghiên cứu, truyền dạy các nét đẹp văn hóa dân tộc Thái ở vùng Tây Bắc, ông Biến là một trong những thành viên có nhiều công lao trong lập hồ sơ trình lên UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái”.
Ông chia sẻ: "Múa xòe là một nét đẹp văn hóa lâu đời, độc đáo và mang tính cộng đồng cao. Từ xa xưa, người Thái có câu: Không có múa xòe thì không thành công, không được vui. Các sự kiện mừng đám cưới, mừng nhà mới hoặc tại các lễ hội mà không có múa xòe thì coi như không thành công. Thêm vào đó, múa xòe lại là một hình thức sinh hoạt nghệ thuật, văn hóa mang tính cộng đồng cao, thu hút nhiều lứa tuổi, thành phần xã hội, giới tính tham gia”.
Ông Biến bắt đầu sưu tầm, nghiên cứu văn hóa Thái từ năm 1995 và rong ruổi đi khắp các bản làng của người Thái ở vùng Mường Lò (Yên Bái), Mường So, Mường Than (Lai Châu), Mường Lay, Mường Thanh (Điện Biên), Mường Tấc và Thuận Châu (Sơn La) để tìm hiểu về văn hóa, chữ viết và các hoạt động văn hóa nghệ thuật.
Ông cùng với nhiều nghệ nhân dân gian khác đã truyền dạy văn hóa, chữ viết trong các bản làng, các câu lạc bộ nghệ thuật dân gian, các chương trình giáo dục truyền thống và cùng với chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật của người Thái với quy mô lớn. Từ năm 2017 đến năm 2019, những nghệ nhân dân gian như ông Biến trở thành "kho tư liệu” lớn để tham khảo, nghiên cứu, kiểm kê, lập hồ sơ trình UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái” của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nghệ nhân và các diễn viên quần chúng của tỉnh Yên Bái trình diễn Nghệ thuật Xòe Thái tại chương trình chào mừng sự kiện.
16 giờ chiều, Hội nghị trực tuyến Kỳ họp thứ 16 của Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 do ông Punchi Nilame Meegaswatte - Tổng Giám đốc UNESCO làm chủ tọa đã tổng hợp những đánh giá Hồ sơ đề cử Di sản văn hóa phi vật thể "Nghệ thuật Xòe Thái” Việt Nam dựa trên các tiêu chí như: tính cộng đồng, phổ biến; thực trạng phát triển của nghệ thuật; sự chuyển giao từ các thế hệ; vai trò, trách nhiệm của địa phương, quốc gia đó với việc bảo tồn, phát triển di sản...
Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương công bố quyết định ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái” vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tại hội trường Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các đồng chí lãnh đạo Trung ương, địa phương và nghệ nhân dân gian cùng nhau đứng dậy, lặng im, tay cầm cờ đỏ sao vàng hướng về phía màn hình sân khấu hồi hộp, lắng nghe từng lượt đánh giá, nhận xét của các đại biểu trong hơn 1 giờ đồng hồ. Đúng 17 giờ 5 phút, giây phút hồi hộp chờ đợi và niềm vui vỡ òa đã đến khi tất cả các đại biểu Ủy ban liên Chính phủ bày tỏ sự đồng thuận, ông Punchi Nilame Meegaswatte - Tổng Giám đốc UNESCO chủ trì Hội nghị gõ búa chúc mừng "Nghệ thuật Xòe Thái” được ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trong niềm vui ấy, đồng chí Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch khẳng định: "Chúng tôi rất xúc động, tự hào và vinh dự khi Nghệ thuật Xòe Thái là Di sản Văn hóa phi vật thể thứ 14 của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Sự việc này là sự khẳng định ở tầm cỡ quốc tế đối với kho tàng văn hóa phong phú, đặc sắc của dân tộc và góp phần thúc đẩy việc bảo tồn, thực hành, trình diễn Nghệ thuật Xòe Thái ngày một mạnh mẽ hơn nữa”.
Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái chia sẻ sau bài phát biểu cảm ơn tới Hội nghị trực tuyến Kỳ họp thứ 16 của Ủy ban liên Chính phủ: Sự kiện UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa các cộng đồng không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới; thúc đẩy nỗ lực bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể để giữ gìn bản sắc riêng của các tộc người trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Ở cấp độ quốc gia, sự kiện này một lần nữa khẳng định, chủ trương, đường lối, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là luôn tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc; tiếp tục nâng cao nhận thức về giá trị và tầm quan trọng của các di sản văn hóa dân gian các dân tộc Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trong cả nước.
Ở cấp độ địa phương, nơi có "Nghệ thuật Xòe Thái” - sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân trong việc bảo vệ "Nghệ thuật Xòe Thái” cũng như các di sản văn hóa phi vật thể khác; khơi dậy lòng tự hào của các tầng lớp nhân dân, thúc đẩy thế hệ trẻ quan tâm hơn đến di sản, nêu cao ý thức và hành động thiết thực để bảo vệ sức sống của các di sản văn hóa phi vật thể tại cộng đồng.
Đồng thời, cũng đặt ra trách nhiệm cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái và các địa phương có đông đồng bào người Thái sinh sống đối với việc tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị của "Nghệ thuật Xòe Thái” trong xã hội hiện đại”.
Cùng với đó, 4 tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu phối hợp đề xuất tổ chức Lễ đón nhận Bằng ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong năm 2022; thực hiện chương trình hành động như đã cam kết trong Hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO; đồng thời, đề xuất Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể để tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị "Nghệ thuật Xòe Thái”.
Mỗi tỉnh sẽ xây dựng, cụ thể hóa thành chương trình hành động của địa phương bằng những giải pháp cụ thể vừa trước mắt vừa lâu dài, với phương châm lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể của các hoạt động; biến di sản thành tài sản phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của mỗi địa phương. Các biện pháp bảo vệ được cộng đồng người Thái tiến hành một cách sâu rộng tại bốn tỉnh, nỗ lực của họ trong việc thành lập các đội văn nghệ và đóng góp cho công tác nghiên cứu và xuất bản sách về di sản.
Trải qua những cảm xúc từ háo hức, hồi hộp, lo lắng rồi đến vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi "Nghệ thuật Xòe Thái” được ghi danh, cả hội trường Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ngập tràn trong niềm vui, tiếng cười. Những nghệ nhân dân gian người Thái như ông Lò Văn Biến ở Yên Bái, Lò Văn Lả ở Sơn La cùng nhau diễn xướng.
Âm thanh truyền thống từ đàn tính tẩu, khèn lá, khèn bè, chiêng, trống vang lên đã hòa nhịp cho những thiếu nữ người Thái đắm say trong điệu xòe "Khắm khen”, "Đổn hôn”, "Phá xí”, "Nhôm khăn”, "Khắm khăn mơi lảu” và "Ỏm lọm tốp mư” tạo ra không khí lễ hội bất tận.
Hoài Văn