Trẩy hội ném pao

  • Cập nhật: Thứ hai, 16/1/2012 | 10:32:41 AM

YBDDT - Không biết từ bao giờ, mỗi khi xuân về tết đến, nam thanh, nữ tú dân tộc Mông Mù Cang Chải (Yên Bái) lại tụ họp nhau để chơi ném pao - một trò chơi dân gian, một nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân nơi đây.

Các thiếu nữ Mông Mù Cang Chải hơi ném pao trong hội xuân.
(Ảnh: Hoàng Đô)
Các thiếu nữ Mông Mù Cang Chải hơi ném pao trong hội xuân. (Ảnh: Hoàng Đô)

Khi những hạt mưa phùn lất phất tô thắm thêm cánh hoa tớ dảy nơi triền núi, các chàng trai, cô gái Mông không ai hẹn ai dập dìu kéo nhau về các điểm vui chơi ở các bản làng, nhất là các “điểm hẹn ném pao”. Các cô gái tuổi vừa tròn mười tám, đôi mươi, hai gò má ửng hồng, tay cầm quả pao như trái ổi, tròn căng, được làm từ chất liệu vải, chỉ cần tận dụng những mảnh vải vụn nhồi làm ruột pao, bên ngoài phải là những miếng vải đẹp nhất. Quả pao được tạo nên từ những đôi bàn tay khéo léo tỉ mỉ của các cô gái Mông. Pao của các thiếu nữ màu sắc bắt mắt và sặc sỡ hơn, còn pao của các cô bé mới lớn đơn giản hơn và có màu đen.

Em Sùng Thị Giống, bản Cung 11, xã Mồ Dề tâm sự: “Ném pao không biết có từ lúc nào, lớn lên thấy người ta chơi cũng chơi theo, thấy người ta làm cũng làm theo thôi. Để đi ném pao, đi chơi tết như thế này em đã tự tay làm quả pao bằng vải, kỳ công lắm đấy! Em đã phải cuộn vải thật chặt, sau đó lại lấy miếng vải to khác khâu bọc lại, khâu bọc bên ngoài 2 đến 3 lần, khi nào thấy căng tròn là được”.

Nam, nữ thanh niên Mông cầm pao đến “điểm hẹn” với niềm hân hoan, phấn khởi để được gặp nhau, trao nhau quả pao và cả ánh mắt, nụ cười. Hào hứng với những quả pao tại “điểm hẹn ném pao” của nhân dân bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha, cô gái Lý Thị Cha cũng không ngoài niềm vui ấy: “Mình không nhớ từ khi nào nữa, lúc còn bé lắm đã theo các anh, các chị đến thửa ruộng bậc thang này để xem và tập ném pao, vui lắm! Với trò chơi này, mọi mệt mỏi, nhọc nhằn của một năm đều được xua tan. Khi quả pao tung lên, mình cũng được như bay theo, hay và thích lắm!  Mọi năm đi chơi chỉ để vui tết thôi, còn năm nay đi chơi là để tìm bạn, năm nay đã đủ 18 tuổi rồi”.

Ném pao không chỉ đơn thuần là trò chơi mà ẩn chứa trong đó bao điều lý thú. Ban đầu họ chỉ chơi cho vui với nhau theo từng nhóm, sau đó đôi nam nữ nào thích nhau họ sẽ ném quả pao cho nhau và cứ ném qua, ném lại hàng giờ, hàng ngày mà không biết chán. Trong cuộc vui, nếu cô gái ưng chàng trai nào thường là họ khéo léo giấu tình cảm qua ánh mắt, nụ cười, còn các chàng trai ưng cô gái nào thì giữ luôn quả pao. Tài khéo léo của người ném pao là không để cho pao rơi xuống đất. Họ ném đến khi nào thấy nhắm mắt lại cũng có thể bắt được quả pao của người kia ném sang.

Trong khi chơi, họ giao ước với nhau về số lần ném, số lần bắt được pao, nếu bên nào thua thì phải hát một bài hoặc làm một điều gì đó mà cả đội quy định. Các chàng trai người Mông thể hiện sự mạnh mẽ của mình qua cách thổi khèn và trò đánh quay. Qua quả pao, nam nữ hiểu ý tình của nhau và rồi nên duyên từ đó. Vợ chồng anh Lý A Hờ, bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha là một minh chứng, anh tâm sự: “Nhà mình ở ngay thửa ruộng “điểm hẹn ném pao” của nhân dân trong bản. Mình được chứng kiến nhiều cặp nam, nữ đã thành vợ thành chồng từ trò chơi này và chính mình cũng tìm được vợ nhờ ném pao.

Thời gian này, không chỉ ở bản Cung 11 của xã Mồ Dề hay bản Dề Thàng của xã Chế Cu Nha mà ở hầu hết 116 thôn bản của 13 xã trong huyện Mù Cang Chải, trò chơi ném Pao đang được diễn ra hân hoan, sôi nổi. Không phải đợi có chính quyền địa phương đứng ra tổ chức mà đã thành thông lệ cứ từ Mồng 2 tết trở đi là những các chàng trai, cô gái người Mông lại cùng nhau đến “điểm hẹn ném pao”. Quả pao được tung qua, ném lại, rộn ràng giữa không trung, như những chàng trai, cô gái dập dìu bên nhau không muốn rời xa.

  Hoàng Yên

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục