Y tế thôn, bản - những “cánh tay nối dài”

Bài 2: Trăn trở trước những khó khăn

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/7/2016 | 10:18:51 AM

YBĐT - Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bắt đầu từ y tế cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế. Tuy nhiên, mục tiêu này đang gặp rất nhiều khó khăn bởi công việc vất vả, mất nhiều thời gian, nhưng mức thù lao cho họ lại chưa tương xứng.

Cán bộ y tế xã Phú Thịnh (Yên Bình) triển khai nhiệm vụ cho nhân viên y tế thôn, bản.
Cán bộ y tế xã Phú Thịnh (Yên Bình) triển khai nhiệm vụ cho nhân viên y tế thôn, bản.

>> Bài 1: Vì tình nghĩa xóm làng

Thực tế cho thấy, cống hiến và thời gian nhân viên y tế thôn, bản (NVYTTB) dành cho công việc cũng không phải là ít, thế nhưng thu nhập của NVYTTB rất thấp. Phụ cấp chi trả cho NVYTTB được thực hiện theo Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009của Thủ tướng Chính phủ quy định rõ: NVYTTB tại các xã vùng khó khăn theo Quyết định số 1049/2007/QĐ-TTg ngày 26/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn mức 0,5 tương đương 575 nghìn đồng/tháng; mức 0,3 bằng 345 nghìn đồng/tháng áp dụng đối với NVYTTB tại các xã còn lại. Với số tiền chế độ ấy dường như chỉ đủ để đổ xăng xe đi lại trong các đợt truyền thông. Đáng nói hơn là những NVYTTB lại không được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hương - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quang Minh (Văn Yên) cho biết: "Nhiệm vụ của NVYTTB rất vất vả, mà chế độ lại quá thấp so với công việc. Về góc độ Trạm trưởng, quản lý các đồng chí nhiều lúc chúng tôi rất trăn trở nhưng không làm khác được, nhiều khi tôi cùng anh em ở Trạm cũng chỉ động viên anh em bằng tinh thần. Hơn thế, vất vả nhất là khi có dịch bệnh, đây là lực lượng trực tiếp tiếp xúc, điều tra ổ dịch và tham gia vào công tác phòng dịch. Tuy nhiên, khoản phụ cấp mà NVYTTB nhận được vẫn chưa tương xứng với công sức và sự nỗ lực của họ”.

Nhờ công tác tuyên truyền đến tận thôn, bản, người dân đã chú trọng chăm sóc sức khỏe cho trẻ em.

Hiện tại, đối với tỉnh Yên Bái đang chi trả phụ cấp mức 0,3 và 0,5 hệ số mức lương cơ bản được quy định theo từng vùng. Ngoài ra, với NVYTTB kiêm cộng tác viên dinh dưỡng, dân số, được phụ cấp thêm từ 50.000 đồng/tháng trở lên. Mỗi NVYTTB được trang bị các thiết bị, dụng cụ y tế theo danh mục do Bộ Y tế quy định (tuy nhiên, trong quá trình sử dụng túi hỏng, vật tư trong túi hết hoặc quá hạn sử dụng không được cấp bổ sung, nên hiện nay một số NVYTTB hoạt động không có túi thuốc).

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn toàn tỉnh, phần lớn NVYTTB đều có trình độ từ trung học cơ sở trở lên và khoảng 95% được đào tạo về nghiệp vụ chuyên môn từ 3 tháng trở lên, riêng hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải được đào tạo 100%.

Bác sỹ Chuyên khoa II Lê Đình Tiến - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Yên cho biết: "Trên địa bàn huyện có 319 NVYTTB được đào tạo với trình độ chuyên môn sơ cấp. Chúng tôi cũng nhiều lần đề xuất, kiến nghị để tăng thêm phụ cấp cho họ nhưng do nguồn kinh phí hạn chế. Tuy nhiên, không vì thế mà họ nản lòng. Ngược lại, càng khó khăn họ lại càng tận tâm hơn với công việc của mình, góp phần quan trọng trong triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế trên địa bàn như: phòng chống sốt rét, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em… Đội ngũ này chính là "cánh tay nối dài” để ngành y tế hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân của mình”.

Còn theo đồng chí Trần Hữu Khiêm - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trấn Yên: "Phải khẳng định rằng, lực lượng y tế thôn, bản đã làm tốt vai trò của mình. Chúng tôi cũng nhận được báo cáo từ các trạm y tế xã một số NVYTTB xin thôi không làm công tác này vì phụ cấp thấp, hoàn cảnh gia đình còn khó khăn nên phải tìm việc làm thêm để trang trải cuộc sống. Ban Giám đốc đã tiếp thu và đã có kiến nghị lên cấp trên xem xét hỗ trợ thêm”.

Khó khăn là vậy, nhưng trong những năm qua, đội ngũ NVYTTB trên địa bàn tỉnh đã làm tốt nhiệm vụ của mình. Không những tâm huyết, nhiệt tình với trách nhiệm được giao, NVYTTB còn tham gia vào hầu hết các hoạt động trong cộng đồng thôn, bản mình sinh sống, nhiều NVYTTB cùng trưởng bản đã trở thành những người có uy tín được bà con tin tưởng, nghe theo. Bằng những điều mình nói, bằng những việc mình làm, NVYTTB đã góp phần nâng cao nhận thức của bà con nhân dân trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Nhờ đó, toàn tỉnh có 89,92% phụ nữ mang thai trên địa bàn được quản lý thai nghén, khám thai ít nhất ba lần trở lên; tỷ lệ tiêm chủng mở rộng ba năm trở lại đây đều đạt cao trên 98%, hàng năm, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng đều giảm, năm 2015, giảm còn 19%, các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế như: phòng chống sốt rét, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống các dịch bệnh lây lan nguy hiểm (cúm, lao, HIV/AIDS), chăm sóc bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng, xây dựng làng văn hóa - sức khỏe, xã chuẩn quốc gia về y tế do có sự tham gia hiệu quả của đội ngũ NVYTTB nên đều đạt kết quả cao, tình hình dịch bệnh trên địa bàn được khống chế.

Không chỉ vậy, đội ngũ NVYTTB ở vùng cao là những người am hiểu phong tục tập quán, thói quen lối sống của đồng bào đã có nhiều đóng góp vào việc thay đổi tích cực những thói quen, phong tục tập quán lạc hậu như: tự đỡ đẻ tại nhà, không cho trẻ trong độ tuổi đi tiêm chủng, ngủ không nằm màn, nuôi gia súc, gia cầm dưới gầm sàn… Nhờ đó, tình hình dịch bệnh tại địa phương được giám sát, phát hiện kịp thời, các chương trình y tế đạt hiệu quả.

Để đội ngũ NVYTTB phát huy hiệu quả hơn nữa, ông Nguyễn Văn Tuyến - Giám đốc Sở Y tế rất trăn trở: "Công việc vất vả, tốn nhiều thời gian nhưng chế độ phụ cấp chưa tương xứng, đây cũng là lý do khiến những năm gần đây, nhiều cộng tác viên y tế thôn, bản không còn mặn mà với công việc. Do đó, ngành sẽ tiếp thu những ý kiến từ cơ sở. Từ đó, phối hợp với chính quyền địa phương huy động sự đóng góp từ cộng đồng hỗ trợ thêm kinh phí hoạt động, có thể miễn, giảm một số đóng góp xã hội nhằm khuyến khích, động viên NVYTTB tham gia hoạt động; phối hợp lồng ghép của các chương trình, dự án để hỗ trợ kinh phí hoạt động cho đội ngũ NVYTTB. Mặt khác, tổ chức các đợt tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho các NVYTTB; từng bước trẻ hóa đội ngũ NVYTTB và đào tạo nâng cao trình độ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hỗ trợ giúp cho NVYTTB thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ. Ngành sẽ chỉ đạo các đơn vị y tế có kế hoạch cung cấp mới hoặc bổ sung các trang thiết bị y tế thiết yếu, tài liệu truyền thông giúp các NVYTTB thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, chăm sóc sức khỏe ban đầu ở cộng đồng dân cư”.

Trần Minh

Các tin khác
Nhân viên y tế thôn Sài Dưới, xã Trung Tâm (Lục Yên) tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình.

YBĐT - Không làm việc trong các cơ sở y tế, cũng chẳng có áo blouse trắng, thế nhưng họ luôn hoàn thành nhiệm vụ của một người thầy thuốc thực thụ - đó là nhân viên y tế thôn, bản (NVYTTB). Đối với họ, việc trở thành NVYTTB phục vụ người dân không còn là trách nhiệm mà chính là tình nghĩa xóm làng.

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ (PGS.TS) Trần Đáng – nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, chất natri hydrosulfit tìm thấy trong mẫu riềng xay có hàm lượng gấp 34 lần so với quy định cho phép.

YBĐT - Để vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ không còn là mối lo với mọi người dân, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng thì lương tâm và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh chính là điều kiện tiên quyết, là cái gốc để loại bỏ thực phẩm bẩn, mang lại cuộc sống an toàn và khỏe mạnh cho mỗi người tiêu dùng.

Danh từ thực phẩm "bẩn" không biết đã được tạo ra từ lúc nào nhưng nó đang cuốn cả xã hội vào một luồng cảm xúc đầy tiêu cực. Để chống lại thứ gì, đầu tiên ta phải gọi được tên nó. Một báo trên internet đã đặt vấn đề như vậy. Dưới đây là cách đặt vấn đề của VTV đúng vào ngày 1/4.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục