Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn thống kê từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết tính đến 13 giờ 48 phút ngày 19-2, tổng số ca tử vong trên toàn thế giới vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19) là 2.010 và tổng số ca nhiễm là 75.196. Có 14.451 ca nhiễm được chữa khỏi.
Tại Trung Quốc ghi nhận 2.004 ca tử vong và 74.185 ca nhiễm. Sáng 19-2, đặc khu Hong Kong xác nhận ca tử vong thứ hai vì virus COVID-19, nâng tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục lên 6 ca. 5 ca tử vong trước đó được ghi nhận ở Philippines, đặc khu Hong Kong, Nhật Bản, Pháp và vùng lãnh thổ Đài Loan.
Tại Việt Nam vẫn ghi nhận tổng số 16 trường hợp bệnh COVID-19, trong đó có 14 trường hợp đã chữa khỏi và chín trường hợp đã xuất viện.
"Nga tạm thời cấm nhập cảnh đối với toàn bộ công dân Trung Quốc từ ngày 20-2 với các mục đích công tác, du học, du lịch và lý do cá nhân" - hãng Reuters dẫn lời Phó Thủ tướng Nga phụ trách vấn đề y tế Tatiana Golikova cho biết.
Theo bà Golikova, quyết định này là bởi "tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc diễn biến phức tạp và một thực tế là công dân Trung Quốc tiếp tục vào Nga".
Nga hiện không ghi nhận ca nhiễm virus COVID-19 nào trên lãnh thổ. Hai công dân Trung Quốc nhiễm bệnh được cách ly ở khu vực Tyumen và Transbaikalia thuộc Nga đã hồi phục và xuất viện.
Tuy nhiên, một người đàn ông Nga đã nhập viện ở Nhật Bản sau khi có triệu chứng sốt. Người này là hành khách trên du thuyền Diamond Princess - con tàu bị cách ly tại cảng Yokohama (Nhật Bản) từ hôm 3-2 vì nhiễm virus COVID-19.
WHO ghi nhận 92 ca lây nhiễm từ người sang người bên ngoài Trung Quốc
Ngày 18-2, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố đã phát hiện 92 ca lây nhiễm virus Corona chủng mới từ người sang người tại 12 quốc gia bên ngoài Trung Quốc, song WHO không có dữ liệu để so sánh với Trung Quốc.
Theo ông Ghebreyesus, WHO vẫn chưa thấy một sự lây truyền cục bộ liên tục, ngoại trừ một vài trường hợp cụ thể như ở trên du thuyền Diamond Princess đang bị cách ly ở Nhật Bản.
Cựu chiến binh tham gia chống virus COVID-19
Theo SCMP, hàng chục ngàn cựu chiến binh Trung Quốc đã được triển khai để giúp chống dịch bệnh COVID-19, trang tin Beijing Daily cho biết ngày 19-2. Nhiều quân nhân đã nghỉ hưu tình nguyện làm việc tại thủ đô Bắc Kinh, trong khi một số cựu binh khác làm việc ở tuyến đầu tại Vũ Hán và tỉnh lân cận.
Một bức thư do những cựu binh được Beijing Daily công bố có đoạn: "Ngay cả khi bạn không đang mặc quân phục, bạn vẫn là một người lính. Nếu có chiến tranh, tôi sẽ tiếp tục sứ mệnh”.
Zhang Yajun, một binh sĩ đã xuất ngũ, hằng ngày làm tình nguyện ở bệnh viện Tongji tại Vũ Hán từ ngày 9-2. Đầu tháng này, ông Tian Jun (54 tuổi) cùng hai phi công khác đã về hưu giao thuốc men và đồ bảo hộ bằng trực thăng ở Hồ Bắc.
Thêm nhiều y bác sĩ Trung Quốc nhiễm virus COVID-19
Theo SCMP, giới chức Trung Quốc ghi nhận thêm 1.303 nhân viên y tế được xác định hoặc nghi nhiễm virus COVID-19, gây lo ngại về sức khỏe của y bác sĩ.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc hôm 17-2 cho biết tính đến ngày 11-2, có hơn 3.000 y bác sĩ được báo cáo mắc bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm virus COVID-19.
Con số này cao hơn đáng kể so với số liệu được Phó Chủ tịch Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc Zeng Yixin công bố trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 14-2. Theo ông Zeng, 1.716 nhân viên y tế đã nhiễm virus COVID-19 hoặc có triệu chứng nhiễm, trong đó 6 người đã tử vong.
Vài giờ sau khi số liệu mới được công bố, giới chức thông báo bác sĩ Lưu Trí Minh, Giám đốc Bệnh viện Vũ Xương tại Vũ Hán, đã qua đời ở tuổi 50 do nhiễm COVID-19.
Ông Lưu là nhân viên y tế thứ hai tại Bệnh viện Vũ Xương qua đời vì COVID-19 trong vòng một tuần, sau khi y tá 59 tuổi Liu Fan tử vong hôm 14-2. Trước đó, ông Lý Văn Lượng, bác sĩ nhãn khoa tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, tử vong làm dấy lên lo ngại về tình trạng lây nhiễm giữa các nhân viên y tế. BS Lý là một trong những người đầu tiên cảnh báo về dịch COVID-19.
(Theo VOV)