Số liệu do Cơ quan phòng vệ dân sự Italy cung cấp cuối ngày 17/3 cho thấy, Italy ghi nhận thêm 345 ca tử vong và 3.526 ca mắc Covid-19, nâng tổng số các nạn nhân tại nước này từ đầu dịch lên 2.503 người thiệt mạng và 31.506 ca nhiễm.
Tuy số ca nhiễm mới đã tăng đáng kể so với ngày thứ 16/3, nhưng số nạn nhân thiệt mạng giảm đi, đồng thời đã có thêm 192 bệnh nhân hồi phục, giúp các nhà chức trách Italy có một hy vọng thận trọng về việc dịch Covid-19 tại nước này đang dần vượt qua đỉnh.
Một tin tức đáng khích lệ khác cho Italy là trong ngày 17/3, các bệnh viện tại tất cả các vùng dịch ở nước này đã nhận thêm các đồ bảo hộ. Tính đến nay, Italy đã cung cấp 1,4 triệu khẩu trang, 2,25 triệu găng tay cùng 50.000 kính bảo vệ để trang bị cho các y bác sỹ.
Tuy nhiên, nhận định về diễn biến sắp tới, Giám đốc Cơ quan phòng vệ dân sự Italy, Angelo Borrelli cho rằng, vẫn còn quá sớm để đưa ra đánh giá tổng quát bởi Italy cần hết sức cảnh giác trước khả năng trong những ngày tới dịch lan xuống các tỉnh miền Nam Italy vốn có hạ tầng y tế yếu kém hơn.
Trong một động thái có liên quan, chính phủ Italy cho biết sẽ chi ra 600 triệu Euro để quốc hữu hoá hãng hàng không Alitalia, trước đây vốn là hãng hàng không quốc gia của nước này. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho rằng, trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng như hiện nay, nhà nước Italy cần phải nắm giữ một số tập đoàn trọng điểm.
Trong lúc đó tại Tây Ban Nha, nước chịu ảnh hưởng lớn thứ hai của dịch Covid-19 tại châu Âu, tổn thất nhân mạng vẫn đang gia tăng rất nhanh.
Trong ngày 17/3, Tây Ban Nha ghi nhận thêm 183 ca tử vong, tăng 53% so ngày hôm trước, cùng hơn 2.000 ca nhiễm mới. Tổng cộng nước này hiện có 11.681 ca mắc Covid-19 và 524 bệnh nhân thiệt mạng từ khi dịch bùng phát.
Giới chức y tế Tây Ban Nha thừa nhận, do thiếu vắng các thiết bị xét nghiệm, số ca nhiễm bệnh trên thực tế tại Tây Ban Nha có thể cao gấp nhiều lần. Một điều đáng lo ngại khác là tỷ lệ tử vong tại một số vùng tâm dịch tại Tây Ban Nha, như thủ đô Madrid, thậm chí còn cao hơn vùng Lombardy của Italia, ở mức lên tới 7%.
Nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng được cho là nghiêm trọng nhất tại Tây Ban Nha trong hơn nửa thế kỷ qua, ngày 17/3, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã công bố gói cứu trợ kinh tế lớn nhất trong lịch sử nước này là 200 tỷ Euro, tương đương 20% GDP của Tây Ban Nha.
Gói cứu trợ này bao gồm các khoản cho vay, các khoản bảo lãnh tín dụng cũng như trợ cấp trực tiếp cho các doanh nghiệp và người lao động. Chính phủ Tây Ban Nha sẽ chi ra 117 tỷ Euro, phần còn lại sẽ do các doanh nghiệp tư nhân đóng góp.
(Theo VOV)