Lệnh phong tỏa toàn quốc và đóng cửa biên giới chính thức có hiệu lực tại Malaysia từ hôm nay (ngày 18-3) và kéo dài đến ngày 31-3 trong nỗ lực ngăn chặn sự gia tăng của số ca bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19).
Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin kêu gọi mọi người tuân thủ mệnh lệnh quyết liệt này, đồng thời cho hay hội đồng an ninh quốc gia sẽ họp hằng ngày để theo dõi tình hình. Nhà lãnh đạo này cũng bảo đảm nguồn cung thực phẩm và thiết bị y tế bao gồm khẩu trang sẽ đủ đáp ứng cho người dân.
Những biện pháp được thực thi gồm hạn chế đi lại, cấm tụ tập đông người, trong đó có các sự kiện tôn giáo, thể thao, xã hội và văn hóa. Tất cả doanh nghiệp sẽ đóng cửa, ngoại trừ siêu thị, chợ và cửa hàng tiện lợi. Các buổi cầu nguyện trong ngày thứ sáu của người Hồi giáo cũng tạm dừng. Tất cả người dân Malaysia sẽ bị cấm ra nước ngoài. Đối với những người trở về từ nước ngoài, họ phải trải qua một cuộc kiểm tra sức khỏe và tự cách ly trong 14 ngày. Công dân và du khách nước ngoài cũng bị cấm nhập cảnh Malaysia.
Malaysia có động thái trên sau khi số ca mắc Covd-19 tăng vọt lên 673 trong lúc có 2 trường hợp tử vong. Theo hãng tin Reuters, ít nhất 338 ca nhiễm trong số này có liên quan đến một sự kiện tôn giáo ở thủ đô Kuala Lumpur từ ngày 27-2 đến ngày 1-3. Sự kiện này diễn ra tại thánh đường Hồi giáo Masjid Jamek Sri Petaling, thu hút khoảng 16.000 người tham dự đến từ nhiều quốc gia
Sự kiện này bị xem là có liên quan đến một số ca nhiễm ở Singapore, Brunei và mới nhất là Campuchia. Bộ Y tế Campuchia hôm 17-3 thông báo số ca nhiễm Covid-19 tại nước này đã tăng thêm 12 lên 24. Trong số 12 ca nhiễm mới, 11 trường hợp đã đến Malaysia tham dự sự kiện Hồi giáo nói trên. Hai người khác cũng từng đến sự kiện này đã cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 khi về nước vào cuối tuần rồi.
Singapore là quốc gia đối mặt nhiều thách thức sau lệnh đóng cửa biên giới của Malaysia. Ước tính, khoảng 400.000 người Malaysia làm việc, học tập tại Singapore nhập cảnh nước này mỗi ngày. Ông Chua Hak Bin, nhà kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Maybank ở Singapore, nhận định với trang Bloomberg rằng lệnh nói trên tác động đến gần 10% lực lượng lao động tại Singapore, từ đó làm tổn thương ngành công nghiệp sản xuất và dịch vụ tại đảo quốc sư tử.
Singapore hiện đối mặt nguy cơ suy thoái kinh tế do sự gián đoạn về thương mại và du lịch liên quan đến dịch Covid-19. Maybank ước tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Singapore giảm 0,3% trong năm 2020 nhưng mức giảm có thể còn tăng nếu lệnh phong tỏa tại Malaysia giáng đòn mạnh hơn lên nền kinh tế Singapore, nơi ghi nhận 243 ca Covid-19 cho đến giờ.
Cũng đối mặt mối đe dọa ngày càng tăng từ Covid-19, nhà chức trách Philippines hôm 17-3 quyết định dừng hoạt động giao dịch trái phiếu, chứng khoán và tiền tệ cho đến khi có thông báo mới. Đây là quốc gia đầu tiên đóng cửa các thị trường tài chính nhằm đối phó dịch bệnh.
Trước đó 1 ngày, Philippines đã áp đặt các biện pháp cách ly tại nhà chặt chẽ trên đảo Luzon, nơi chiếm nửa dân số cả nước và có thủ đô Manila. Ngoài ra, các mạng lưới giao thông tạm ngừng hoạt động trong lúc doanh nghiệp bị yêu cầu đóng cửa hoặc cho nhân viên làm việc tại nhà. Số ca nhiễm ở Philippines đã tăng lên 187 người và ít nhất 12 trường hợp tử vong tính đến ngày 17-3.
Thái Lan hoãn lễ hội té nước Songkran
Bộ Y tế Thái Lan hôm 17-3 cho biết nước này ghi nhận 30 ca nhiễm Covid-19 mới (nâng tổng số ca lên 177). Đối mặt tình trạng lây lan của dịch bệnh đã khiến ít nhất 1 người tử vong cho đến giờ, chính quyền Thủ tướng Prayut Chan-o-cha quyết định hoãn lễ hội té nước Songkran và đóng cửa các trường học trong hai tuần, tính từ ngày 18-3. Theo báo The Straits Times, ông Prayut Chan-o-cha đánh giá tình hình dịch bệnh đang có xu hướng lan rộng và những biện pháp hạn chế này sẽ giúp ngăn virus SARS-CoV-2 lây lan từ Bangkok sang các tỉnh khác.
(Theo NLĐO)