Ngày 31/3, nhiều nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục thông báo các ca tử vong và mắc bệnh mới.
Myanmar đã xác nhận ca tử vong đầu tiên do COVID-19 và 14 ca mắc bệnh cho đến nay, chủ yếu là người từ nước ngoài trở về.
Campuchia ghi nhận thêm hai ca mắc bệnh mới, nâng tổng số ca mắc bệnh ở nước này lên 109 ca trong khi New Zealand ghi nhận thêm 48 ca, nâng tổng số ca mắc bệnh và nghi mắc bệnh tại nước này lên 647 ca. Số ca tử vong tại Ấn Độ đến nay là 32 trong khi số ca mắc bệnh là 1.251.
Trong khi đó, Indonesia tính đến ngày 30/3 đã ghi nhận tổng cộng 1.414 ca mắc COVID-19, trong đó có 122 ca tử vong.
Ngày 31/3, Nhật Bản đã nâng cảnh báo đi lại lên cấp độ 3 đối với khoảng 50 nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, đồng thời cảnh báo công dân không tới những nước này do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục lan rộng.
Trong số những nước nằm trong diện bị cảnh báo này có 21 nước ở châu Âu, 9 nước ở Trung Đông và châu Phi, 7 nước ở Đông Nam Á và 6 nước ở Nam Mỹ.
Mức độ cảnh báo này vẫn thấp hơn so với mức độ cao nhất của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, theo đó hối thúc công dân "sơ tán ngay lập tức" khỏi các nước hoặc khu vực trong danh sách cảnh báo và tránh mọi hoạt động di chuyển, bất kể vì mục đích gì.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimisu Motegi nêu rõ: "Dịch bệnh trên toàn cầu đang lây lan với tốc độ nhanh hơn và chúng tôi quan ngại sâu sắc về sự an toàn của công dân nước mình."
Theo Bộ trưởng Motegi, lý do khiến nước này nâng cảnh báo đi lại lên cấp độ 3 là do các nước này đóng cửa biên giới và yêu cầu người dân ở trong nhà không đi ra ngoài.
Cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã yêu cầu các cơ quan chức năng của nước này thực hiện nghiêm các quy định xử lý những trường hợp cố tình vi phạm lệnh cách ly.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, mệnh lệnh này được Tổng thống Moon Jae-in đưa ra chỉ một ngày trước khi yêu cầu cách ly bắt buộc 14 ngày đối với tất cả những người nhập cảnh, không có ngoại lệ, nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 ra lây lan chính thức có hiệu lực thi hành kể từ 0h ngày 1/4 tới.
Liên quan đến thời gian tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2020-2021, Tổng thống Moon Jae-in cho rằng hiện khó có thể lùi lịch khai giảng thêm một lần nữa. Vì vậy, chính phủ đã quyết định sẽ tổ chức giảng dạy trực tuyến đối với tất cả các bậc học trên toàn quốc bắt đầu từ ngày 9/4 tới.
Trong một diễn biến liên quan, Chính phủ Hàn Quốc cũng khẳng định không có kế hoạch áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với hành khách đến từ nước ngoài bất chấp tỷ lệ người nước ngoài nhập cảnh nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có chiều hướng ngày càng tăng cao trong những ngày gần đây.
Phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra sáng cùng ngày ở thành phố hành chính Sejong, Thứ trưởng Bộ Y tế và phúc lợi Hàn Quốc kiêm Điều phối viên Ủy ban Phòng chống tai nạn và quản lý an toàn trung ương Kim Gang-lip nói rằng "90% số người nhập cảnh thời gian gần đây là công dân của Hàn Quốc. Tôi khẳng định rằng chính phủ cũng như Bộ Tư pháp không có kế hoạch ban hành lệnh cấm nhập cảnh ở thời điểm hiện nay.”
Còn tại Philippines, tối 30/3, Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố sẽ triển khai một gói cứu trợ xã hội trị giá 200 tỷ peso (khoảng 3,94 tỷ USD) cho những hộ gia đình thu nhập thấp và hỗ trợ các lĩnh vực ngành nghề khác bị ảnh hưởng nặng nề do các biện pháp cách ly nghiêm ngặt nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19.
Theo ông, đây là gói cứu trợ "bảo vệ xã hội lớn nhất và trên diện rộng nhất trong lịch sử Phillipines.”
Những biện pháp hỗ trợ khẩn cấp nói trên sẽ được triển khai trong vòng 2 tháng và áp dụng đối với những cá nhân, đối tượng thu nhập thấp dựa trên mức lương tối thiểu khu vực.
Tổng thống Duterte đã ra lệnh phong tỏa toàn bộ khu vực Luzon từ ngày 17/3-13/4 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Do lệnh phong tỏa, phần lớn trong tổng số khoảng 57 triệu người dân khu vực Luzon bắt buộc phải ở trong nhà, trong đó có nhiều người lao động tự do buộc phải dựa vào trợ cấp của chính phủ.
Ngoài ra, Tổng thống Duterte cũng khẳng định sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm đối phó với tác động của dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi các tổ chức tư nhân và cá nhân hỗ trợ, giúp đỡ những người bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch này.
New Zealand thông báo sẽ kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia thêm 7 ngày nữa nhằm đảm bảo cho nước này có tất cả nguồn lực, sự ủng hộ và quyền lực cần thiết để ngăn ngừa sự lây lan của dịch COVID-19.
Tuyên bố ban đầu về tình trạng khẩn cấp quốc gia kéo dài 7 ngày, bắt đầu từ hôm 25/3 và có thể được gia hạn nhiều lần nếu cần thiết.
Ngày 30/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi 12 triệu người dân thủ đô Moskva tuân thủ "lệnh phong tỏa nghiêm ngặt" được áp đặt từ ngày 29/3, nêu rõ chính quyền nhiều địa phương trong cả nước cũng bắt đầu đưa ra các biện pháp tương tự nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.
Việc thực thi các quy định nghiêm ngặt, được Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin thông báo, trùng với thời điểm Tổng thống Putin tuyên bố bắt đầu "Tuần không làm việc." Ông Putin nói: "Tôi yêu cầu các bạn thực hiện các biện pháp bắt buộc nhưng hoàn toàn cần thiết này... rất nghiêm túc và hoàn toàn có trách nhiệm."
Từ ngày 30/3, thủ đô nước Nga sẽ áp dụng chế độ "tự cách ly" đối với công dân mọi lứa tuổi. Người dân chỉ có thể rời nhà trong trường hợp cấp cứu và những trường hợp trực tiếp đe dọa tới tính mạng và sức khỏe khác; đi làm bắt buộc; mua sắm tại cửa hàng hoặc hiệu thuốc gần nhất; đưa vật nuôi đi dạo cách nhà không quá 100m; và đổ rác.
Liên quan đến dịch COVID-19, ngày 30/3, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải đặt 39 khu vực dân cư tại 18 thành phố trong tình trạng cách ly nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Theo một thông báo của Bộ Nội vụ, tình trạng cách ly được áp đặt tại một thị trấn, 6 vùng lân cận, 32 ngôi làng.
Trong những biện pháp mới nhất nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19, Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông báo tạm dừng hoạt động các chuyến tàu hỏa liên thành phố và hạn chế các chuyến bay nội địa từ hôm 28/3.
Một ngày trước, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã quyết định kéo dài giai đoạn cách ly 14 ngày đối với những người trở về từ cuộc hành hương Umrah ở Saudi Arabia do một số người đã có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca thông báo số ca mắc COVID-19 tại nước này đang gia tăng nhanh. Hiện đã có tổng cộng 10.827 ca mắc, tăng 1.610 ca trong ngày 30/3, và 168 ca tử vong, tăng 37 ca. Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 162 ca phục hồi.
Tại Ba Lan, Tổng thống Andrzej Duda cho biết nước này sẽ cân nhắc việc hoãn cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào ngày 10/5 tới nếu các điều kiện về y tế và an toàn không được đảm bảo.
Liên minh dân tộc chủ nghĩa cầm quyền ở Ba Lan trước đó đã khẳng định rằng không cần thiết phải trì hoãn cuộc bầu cử bất chấp việc các ứng cử viên đối lập kêu gọi lùi ngày bỏ phiếu.
Tính đến nay, Ba Lan đã ghi nhận 1.984 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 26 ca tử vong.
(Theo Vietnam+)