Chiều 16/4, Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/4/2020 | 8:44:15 PM

Chiều ngày 16/4, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 mới, tức là cả ngày chỉ ghi nhận thêm 1 ca. Tổng số ca mắc COVID-19 hiện vẫn là 268 trường hợp.

Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc người mắc COVID-19.
Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc người mắc COVID-19.

Tính đến 18 giờ ngày 16/4, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19, vẫn giữ nguyên tổng số ca mắc COVID-19 là 268 trường hợp, trong đó 160 người từ nước ngoài chiếm 59,7%; 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 68.049 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện là 471 trường hợp; cách ly tập trung tại cơ sở khác là 11.413 trường hợp; cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 56.165 trường hợp.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong ngày 16/4 Việt Nam đã có thêm 5 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh: 2 bệnh nhân tại Bệnh viện số 2 tỉnh Quảng Ninh; 3 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam.

Trong số các đang điều trị, đã có 7 ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với virus SARS-CoV-2; 29 ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với virus SARS-CoV-2.

Theo Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 15/4 về phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo về việc phân loại nguy cơ dịch bệnh ở các địa phương để áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Cụ thể, nhóm địa phương có nguy cơ cao gồm 12 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, Tây Ninh. Các địa phương này tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 22/4 hoặc 30/4 và có thể xem xét kéo dài tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh trên địa bàn; đồng thời quan tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, xây dựng hạ tầng, bảo đảm lưu thông hàng hóa.

Nhóm địa phương có nguy cơ gồm 16 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Cần Thơ, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nam, Nam Định, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Hà Giang. Các địa phương này cần thực hiện nghiêm các biện pháp theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đến hết ngày 22/4/2020 và sẽ có điều chỉnh vào ngày 22/4 tùy diễn biến dịch bệnh.

Nhóm có nguy cơ thấp gồm 35 tỉnh còn lại. Yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện theo chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ.

Trên thế giới dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan, số người mắc bệnh và tử vong vẫn tăng cao hàng ngày. Trong nước vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan trong cộng đồng và bùng phát dịch bệnh trên diện rộng. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của Bộ, ngành, địa phương mình; huy động cả hệ thống chính trị, toàn đảng, toàn quân, toàn dân, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền; phát huy hiệu quả 4 tại chỗ bảo đảm hiệu quả công tác phòng, chống dịch.

Việt Nam tiếp tục quán triệt tinh thần "chống dịch như chống giặc”, không chủ quan, mất cảnh giác, bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân; kiên định các chiến lược đã đề ra: Ngăn chặn, phát hiện nhanh; cách ly, khoanh vùng, dập dịch triệt để và điều trị hiệu quả; có biện pháp thận trọng phù hợp để từng bước đưa nhịp sống trở lại bình thường, vừa bảo đảm các yêu cầu phòng chống dịch, vừa duy trì được sự liên tục của hoạt động kinh tế ở mức độ nhất định, chuẩn bị khởi động lại nền kinh tế trên cơ sở phòng, chống dịch thành công, bảo đảm sự ổn định căn bản, lâu dài về việc làm và an sinh xã hội.

Phòng chống dịch với mục tiêu bao trùm: Kiềm chế, kiểm soát tốc độ lây nhiễm ở mức thấp nhất, hạn chế các trường hợp tử vong, giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch với kinh tế - xã hội phù hợp với hoàn cảnh cụ thể để từng địa phương có thể linh hoạt thực hiện mục tiêu kép phòng chống dịch và phát triển kinh tế- xã hội; xây dựng các phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh trong tình hình dịch có thể kéo dài.

Chủ tịch UBND tỉnh quyết định cụ thể việc thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh

(Theo Tin tức)

Các tin khác

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo đánh giá về khả năng sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh ở các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm, địa phương có đường biên giới đường bộ.

Dung dịch rửa tay khô ABIBUS HANDRUB

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi sản phẩm Dung dịch rửa tay khô ABIBUS HANDRUB do Công ty TNHH dược mỹ phẩm Butter – C sản xuất do không đạt chất lượng.

3 bệnh nhân công bố khỏi bệnh tại Bênh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam. Ảnh do bệnh viện cung cấp.

3 bệnh nhân công bố khỏi bệnh tại Bênh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam. Ảnh do bệnh viện cung cấp.

Các đơn vị tham dự Hội nghị tập huấn trực tuyến tại điểm cầu Sở Y tế

Chiều 16/4, Sở Y tế Yên Bái tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến hướng dẫn tổ chức cách ly y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng hệ thống quản lý, giám sát bệnh COVID-19 tại các điểm cầu: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục