"Phi công người Anh - ca bệnh COVID-19 nặng nhất ở Việt Nam, người từng cận kề với cái chết - đã được xuất viện hôm 11.7 để trở về nhà. Trường hợp phi công Stephen Cameron, làm việc cho hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, đã trở thành một hiện tượng ở Việt Nam, nơi chính quyền thực thi chính sách xét nghiệm và cách ly nghiêm ngặt nên đã giữ được số ca bệnh ở mức thấp đến ấn tượng và không có ca tử vong” - hãng CBC News của Canada viết.
Hãng tin của Canada cho rằng, bệnh tình của Cameron và những nỗ lực cứu sống anh của các bác sĩ Việt Nam đã trở thành một biểu tượng thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19.
Nhập viện từ đầu tháng 3, Cameron đã có những thời điểm phổi chỉ còn 10% và rơi vào tình trạng nguy kịch. Rất nhiều người Việt Nam đã tình nguyện hiến phổi để cứu sống nam phi công. Như một phép màu, dưới sự chăm sóc 24/24 của các bác sĩ Việt Nam, Cameron dần dần hồi phục và đến tháng 6 anh không cần phải ghép phổi và thở máy nữa. CBC News viết, Việt Nam đã chi hơn 200.000 USD để điều trị cho Cameron, và các bác sĩ Việt Nam sẽ đi cùng bệnh nhân 91 trên chuyến bay đặc biệt trở về Anh.
Hãng tin Anh Reuters và tờ The Guardian của Anh cho biết, nam phi công, được báo giới Việt Nam gọi là "bệnh nhân 91” vì là người thứ 91 được xác nhận mắc COVID-19 ở Việt Nam, đang trên đường trở về nhà sau khi sống sót một cách kinh ngạc khi cơ hội sống có lúc chỉ còn 10%.
Tờ báo viết, chỉ mới 6 tuần trước, các bác sĩ Việt Nam nói rằng Cameron cần được ghép phổi, vậy mà sau gần 4 tháng nằm viện ở thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có 10 tuần dùng máy thở, người phi công đến từ Motherwell, Scotland, đã được xuất viện hôm 11.7 và bay về Anh vào đêm cùng ngày.
"Tôi choáng ngợp trước sự hào phóng của người dân Việt Nam, sự tận tâm và chuyên nghiệp của các bác sĩ, y tá làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Tôi cảm ơn tất cả mọi người vì những gì họ đã làm cho tôi. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì được về nhà. Nhưng cũng cảm thấy buồn khi phải tạm biệt những người mà tôi coi là bạn bè ở đây” - tờ The Guardian dẫn lời nam phi công nói khi rời Bệnh viện Chợ Rẫy.
Trong khi đó, tờ Daily Mail của Anh dẫn lời bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy nói: "Sự hồi phục của bệnh nhân giống như một chuyến bay dài. Nhưng ông ấy đã làm được. Các bác sĩ rất vui vì bệnh nhân đã bình phục hoàn toàn và được xuất viện”. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, nam phi công được trao giấy chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2, và được chứng nhận đủ sức khỏe để đi máy bay đường dài.
Tờ New York Times của Mỹ cũng dành bài viết lớn với tựa đề "Một phi công người Scotland trở thành biểu tượng của cuộc chiến chống virus của Việt Nam được xuất viện”. Được biết, đại diện Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) gửi thư chúc mừng Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị thành công cho bệnh nhân 91, và gửi kèm đường dẫn của bài báo đăng trên tờ The New York Times nói trên. "Giữa rất nhiều tin tức không vui về tình hình đại dịch, thật tuyệt vời khi thấy Bệnh viện Chợ Rẫy nhận được sự chú ý tích cực của báo chí quốc tế như vậy” - bức thư của đại diện CDC Mỹ viết.
Hãng tin AP và tờ The Washington Post của Mỹ dẫn lời ông Lưu Hoàng Minh, Phó Đoàn trưởng Đoàn bay 919, nơi phi công Cameron từng làm việc, nói: "Chúng tôi muốn làm cho anh ấy hạnh phúc, để anh ấy cảm thấy như trở về ngôi nhà thứ hai của mình trên máy bay. Đêm nay sẽ là một đêm dài, nhưng anh ấy sẽ có đồng nghiệp của mình trên chuyến bay. Anh ấy sẽ cảm thấy như là một phi công một lần nữa”.
Đêm 11.7, Cameron - từng là bệnh nhân COVID-19 nặng nhất - đã được sự hỗ trợ của nhân viên y tế và đội ngũ phục vụ mặt đất đưa lên máy bay Boeing 787-10 Dreamliner để về nước. AP viết, đây là dòng máy bay mà Cameron đã bay. Nam phi công người Anh ngồi khoang hạng thương gia và có 3 ghế đồng hạng cho bác sĩ đi cùng.
(Theo Lao Động)