Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng cho biết, khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên mang số 416 sau 99 ngày không có ca mới trong cộng đồng, TP. Đà Nẵng và Bộ Y tế đã có nhiều biện pháp ngăn chặn sự lây lan. Đà Nẵng đã chủ động bao vây, khoanh ổ dịch. Ngành y tế tăng cường cán bộ trực tiếp vào Đà Nẵng. Quân khu 5 đã huy động bộ đội hóa học khử trùng nơi có bệnh nhân dương tính. Đà Nẵng đã chủ động giãn cách một bước như không tập trung trên 30 người, khuyến cáo làm thủ tục để khách rời Đà Nẵng. Tối qua, các hãng hàng không đã tăng cường hàng chục chuyến để đưa hành khách rời Thành phố.
Tuy nhiên, tình hình ngày càng phức tạp. Thủ tướng nêu rõ, tại cuộc họp hôm nay, chúng ta tiếp tục chỉ đạo đề cao cảnh giác và có biện pháp mạnh mẽ để không bị bất ngờ xảy ra về dịch COVID-19 ở Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh, không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng ở Đà Nẵng và các địa phương khác. Nếu không có thái độ dứt khoát thì thất bại trong công cuộc này. Do đó, cuộc họp sẽ quyết định những biện pháp mạnh, đồng bộ để xử lý tình hình.
Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp.
Báo cáo tại cuộc họp, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện chưa có đủ bằng chứng là 4 ca nhiễm vừa công bố ở Đà Nẵng có cùng nguồn lây, có thể dịch đến từ nhiều nguồn và khởi phát của ổ dịch bắt đầu từ cộng đồng. Chủng virus ở bệnh nhân Đà Nẵng là chủng mới so với các chủng đã tồn tại ở Việt Nam, là chủng xâm nhập từ bên ngoài. Ông Nguyễn Thanh Long cho rằng, dịch có thể bắt đầu từ đầu tháng 7 và cho đến nay, Đà Nẵng đã trải qua 4 chu kỳ lây nhiễm và có thể còn nhiều trường hợp lây nhiễm nữa.
Ông nhận định, dịch khả năng diễn biến phức tạp, có thể lan ra các địa phương khác. Hiện Bộ Y tế đã cử 4 đội cán bộ tinh nhuệ nhất vào Đà Nẵng để hỗ trợ phòng chống dịch.
Thủ tướng yêu cầu không chỉ xét nghiệm diện rộng trên địa bàn Đà Nẵng, mà những ai mới ra khỏi Đà Nẵng tuần qua đều phải xét nghiệm, cách ly tại nhà.
"Không chỉ ở Đà Nẵng mà các các thành phố lớn cần áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa kịp thời. Chúng ta phải dứt khoát, không được thất bại trong công cuộc này", Thủ tướng yêu cầu.
Đà Nẵng có thêm 12 ca nghi nhiễm COVID-19
Hội nghị tại điểm cầu Đà Nẵng
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện Đà Nẵng có thêm 12 ca nghi nhiễm đang được cách ly, theo dõi. Hiện đang tiến hành điều tra, chờ kết quả xét nghiệm để tiếp tục công bố. Hiện Bộ Y tế xác định một số ổ dịch tại Đà Nẵng là Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình. Những bệnh viên này tương tự như trường hợp Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội.
"Cần cách ly phong toả toàn bộ khu vực 3 bệnh viện gồm bệnh viện C, bệnh viện Đà Nẵng, bệnh viện Chấn thương chỉnh hình ngay lập tức", ông Long kiến nghị. Đồng thời, ông Long đề nghị Đà Nẵng truy tìm các nguồn lây từ cộng đồng, nghi ngờ khu vực Ngũ Hành Sơn và Liên Chiểu. Tất cả nhân viên khách sạn tại 2 quận này phải lấy mẫu xét nghiệm.
Riêng các công dân rời Đà Nẵng từ 1/7 đều phải khai báo y tế cho chính quyền địa phương, không phải cách ly tập trung. Riêng những người từng đến 3 bệnh viện kể trên phải cách ly tại nhà
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: Tại các bệnh viên có tình trạng lây nhiễm; các ca lây nhiễm có mức độc lập tương đối, chưa có điểm chung. Đáng lo ngại nhất là đang có tình trạng lây nhiễm trong đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế.
"Trong cộng đồng có nhiều trường hợp mang mầm bệnh chưa phát hiện", ông Thơ cho biết.
Theo ông Thơ, Đà Nẵng phải thực hiện cách ly xã hội, áp dụng biện pháp theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; mọi người dân thành phố phải thực hiện cách ly tại nhà, chỉ được ra khỏi nhà khi có việc cần thiết.
"Hiện nay, cơ quan chức năng thành phố đang tập trung rà soát cách ly các trường hợp F1 và F2. Hiện tại, các bệnh viện đã có đến 7-8 nghìn người là F1 và F2. Mở rộng điều tra con số này có thể lên đến 10 nghìn người", ông Thơ cho biết.
(Theo VGP)