Thủ tướng yêu cầu sẵn sàng mọi phương án đáp ứng các tình huống dịch bệnh

  • Cập nhật: Thứ ba, 4/8/2020 | 9:26:29 AM

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với các địa phương về phòng, chống dịch COVID-19 chiều tối qua.

Thủ tướng kết luận cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các tỉnh, thành phố trên toàn quốc về phòng chống dịch COVID-19.
Thủ tướng kết luận cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các tỉnh, thành phố trên toàn quốc về phòng chống dịch COVID-19.

Kết luận của Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đã bước vào giai đoạn 2 phòng, chống dịch COVID-19. Dịch bệnh đang có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng tại nhiều địa phương, trong đó có các đô thị lớn, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm quan điểm "chống dịch như chống giặc", tuyệt đối không lơ là, chủ quan, hoang mang, dao động.

Khởi động, kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch tại các địa phương, chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án đáp ứng các tình huống dịch bệnh, không để bị động, quyết tâm ngăn chặn thành công đợt dịch này theo phương châm thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực và bằng mọi giải pháp xử lý triệt để "ổ dịch", các khu vực nguy cơ cao tại Thành phố Đà Nẵng; tranh thủ từng giờ, từng phút để truy vết phát hiện các trường hợp nghi nhiễm, có nguy cơ lây nhiễm.

Thủ tướng yêu cầu áp dụng các biện pháp cách ly phù hợp, giám sát y tế, xét nghiệm trên diện rộng đối với tất cả các trường hợp tiếp xúc với người mắc bệnh, nghi ngờ lây nhiễm và các trường hợp từng đến Thành phố Đà Nẵng từ ngày 1/7 đến nay đã trở về địa phương, trước hết là các trường hợp đã từng đến "ổ dịch", các khu vực đã bị phong tỏa, cách ly tại Thành phố Đà Nẵng.

Bằng nhiều biện pháp phù hợp kêu gọi người dân chủ động khai báo y tế, theo dõi tình hình sức khỏe, khi có biểu hiện ho, sốt thì thông báo để được kiểm tra, xét nghiệm. Kịp thời phát hiện, kiểm tra, xét nghiệm tất cả các trường hợp có biểu hiện ho, sốt trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời không tổ chức các hoạt động, sự kiện có tập trung đông người, và hoạt động vận tải công cộng, nhất là tại các đô thị.

Kết luận của Thủ tướng cũng yêu cầu Thành phố Đà Nẵng và Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thái Bình, Đắk Lắk đã xuất hiện ca nhiễm bệnh trong giai đoạn này phải tăng tốc, quyết liệt triển khai có hiệu quả các biện pháp truy vết, khoanh vùng, cách ly, dập dịch, xử lý nhanh các ổ dịch trên địa bàn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chủ động, kịp thời thực hiện hiệu quả việc ngăn chặn lây lan dịch bệnh song cần hạn chế đến mức thấp nhất các tác động bất lợi đến đời sống của người dân và các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn. Lưu ý cân nhắc toàn diện, chặt chẽ, tối ưu, phạm vi và quy mô hợp lý khi quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai nhanh nhất trên phạm vi toàn quốc việc cài đặt ứng dụng Bluezone trên điện thoại thông minh để phát hiện, truy vết nhanh những người có khả năng bị lây nhiễm.

Bộ Y tế được giao tăng cường, mở rộng năng lực thực hiện xét nghiệm, tăng công suất xét nghiệm, thông qua việc huy động các cơ sở y tế có khả năng thực hiện xét nghiệm bao gồm cả các cơ sở y tế tư nhân. Đồng thời thực hiện việc thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19 từ nguồn bảo hiểm y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Bộ Y tế cũng phải chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất, vật tư, trang thiết bị cũng như xây dựng bệnh viện dã chiến đảm bảo cho việc thu dung, điều trị các trường hợp mắc bệnh.

Bộ Y tế phải siết chặt việc phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế, không để tiếp tục xảy ra các ổ dịch tại các cơ sở y tế. Triển khai áp dụng các quy trình phân luồng, phân tuyến, không để lây lan dịch bệnh trong các cơ sở y tế; trang bị phòng hộ đầy đủ cho nhân viên y tế trực tiếp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn tốt nhất cho đội ngũ nhân viên y tế. Các cơ sở y tế thực hiện điều trị hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; có biện pháp bảo đảm an toàn cho các bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nặng tại các bệnh viện.

Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành tiếp tục kiểm soát tất cả các trường hợp nhập cảnh trên các tuyến biên giới đường bộ, đường thủy, đường biển, các cảng hàng không; kiểm soát chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở; kiểm tra nghiêm ngặt các cơ sở lưu trú, các khu vực, địa điểm tập trung đông người nước ngoài....

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an khởi tố, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, các cơ sở lưu trú tiếp nhận người nhập cảnh trái phép, đặc biệt là các cá nhân, tổ chức, đường dây đưa người từ nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Đi cùng xử lý nghiêm theo pháp luật, kể cả xử lý hình sự các trường hợp đưa tin không đúng sự thật, không khai báo y tế, khai báo y tế không trung thực; trốn tránh, chống đối, không chấp hành biện pháp cách ly y tế; găm hàng, tăng giá, gây bất ổn thị trường.

Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân các tỉnh thành, tăng cường khuyến cáo người dân giữ vệ sinh, đeo khẩu trang nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng, giảm tụ tập, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc, ăn uống lành mạnh, rèn luyện sức khỏe và thực hiện tốt các khuyến cáo của cơ quan chức năng về phòng, chống dịch COVID-19, nhất là đối với người cao tuổi, có bệnh nền và tại các địa phương đang có các "ổ dịch".

Cùng với việc quyết liệt phòng, chống dịch, các cấp, các ngành cần khẩn trương phối hợp rà soát, tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện các gói an sinh xã hội, gói tài khóa và gói tiền tệ - tín dụng, đồng thời sớm đề xuất điều chỉnh tăng quy mô, phạm vi, đối tượng, thời hạn và phương thức triển khai nhanh, hiệu quả của các gói hỗ trợ này nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhất là bảo đảm đời sống người lao động.

Về việc mua trang thiết bị: Thủ tướng cho phép tạm ứng kinh phí để mua kịp thời trang thiết bị cần thiết, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Bộ Y tế, Bộ Tài chính khẩn trương hướng dẫn các địa phương thực hiện kịp thời, đúng quy định việc này.
(Theo VTV)

Các tin khác
Ấn Độ là vùng dịch lớn nhất châu Á với hơn 1,8 triệu ca mắc COVID-19, chiếm hơn 40% tổng số ca mắc toàn châu lục, tính đến ngày 3/8.

Đây là thống kê của Mỹ tính đến 5h sáng nay. Tức là trong 24h qua, thế giới đã tăng thêm hơn 200 nghìn ca mắc COVID-19, trong đó hơn 695 nghìn ca tử vong.

Nhiều bệnh nhân có tiền sử dịch tễ liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng đã được phát hiện mắc Covid-19.

Thông báo sáng nay (4/8) của Bộ Y tế cho hay Việt Nam ghi nhận thêm 10 ca mắc Covid-19. Tất cả đều liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng.

Khu vực cách ly của Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh, tính đến 18h00 ngày 3/8, tỉnh Yên Bái chưa phát hiện ca nhiễm bệnh COVID-19. Toàn tỉnh đã có 2.194 mẫu được thu thập để xét nghiệm.

Từ 12h ngày 3-8, toàn bộ tuyến đường Hồ Văn Đại, nơi cư trú của bệnh nhân 595, bắt đầu được cách ly 14 ngày

Sau khi phong tỏa tuyến đường có bệnh nhân 595 sinh sống, chiều 3-8, UBND tỉnh Đồng Nai ra văn bản yêu cầu TP Biên Hòa chỉ đạo không tập trung quá 20 người và tạm ngưng hớt tóc, tập gym...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục