Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), WHO cho hay tùy thuộc vào mỗi nước quyết định xem muốn triển khai chiến dịch tiêm chủng đối phó với đại dịch COIVD-19 như thế nào.
Tuy nhiên, cơ quan y tế thuộc Liên hợp quốc (LHQ) này khẳng định việc bắt buộc người dân tiêm chủng ngừa COVID-19 là một hướng đi sai lầm, chỉ ra những ví dụ trước đây về việc bắt buộc sử dụng vaccine dẫn tới làn sóng phản đối lan rộng.
"Tôi không nghĩ sự ép buộc là hướng đi đúng, đặc biệt đối với những loại vaccine này. Tốt hơn là chúng ta nên khuyến khích và hỗ trợ việc tiêm chủng mà không cần điều kiện gì. Tôi không nghĩ sẽ có quốc gia nào ra quy định bắt buộc tiêm vaccine”, Kate O’Brien – Giám đốc Bộ phận Tiêm chủng của WHO – phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến.
Tuy nhiên, bà O’Brien cũng cho hay có thể có một số ngành nghề trong bệnh viện cần được yêu cầu tiêm vaccine vì sự an toàn của nhân viên và bệnh nhân.
"Câu chuyện về vaccine là một tin tức tốt lành. Đây được coi là chiến thắng của nỗ lực con người. Chúng ta cần thuyết phục mọi người”, Giám đốc các trường hợp khẩn cấp của WHO Michael Ryan nói.
Đối với việc bắt buộc tiêm vaccine, ông giải thích: "Tôi nghĩ tất cả chúng ta, những người làm việc trong lĩnh vực y tế công cộng nên tránh đưa ra quy định đó. Chúng ta nên đưa ra các dữ liệu thực tế và để mỗi người tự quyết định xem bản thân có nên tiêm chủng hay không”.
Theo dữ liệu thống kê của WHO, hiện có 51 ứng viên vaccine ngừa COVID-19 đã được thử nghiệm trên người, trong đó 13 vaccine đã triển khai tới giai đoạn cuối cùng. 163 ứng viên vaccine khác cũng đang được phát triển trong các phòng thí nghiệm.
Anh sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới tiến hành tiêm chủng đại trà đối với vaccine của hãng dược phẩm Pfizer từ ngày 8/12. Ngày 2/12, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định việc tiêm bất kỳ loại vaccine nào phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đều dựa trên tinh thần tự nguyện và việc này không nên bị coi là bắt buộc.
Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu Phó Thủ tướng Tatiana Golikova bắt đầu triển khai tiêm chủng hàng loạt vaccine phòng bệnh COVID-19 tại nước này. Tổng thống Putin nêu rõ việc này sẽ được tiến hành với 2 nhóm nguy cơ đầu tiên là bác sĩ và giáo viên. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Golikova nhấn mạnh công tác tiêm chủng sẽ diễn ra một cách tự nguyện và miễn phí.
Trong bối cảnh các quốc gia thúc đẩy tiến hành tiêm chủng trong thời gian tới, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng nhóm người ưu tiên nên được tiêm vaccine đầu tiên. "Đây không phải là những quyết định dễ dàng. Các nhân viên y tế có nguy cơ lây nhiễm cao là ưu tiên hàng đầu, cộng với những người có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong cao do tuổi tác. Việc tiêm chủng cho những đối tượng này sẽ giảm bớt áp lực cho hệ thống y tế”, nhà lãnh đạo tổ chức cho hay.
(Theo Tin tức)