Ngày 18/12, Thủ tướng Italia Giuseppe Conte thông báo nước này sẽ được đặt trong tình trạng phong tỏa trên cả nước trong phần lớn giai đoạn Giáng sinh và Năm mới sắp tới.
Thông báo trên đã chấm dứt chuỗi ngày của sự bất định và tranh cãi trong liên minh cầm quyền, vốn bất đồng giữa việc phong tỏa hoàn toàn với bên muốn có thêm thời gian để hỗ trợ các doanh nghiệp và cho phép các gia đình đoàn tụ trong kỳ nghỉ năm nay.
Theo quy định mới, các cửa hàng không thiết yếu sẽ phải đóng cửa trong giai đoạn từ ngày 24-27/12, 31/12-3/1 và 5-6/1. Trong những ngày này, người dân chỉ được phép di chuyển giữa các khu vực với lý do làm việc, chăm sóc sức khỏe hoặc khẩn cấp.
Các cửa hàng sẽ được mở trong giai đoạn từ ngày 28-30/12 và ngày 4/1. Đây cũng là thời điểm mọi người có thể tự do ra khỏi nhà. Tuy nhiên, xuyên suốt cả giai đoạn tới, tất cả các nhà hàng và quán bar sẽ buộc phải đóng cửa.
Ngày 18/12, Chính phủ Áo cùng ngày tuyên bố sẽ áp đặt lệnh phong tỏa lần thứ 3 sau lễ Giáng sinh. Quyết định này được đưa ra chỉ 11 ngày sau khi lệnh phong tỏa lần thứ 2 ở nước này kết thúc.
Theo tuyên bố của Chính phủ Áo, những cửa hàng không thiết yếu, vốn đã mở cửa trở lại từ tuần trước, sẽ phải đóng cửa và chỉ được phép mở cửa trở lại từ ngày 18/1/2021 cùng với các nhà hàng, trường học, viện bảo tàng và nhà hát.
Ngoài ra, hoạt độngxét nghiệm virus SARS-CoV-2 trên diện rộng sẽ được thực hiện từ ngày 15-17/1/2021 và những người có kết quả âm tính sẽ được miễn trừ phong tỏa. Trong khi đó, những người không được xét nghiệm sẽ phải chấp hành lện phong tỏa cho tới ngày 24/1/2021.
Chính phủ Thụy Sĩ hôm 18/12 đã yêu cầu tất cả các nhà hàng, trung tâm thể thao và giải trí đóng cửa trong vùng 1 tháng, kể từ ngày 22/12/2020, và hối thúc người dân ở nhà để hạn chế tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 đang gia tăng liên tục, khiến các nhà khoa học và chuyên gia y tế phải kêu gọi áp đặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nghiêm ngặt hơn.
Trong khi đó, số ca COVID-19 được xác nhận ở Thụy Sĩ và nước láng giềng Liechtenstein đã vượt quá 400.000 trường hợp và số ca tử vong đã lên tới mức 6.000 người, khiến chính phủ của quốc gia Trung Âu này buộc phải từ bỏ "đường lối trung dung” nhằm mục đích tránh khỏi đợt phong tỏa làm tê liệt các hoạt động kinh doanh lần thứ 2.
Chính phủ Thụy Điển cùng ngày đã đưa ra những biện pháp nghiêm ngặt nhất để tránh nguy cơ đẩy đất nước rơi vào làn sóng COVID-19 thứ 2, trong đó có khuyến cáo đeo khẩu trang trên các phương tiên giao thông công cộng và đóng cửa những địa điểm làm việc công cộng không thiết yếu.
Phát biểu tại một buổi họp báo, Thủ tướng Stefan Lofven nhấn mạnh: "Hiện không thể quay trở về cuộc sống hàng ngày bình thường. Đại dịch là một vấn đề sinh tử.”
Cũng theo ông Lofven, Cơ quan Y tế Công cộng Thụy Điển đang "khuyến cáo đeo khẩu trang và biện pháp này nên được sử dụng trên các phương tiện giao thông công cộng vào những khoảng thời gian nhất định.
Trước đó, Thụy Điển đã từ chối ban hành quy định về việc sử dụng khẩu trang trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
(Theo Vietnam+)