Theo một nghiên cứu được công bố ngày 22-12 trên tạp chí Physics of Fluids (Mexico), việc chỉ đeo khẩu trang mà không duy trì giãn cách xã hội là không đủ để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Nghiên cứu này cho biết, nếu các quy định về giãn cách xã hội bị vi phạm, những "giọt bắn” do việc ho và hắt hơi xuất hiện trong không khí vẫn có thể lọt qua các loại khẩu trang như khẩu trang phẫu thuật, khẩu trang vải hai lớp, khẩu trang vải thường…
Châu Mỹ
Trong khi việc tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 đang được triển khai thì số ca mắc mới và tử vong do Covid-19 tại Mỹ vẫn tiếp tục tăng lên. Hiện, nước này đã có hơn 18,4 triệu trường hợp nhiễm bệnh và trung bình tăng thêm 1 triệu ca chỉ sau 4-5 ngày. Theo CNN, với tốc độ lây lan như vậy, Mỹ sẽ đạt mốc 20 triệu ca mắc Covid-19 vào năm mới 2021.
Ngày 22-12, Tiến sĩ Anthony Fauci - Giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia, đồng thời là bác sĩ hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Moderna (Mỹ). Các cán bộ và nhân viên tuyến đầu của Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) cũng đã tiêm vắc xin vào sáng 22-12.
Cùng ngày, Thị trưởng thành phố New York (Mỹ) Bill de Blasio nhận định, việc tiêm chủng rộng rãi vắc xin ngừa Covid-19 tại thành phố này có thể sẽ khó hoàn thành trước tháng 6-2021. Trong quá trình chờ đợi, người dân cần tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng ngừa cơ bản. Quan chức này cũng kêu gọi người dân cân nhắc kỹ lưỡng về kế hoạch du lịch trong bối cảnh số ca mắc mới và nhập viện do Covid-19 vẫn tiếp tục tăng nhanh.
Châu Âu
Ngày 22-12, Anh ghi nhận kỷ lục số ca mắc mới Covid-19 trong bối cảnh nước này xuất hiện biến thể của vi rút SARS-CoV-2 với tốc độ lây nhiễm được cho là nhanh hơn tới 70%. Theo Reuters, các số liệu chính thức cho thấy đã có thêm 36.804 trường hợp mắc mới và 691 ca tử vong, tăng rõ rệt so với một ngày trước đó.
Cùng ngày, Ủy ban châu Âu (EC) khuyến cáo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nên dỡ bỏ lệnh cấm đi lại được áp đặt với những người đến từ Anh và cho phép nối lại các chuyến đi quan trọng. Lời kêu gọi này được đưa ra trong bối cảnh hàng loạt quốc gia châu Âu đã ban hành các biện pháp hạn chế đi lại với Anh sau khi nước này phát hiện biến thể của vi rút SARS-CoV-2.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) triệu tập một cuộc họp vào ngày 23-12 để thảo luận về các biện pháp ứng phó với sự xuất hiện của biến thể Covid-19 mới ở Anh. Theo đại diện WHO, sự xuất hiện của biến thể là bình thường trong quá trình diễn biến của đại dịch. Đề cập tới các lệnh hạn chế đi lại với Anh đang được một số quốc gia áp dụng, WHO cho rằng, việc vận chuyển đối với vật tư thiết yếu như thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu cần được ưu tiên và tạo điều kiện.
Ngày 22-12, Đức ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 cao kỷ lục kể từ khi dịch bệnh bùng phát, thêm 940 bệnh nhân tử vong trong vòng 24 giờ. Giới chức nước này đã kêu gọi người dân hạn chế tiếp xúc và chỉ nên gặp gỡ theo nhóm nhỏ khi nước này bước vào kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và chào đón năm mới.
Bộ trưởng Tài chính Slovakia Eduard Heger đã trở thành thành viên thứ sáu trong chính phủ nước này mắc Covid-19 và đang tự cách ly tại nhà. Hồi tuần trước, Thủ tướng Igor Matovic cũng đã có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2.
Châu Á
Ngày 22-12, phát biểu tại cuộc họp của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc, Thủ tướng Chung Sye-kyun cho biết, chính phủ nước này sẽ thực thi các biện pháp đặc biệt để tăng cường phòng dịch Covid-19 vào dịp cuối năm 2020, đầu năm 2021 nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch trong cộng đồng.
Một số quy định được đưa ra là hạn chế ra vào đối với các viện dưỡng lão, bệnh viện tâm thần cùng những địa điểm có rủi ro cao phát sinh các ổ lây nhiễm, cấm tụ tập riêng ngoài mục đích công việc giữa các nhân viên trong bệnh viện; các rạp chiếu phim trên toàn quốc phải đóng cửa sau 21h; cấm đặt bàn ăn trên 5 người tại nhà hàng…
(Theo HNMO)