Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, hiện tại, Việt Nam chưa phát hiện chủng vi rút SARS-CoV-2 đột biến như ở Anh. Bộ Y tế đang nỗ lực bảo đảm các cơ chế, đàm phán với các công ty để có vắc xin Covid-19 cho Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Duy trì 1.600 điểm chốt ở các vùng biên
Theo báo cáo của Bộ Y tế, về cơ bản, Việt Nam đã kiểm soát thành công dịch Covid-19. Tuy nhiên, nguy cơ dịch xâm nhập và xảy ra bất cứ lúc nào, nhất là từ nay đến Tết Nguyên đán 2021. Do đó, các địa phương phải sẵn sàng chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay, hằng ngày có khoảng 100-150 trường hợp nhập cảnh trái phép ở biên giới. Đây là vấn đề rất quan ngại và đặt ra nhiệm vụ cần tiếp tục tăng cường quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, kể cả nhập cảnh hợp pháp và trái phép.
"Các tỉnh, đặc biệt tỉnh có vùng biên hết sức quan tâm. Chúng ta phải duy trì từ Tết Nguyên đán 2020 cho đến nay là 1.600 điểm chốt ở các vùng biên và tới đây tiếp tục tăng cường để bảo đảm chốt chặn", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành Y tế Việt Nam cũng đề nghị các địa phương triệt để thực hiện quản lý cách ly người nhập cảnh hợp pháp. Theo đó, với các trường hợp theo yêu cầu của Chính phủ được phép cách ly tại nhà (ngoại giao, công vụ, chuyên gia, nhà đầu tư...) thì chỉ được cách ly tại nhà, nơi lưu trú đủ điều kiện sau khi địa phương kiểm tra.
Tại điểm cầu Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, thời gian qua, Hà Nội quản lý tốt các cơ sở cách ly, đối tượng cách ly, nhất là tại các cơ sở lưu trú có thu phí và các cơ sở cách ly tổ bay trên địa bàn. Các đoàn kiểm tra của thành phố cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở cách ly, việc giám sát y tế đủ 14 ngày đối với người nhập cảnh sau khi hoàn thành cách ly tập trung.
Một vấn đề khiến nhiều người lo ngại hiện nay là sự xuất hiện biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 trên thế giới, đặc biệt là ở Anh. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ, các nhà nghiên cứu cho rằng, biến chủng này làm tăng tốc độ lây truyền lên tới 70% nhưng không làm tăng thêm tình trạng bệnh. Bộ Y tế đã chỉ đạo các viện nghiên cứu tăng cường giải trình tự gene của các mẫu bệnh phẩm, đặc biệt là ở khu vực châu Âu và ở các nước vi rút biến chủng mới để xem khả năng lây truyền hay khả năng xâm nhập Việt Nam.
"Hiện tại, Việt Nam chưa phát hiện chủng vi rút SARS-CoV-2 đột biến như ở Anh. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta lơ là trong phòng, chống dịch", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Tăng cường giám sát, xét nghiệm trường hợp nghi ngờ
Một lần nữa đề cập nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập bất cứ lúc nào, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, thời điểm này, nguy cơ ca Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng sẽ được phát hiện tại cơ sở y tế. Chính vì vậy, các địa phương cần quan tâm đầu tư, tăng cường năng lực xét nghiệm, đẩy mạnh giám sát, xét nghiệm các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ. Hiện, có nhiều bệnh lây qua đường hô hấp, triệu chứng giống SARS-CoV-2 nên tất cả trường hợp này vào bệnh viện đều phải được xét nghiệm. Cùng với đó, các bệnh viện phải tăng cường chuẩn bị, tập huấn cho nhân viên y tế, đồng thời lên kế hoạch, chuẩn bị lấy mẫu diện rộng, tăng cường xét nghiệm, bảo đảm cơ sở điều trị trong trường hợp có bệnh nhân Covid-19...
Cũng về vấn đề phòng dịch tại cơ sở y tế, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, các đoàn kiểm tra của Sở Y tế đã và đang thường xuyên kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch tại các bệnh viện, cơ sở y tế. Ngoài ra, Sở chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường tập huấn nâng cao năng lực đáp ứng để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống khi dịch bệnh xuất hiện. Đặc biệt, các cơ sở y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh phải duy trì việc phân luồng bệnh nhân, người nhà và người bệnh phải đeo khẩu trang. Việc xét nghiệm Covid-19 cũng được tiến hành ở những bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng nghi ngờ, bệnh nhân nặng, bệnh nhân nằm ở các khoa cấp cứu, thận nhân tạo, hồi sức tích cực, hô hấp.
Về vấn đề vắc xin phòng Covid-19 của Việt Nam, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các đơn vị liên quan, Việt Nam đã đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất vắc xin. Đến nay, Việt Nam chính thức thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nano Covax của Nanogen.
Ngoài ra, ba công ty khác cũng đang nghiên cứu, phát triển vắc xin phòng Covid-19. Cùng với đó, Bộ Y tế đang nỗ lực bảo đảm các cơ chế, đàm phán với các công ty để có vắc xin Covid-19 cho Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
"Trong công tác chống dịch, chúng ta không trông chờ vào vắc xin. Kể cả trong bối cảnh có vắc xin, chúng ta vẫn phải triển khai quyết liệt phòng, chống, đặc biệt trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp trên thế giới như hiện nay. Việt Nam vẫn tiếp tục huy động cộng đồng trong phòng, chống dịch, khuyến cáo người dân thực hiện thông điệp 5K (đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, khử khuẩn, không tập trung đông người, khai báo y tế, giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác). Với cơ sở y tế, từ nay đến cuối năm, cần đưa công tác phòng, chống dịch lên mức cao nhất", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
(Theo HNMO)