Các ca mắc Covid-19 không ngừng gia tăng tại Mỹ, đặc biệt là tại New York, trong khi việc phân phối vắc xin phòng dịch vẫn còn hạn chế.
Châu Á
Ngày 19-1, giới chức y tế Hàn Quốc thông báo nước này sẽ gia hạn một tuần lệnh cấm các chuyến bay đến từ Anh (cho đến ngày 28-1) nhằm siết chặt quy định phòng, chống các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2. Từ ngày 25-1, tất cả người nước ngoài nhập cảnh Hàn Quốc đều phải xuất trình chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính với vi rút SARS-CoV-2 được cấp trong vòng 24 giờ trước khi nhập cảnh, thay vì 72 giờ như trước đây.
Theo Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun, dù số ca nhiễm mới đã giảm trong tuần qua nhưng số ca lây nhiễm trong cộng đồng đã tăng 45%, bao gồm các ca nhiễm do tiếp xúc cá nhân với người bệnh, trong gia đình, từ những nơi tập trung đông người và nơi làm việc.
Trong khi đó, Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản thông báo hủy sự kiện tổ chức sinh nhật trước công chúng cho Nhật hoàng Naruhito tại Hoàng Cung trong năm thứ hai liên tiếp để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
Cũng trong ngày 19-1, chính quyền tỉnh Shizuoka (miền Trung Nhật Bản) đã ban bố cảnh báo khẩn về biến thể của vi rút SARS-CoV-2, sau khi phát hiện 3 ca nhiễm biến thể mới của vi rút này tại đây. Tương tự, chính quyền tỉnh Okinawa đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về dịch Covid-19, dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 7-2, trong bối cảnh số ca mắc bệnh tiếp tục gia tăng.
Ngày 19-1, Trung Quốc thông báo sẽ kéo dài thời gian theo dõi y tế lên 28 ngày đối với công dân trở về từ nước ngoài nhằm ngăn chặn các ca mắc Covid-19 nhập khẩu. Theo đó, mô hình "14+7+7" bao gồm 14 ngày cách ly tập trung, 1 tuần cách ly tại nhà hoặc cách ly tập trung và 1 tuần theo dõi sức khỏe. Những người dân trong nước đến thủ đô Bắc Kinh phải cách ly 21 ngày trước khi vào Bắc Kinh và thực hiện 7 ngày giám sát y tế sau khi vào thủ đô.
Cùng ngày, ngoại trừ bang Sarawak, tất cả các bang và lãnh thổ liên bang còn lại ở Malaysia phải tái thực hiện Lệnh hạn chế di chuyển (MCO) để ngăn ngừa sự lây lan của Covid-19. Thời gian thực hiện MCO là hai tuần và có thể sẽ được gia hạn để hạn chế sự đi lại, từ đó hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Hôm qua (19-1), Malaysia ghi nhận 3.631 ca mắc mới Covid-19, mức cao thứ hai kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này, đứng sau ngày 16-1 với 4.029 ca.
Châu Âu
Ngày 19-1, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết, nước này đã phát hiện khoảng 2.000 trường hợp nhiễm biến thể của vi rút SARS-CoV-2 (được xác định lần đầu tiên ở Anh). Theo ông Veran, các ca nhiễm biến thể mới chiếm 1,4% trong tổng số các ca nhiễm mới được xác nhận ở Pháp mỗi ngày. Viện Nghiên cứu y tế và sức khỏe quốc gia Pháp cho rằng, biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 sẽ lây lan mạnh trong nước từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 3, tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh.
Trong khi đó, Chính phủ Bồ Đào Nha đã công bố thêm các biện pháp hạn chế để phòng dịch Covid-19. Theo đó, chính phủ sẽ cấm người dân di chuyển giữa các thành phố vào các ngày cuối tuần và cấm mọi hoạt động kinh doanh, trừ bán các mặt hàng thực phẩm. Tất cả cơ sở kinh doanh phải đóng cửa lúc 20h vào các ngày làm việc và 13h vào cuối tuần, trừ các cửa hàng bán lẻ thực phẩm có thể đóng cửa lúc 17h vào cuối tuần.
Tại Na Uy, chính quyền nước này khẳng định không có mối liên hệ giữa vắc xin ngừa Covid-19 của Pfizer-BionTech với các ca tử vong sau tiêm phòng, song khuyến nghị các bác sĩ cân nhắc tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trước khi tiêm. Kể từ khi Na Uy bắt đầu chiến dịch tiêm phòng vào cuối tháng 12-2020, nước này có 33 ca tử vong trong số những người cao tuổi được tiêm mũi đầu của vắc xin.
Giám đốc Viện Y tế công Na Uy nêu rõ, trong số 13 trường hợp được phân tích chi tiết, họ đều là những người cao tuổi, sức khỏe yếu và mắc các bệnh nghiêm trọng. Cho đến nay, Na Uy đã tiêm phòng được cho hơn 48.000 người.
Ngày 19-1, hàng trăm quân nhân Serbia đã xếp hàng ở một trung tâm triển lãm tại thủ đô Belgrade để chờ đến lượt tiêm phòng vắc xin ngừa Covid-19 do Trung Quốc sản xuất, đưa Serbia trở thành nước châu Âu đầu tiên tiêm chủng đại trà bằng loại vắc xin này.
Cùng ngày, Cơ quan Giám sát và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Nga Rospotrebnadzor tuyên bố, vắc xin thứ hai ngừa bệnh Covid-19 của nước này đạt hiệu quả 100% dựa trên kết quả thử nghiệm lâm sàng.
Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ mong muốn thiết lập một cơ chế cho phép chia sẻ lượng vắc xin chưa dùng đến (dự trữ) với các quốc gia láng giềng nghèo hơn và các nước ở châu Phi. Ủy viên EU phụ trách y tế Stella Kyriakides cho rằng, cơ chế này sẽ cho phép các nước nghèo hơn tiếp cận với nguồn vắc xin trước khi cơ chế COVAX - chương trình chia sẻ vắc xin trên toàn thế giới do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng, được vận hành đầy đủ. Theo kế hoạch, EU sẽ ưu tiên chia sẻ vắc xin cho các nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương nhất tại các nước ở khu vực Tây Balkan, Bắc Phi và Tây sa mạc Sahara.
Châu Mỹ
Tại Mỹ, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo đã đề nghị Giám đốc điều hành hãng Pfizer Albert Bourla về việc mua trực tiếp vắc xin ngừa Covid-19 cho bang này. Trong lá thư gửi Giám đốc Bourla, ông Cuomo cho biết, với tỷ lệ nhập viện và tử vong ngày càng tăng trên khắp nước Mỹ trong mùa đông này, New York đang phải chạy đua với dịch bệnh và có nguy cơ thất bại nếu không thể tăng liều vắc xin tới tay người dân.
Tuy nhiên, hãng Pfizer cho biết, đề nghị như vậy trước tiên sẽ cần có sự chấp thuận của Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ. Hiện chưa có bang nào ở Mỹ đặt mua trực tiếp vắc xin từ nhà sản xuất.
Bộ trưởng Quốc phòng Colombia Carlos Holmes Trujillo đang phải điều trị tích cực tại bệnh viện sau khi mắc Covid-19. Trước đó, nhiều quan chức khác của Colombia cũng đã mắc Covid-19, trong đó có Phó Tổng thống Marta Lucia Ramirez và Ngoại trưởng Claudia Blum. Trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng, giới chức Colombia thông báo sẽ trục xuất những người nước ngoài bị phát hiện tham gia các bữa tiệc bí mật, vi phạm lệnh cấm tụ tập để phòng dịch Covid-19.
(Theo HNMO)