Các chương trình tiêm chủng vắcxin phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Trung Quốc và Ấn Độ sẽ kéo dài đến cuối năm 2022 do quy mô dân số của 2 nước này quá lớn, trong khi hơn 85 quốc gia nghèo sẽ không được tiếp cận rộng rãi với vắcxin COVID-19 trước năm 2023.
Đây là kết quả nghiên cứu do Economist Intelligence Unit (EIU) - bộ phận phân tích và nghiên cứu thuộc Economist Group - tiến hành và công bố ngày 26/1 về kế hoạch triển khai vắcxin ngừa COVID-19 trên toàn cầu.
Theo báo cáo trên, việc cung cấp vắcxin cho các nước nghèo thông qua Cơ chế chia sẻ vắcxin toàn cầu COVAX, một sáng kiến của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có thể bị chậm do việc ưu tiên phân phối cho các quốc gia giàu và cơ sở hạ tầng kém ở các nước đang phát triển.
Giám đốc của EIU, Agathe Demarais cảnh báo những quốc gia kém phát triển và có dân số trẻ hơn có thể mất động lực phân phối vắcxin, đặc biệt trong trường hợp dịch bệnh lan rộng hoặc các chi phí liên quan quá cao.
Cũng theo bà Agathe Demarais, hầu hết các quốc gia ở châu Phi khó có khả năng triển khai tiêm chủng đại trà cho đến đầu năm 2023, trong khi người dân nhiều nước châu Á sẽ được tiếp cận với vắcxin vào cuối năm 2022.
Trước đó, ngày 26/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ mua thêm 200 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19, nâng tổng số vắcxin nước này đã đặt mua đến nay lên 600 triệu liều.
Theo ông chủ Nhà Trắng, lượng vắcxin này đủ để tiêm cho 300 triệu dân Mỹ vào cuối mùa Hè hoặc đầu mùa Thu tới.
Trong khi đó, tại châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho rằng "lục địa già" đã đầu tư hàng tỷ euro để giúp phát triển ra những loại vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới, các công ty phải tôn trọng nghĩa vụ và giao hàng.
Đại diện châu Âu thậm chí lo ngại rằng các tập đoàn dược phẩm có thể bán số vắcxin được đặt hàng cho những nhà thầu khác bên ngoài EU với giá cao hơn.
Hiện EU đang yêu cầu các nhà sản xuất vắcxin phải thông báo cho cơ quan chức năng về bất kỳ hoạt động xuất khẩu nào ra ngoài EU.
Mặc dù vậy, cho đến nay, cơ chế COVAX của WHO cho biết chương trình chia sẻ vắcxin này đã ký hợp đồng mua 1,8 tỷ liều.
Số thuốc này sẽ được cung cấp tới 92 nước nghèo hơn trong năm 2021 và ước tính gần 27% dân số tại những nước này được tiếp cận với vắcxin.
Cũng trong ngày 27/1, Myanmar đã khởi động chương trình tiêm chủng COVID-19 trên toàn quốc, với đối tượng ưu tiên trong chương trình nay là các nhân viên y tế đang làm việc ở tuyến đầu của các vùng và bang của đất nước.
Ông Tun Myint, quan chức Sở Y tế khu vực Yangon, cho biết có 25.459 nhân viên y tế và nhân viên y tế đang chữa trị cho bệnh nhân COVID-19 và những người thuộc sở y tế khu vực Yangon sẽ được tiêm vắcxin ngừa COVID-19.
Ông cũng kêu gọi người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngay cả khi đã được tiêm chủng.
Bệnh COVID-19 được phát hiện lần đầu tiên ở Myanmar hôm 23/3/2020 và số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại quốc gia này hiện nay lên tới 138.368 và số người tử vong là 3.082.
(Theo Vietnam+)