Tấm biển kêu gọi người dân đeo khẩu trang tại một khu phố đi bộ ở thành phố Konstanz (Đức).
Ngày 28-1, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) gọi năm 2020 là năm tồi tệ nhất trong lịch sử ngành du lịch khi đại dịch Covid-19 đã "thổi bay" 1.300 tỷ USD doanh thu, cao hơn 11 lần so với thiệt hại mà ngành du lịch ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
Châu Âu
Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge cho biết, các quốc gia tại khu vực đã ghi nhận sự sụt giảm đáng kể các trường hợp mắc mới Covid-19, song vẫn còn quá sớm để xem xét việc nới lỏng các hạn chế nhằm phòng, chống dịch. Số ca tử vong tại khu vực này cũng tiếp tục tăng cao ở mức kỷ lục với 38.000 trường hợp tử vong được ghi nhận vào tuần trước. Ông Hans Kluge nhận định, châu Âu đang phải đối mặt với "nghịch lý đại dịch”. Việc triển khai các loại vắc xin ngừa Covid-19 đang mang lại hy vọng mới, song châu lục này lại tiếp tục phải đối mặt với mối đe dọa từ sự xuất hiện của các biến thể mới.
Ngày 28-1, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen thông báo nước này sẽ gia hạn các biện pháp hạn chế nhằm phòng ngừa dịch Covid-19 tới ngày 28-2. Bà Mette Frederiksen cho biết, các nhà khoa học đã đánh giá rằng các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh chóng bất chấp các biện pháp hạn chế được áp dụng. Dù không thể ngăn chặn sự lây lan, song nước này phải làm mọi thứ để khiến xu hướng này chậm lại.
Ngày 28-1, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cảnh báo các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 đang lây lan rộng hơn sau mỗi tuần. Số bệnh nhân nhiễm biến thể mới, chủ yếu là biến thể được phát hiện tại Anh, đã tăng từ mức 500 ca/ngày hồi đầu tháng 1 lên hơn 2.000 ca/ngày ở Pháp. Trong khi đó, biện pháp siết chặt giới nghiêm được áp dụng cách đây hơn 1 tháng là không đủ để ngăn chặn đà lây lan này. Người đứng đầu ngành Y tế Pháp cho biết, áp lực ngày càng đè nặng lên hệ thống y tế khi số bệnh nhân Covid-19 đã chiếm 60% số giường bệnh tại các khu điều trị tích cực và sắp phải chuyển bệnh nhân giữa các vùng để giảm sức ép cho một số bệnh viện.
Bộ trưởng Y tế Ba Lan Adam Niedzielski cho biết, nước này sẽ cho phép các trung tâm thương mại mở cửa trở lại từ ngày 1-2 tới, còn hầu hết các biện pháp hạn chế khác nhằm phòng chống dịch Covid-19 vẫn được giữ nguyên tới giữa tháng 2. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới Covid-19 ở Ba Lan đang giảm dần và tình hình dịch tạm được kiểm soát. Mặc dù vậy, Ba Lan vẫn theo dõi sát sao nguy cơ số ca nhiễm tăng cao tại các nước châu Âu khác và sự lây lan của các biến thể mới.
Ngày 28-1, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định tình hình dịch Covid-19 ở nước này đang có xu hướng giảm dần, song người dân Nga cũng không được lơ là, mất cảnh giác.
Châu Á
Ngày 28-1, Ấn Độ đã gửi nửa triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 miễn phí cho Sri Lanka. Số vắc xin này được tặng theo đề xuất của Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đối với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Ấn Độ hiện là một trong những nước sản xuất dược phẩm lớn nhất thế giới và vắc xin ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) phối hợp với Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu đang được sản xuất tại Viện Serum, một công ty tư nhân ở miền Tây Ấn Độ.
Ngày 28-1, Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết lịch khai giảng trong năm nay vẫn sẽ diễn ra tháng 3 như thường lệ. Bộ này sẽ nỗ lực để tuân thủ số ngày đến trường của học sinh theo quy định, đồng thời kỳ thi đại học dự kiến vẫn diễn ra vào thứ năm của tuần thứ ba của tháng 11. Ngoài ra, các lớp học thêm chuẩn bị cho năm học mới sẽ được tổ chức nhằm giúp học sinh ổn định tâm lý và bổ sung kiến thức.
Châu Phi
Ngày 28-1, phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến, Giám đốc Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi John Nkengasong cho biết, một số quốc gia ở châu Phi đã bắt đầu chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19. Trước cảnh báo về việc đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục lan rộng trong năm nay và năm tới, cơ quan này hy vọng sẽ tiêm vắc xin cho khoảng 30-35% dân số châu Phi trong năm nay.
Trong khi đó, Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti cảnh báo, biến thể vi rút SARS-CoV-2 mới hiện đang lây lan tại châu Phi có thể khiến làn sóng dịch thứ hai tại châu lục này kéo dài và gây nhiều khó khăn cho hệ thống y tế vốn đã mong manh.
(Theo HNMO)