Thủ tướng Đức muốn phong tỏa nghiêm toàn quốc để ngăn làn sóng Covid-19 thứ ba

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/4/2021 | 7:48:37 AM

Thủ tướng Angela Merkel nhận định, nước Đức đang trong thời điểm nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 và cần phải có những cách tiếp cận mới, ở quy mô đồng bộ trên toàn lãnh thổ.

Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Thủ tướng Đức Angela Merkel chiều 13/4 tuyên bố việc thực hiện phong tỏa bắt buộc một cách nghiêm ngặt là yếu tố sống còn giúp nước Đức vượt qua làn sóng dịch Covid-19 thứ ba, trong bối cảnh chính phủ Đức vừa đệ trình một dự luật cho phép chính phủ liên bang quyền lực lớn hơn trong việc áp đặt các hạn chế y tế.

Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp nội các Đức chiều ngày 13/4 về tình hình dịch Covid-19 tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel tiếp tục nhận định, nước Đức đang trong thời điểm nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 và cần phải có những cách tiếp cận mới, ở quy mô đồng bộ trên toàn lãnh thổ.

"Chúng ta cần phải bẻ gãy làn sóng của đại dịch và chấm dứt việc số ca nhiễm đang tăng nhanh chóng. Người dân đều hiểu rõ những sự khác biệt giữa các địa phương nhưng họ cũng cần có được sự rõ ràng và có thể truy vết. Do đó tôi tin rằng cần phải có một hướng đi mới, và đó là điều sẽ được thực hiện với dự luật mà chúng tôi đưa ra hôm nay”.

Theo dự luật mà chính phủ Đức trình ra Nghị viện liên bang Đức, chính phủ Đức sẽ có quyền áp đặt các biện pháp được gọi là "phanh khẩn cấp”, có tính bắt buộc trên quy mô toàn quốc để ngăn chặn đại dịch nếu như số ca nhiễm trên 100.000 dân tại một địa phương vượt quá con số 100 ca trong 3 ngày liên tiếp.

Trước đó, do tính chất tổ chức chính quyền liên bang tại Đức, các chính quyền bang được phép có các chính sách y tế riêng và không phải tuân thủ chỉ đạo từ chính phủ liên bang. Tuy nhiên, trong nhiều tuần qua, bà Angela Merkel đã nhiều lần chỉ trích một số bang đã quá lơi lỏng việc chống dịch và không áp đặt các biện pháp hạn chế cần thiết.

Theo bà Merkel, nếu toàn bộ nước Đức không đồng loạt áp dụng một đợt phong tỏa nghiêm ngặt thì làn sóng dịch Covid-19 thứ ba sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng nhất đối với nước Đức kể từ đầu dịch. Nghị viện Liên bang Đức sẽ sớm xem xét dự luật do chính phủ Đức trình lên và nếu được thông qua, dự luật này sẽ được áp dụng đến ngày 30/6/2021.

Hiện tại, tuy không nghiêm trọng như tại Pháp nhưng dịch Covid-19 tại Đức cũng đang có dấu hiệu tăng nhanh do các biến thể của virus SARS-CoV-2. Trong tuần qua, trung bình mỗi ngày nước Đức đang ghi nhận trên 10.000 ca nhiễm mới và hiện tỷ lệ lây nhiễm toàn quốc là ở mức khoảng 140 ca trên 100.000 dân, vượt quá mức mà chính phủ Đức đặt ra để có thể áp đặt phong tỏa nghiêm ngặt.

(Theo VOV)

Các tin khác
Mẫu xét nghiệm biến thể virus SARS-CoV-2 tại Nam Phi.

Theo kết quả nghiên cứu, biến thể virus SARS-CoV-2 tại Nam Phi (B.1.351) có khả năng cao hơn xuyên thủng "lớp phòng thủ" hình thành trong cơ thể sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Một đứa trẻ được lấy mẫu thử Covid-19 ở thủ đô Phnom Penh hôm 11-4.

Bộ Y tế Campuchia hôm 13-4 báo cáo thêm 181 ca mắc Covid-19, trong khi số ca tử vong tăng lên 33 người.

Sáng 13/4, Bộ Y tế cho biết đến nay đã có gần 59.300 người tiêm ngừa vaccine COVID-19, hiện Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên đã triển khai tiêm đợt 2 cho 311 người. Việt Nam cũng đang nỗ lực tiến trình thử nghiệm lâm sàng 2 vaccine COVID-19 "made in" Việt Nam.

Vaccine Sputnik-V của Nga.

Sau khi được Ấn Độ phê duyệt, vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga có thể được sử dụng để tiêm chủng cho tổng cộng 3 tỷ người, tương đương 40% dân số thế giới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục