Nga cho dân nghỉ 10 ngày chống dịch
Hãng thông tấn Anadolu trích dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 23/4 thông báo, người dân nước này sẽ được nghỉ làm 10 ngày vào đầu tháng sau để ngăn chặn sự gia tăng số ca mắc virus corona chủng mới.
Phát biểu tại cuộc họp với Anna Popova, quan chức phụ trách vệ sinh dịch tễ hàng đầu đất nước, ông Putin ủng hộ các đề xuất của bà về việc kéo dài kỳ nghỉ lễ quốc gia của Nga từ ngày 1 - 10/5. Theo quy định ở xứ sở bạch dương, ngày Quốc tế lao động 1/5 và ngày Chiến thắng phát xít 9/5 là các ngày lễ quốc gia. Trước khi lãnh đạo Điện Kremlin ra quyết định mới, người lao động Nga dự kiến vẫn làm việc bình thường từ ngày 4 - 7/5.
Phát biểu tại cuộc họp với Tổng thống Putin, bà Popova nhấn mạnh, tình hình Covid-19 ở Nga đang ổn định, nhưng dịch có thể diễn tiến xấu đi khi mùa xuân đến, các hoạt động ngoài trời gia tăng và mọi người tương tác tích cực hơn.
Nga hiện là "ổ dịch" lớn thứ 5 thế giới với hơn 4,7 triệu ca mắc và 107.501 trường hợp tử vong.
Nhật triển khai các biện pháp khẩn cấp
Chính phủ Nhật vừa thông báo các biện pháp khẩn cấp chống dịch ở thủ đô Tokyo cũng như 3 tỉnh Osaka, Kyoto và Hyogo trong một nỗ lực nhằm khống chế dịch, chỉ 3 tháng trước khi nước này dự kiến đăng cai Thế vận hội Olympic.
Theo sắc lệnh mới, các trung tâm thương mại lớn, quán bar, nhà hàng và quán karaoke phục vụ rượu sẽ phải đóng cửa. Các sự kiện thể thao lớn sẽ được tổ chức mà không có khán giả. Các công ty được khuyến nghị sắp xếp cho nhân viên làm việc từ xa, trong khi các trường học tiếp tục được phép hoạt động như bình thường.
Theo BBC, Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide hôm 23/4 công bố, các quy định trên sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25/4 và được duy trì trong khoảng 2 tuần tới ngày 11/5. Đây là lần thứ 3 sắc lệnh tình trạng khẩn cấp được ban bố ở Nhật kể từ khi dịch bùng phát.
"Tôi thành thật xin lỗi vì gây ra rắc rối cho nhiều người một lần nữa. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến lo ngại rằng, dịch ở các thành phố lớn sẽ lan rộng ra cả nước nếu chúng ta không có biện pháp xử lý", lãnh đạo Chính phủ Nhật giải thích.
Thống đốc Tokyo Yuriko Koike kêu gọi người dân bắt đầu thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngay lập tức. Nhằm ngăn mọi người ra ngoài vào ban đêm, bà Koike tuyên bố hệ thống chiếu sáng và các bảng hiệu bằng đèn neon trong thành phố sẽ bị tắt.
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tỉ lệ tử vong vì virus ở Nhật hiện thấp hơn nhiều quốc gia khác, với hơn 10.000 bệnh nhân không qua khỏi trong tổng số xấp xỉ 558.000 ca mắc. Song, dư luận nước này hiện lo ngại tình trạng gia tăng số ca mắc trong bối cảnh một số khu vực đang thiếu giường điều trị dành cho bệnh nhân Covid-19.
Mỹ khôi phục việc sử dụng vắc-xin đơn liều
Nhà chức trách y tế Mỹ ngày 23/4 theo giờ địa phương (sáng sớm 24/4 theo giờ Việt Nam) đã dỡ bỏ lệnh tạm dừng tiêm phòng Covid-19 bằng vắc-xin đơn liều của Johnson & Johnson (J&J) sau 11 ngày ban hành. Động thái diễn ra sau khi các cố vấn khoa học của chính phủ kết luận vắc-xin này đem lại các lợi ích nhiều hơn rủi ro.
Theo AP, các cơ quan y tế phát hiện 16 trường hợp trong gần 8 triệu người chủng ngừa bằng vắc-xin do hãng J&J bào chế, đã xuất hiện tình trạng đông máu bất thường. Tất cả họ đều là phụ nữ với hầu hết trong độ tuổi dưới 50. Ba người trong số này đã tử vong, trong khi 7 người khác vẫn phải nằm viện điều trị.
Tuy nhiên, hôm 23/4, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm cũng như Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cùng quyết định rằng, vắc-xin đơn liều của J&J là thiết yếu đối với cuộc chiến chống virus corona chủng mới ở nước này. Họ cho rằng, nguy cơ xuất hiện đông máu bất thường có thể được đưa vào các cảnh báo nhằm giúp những phụ nữ trẻ tuổi hơn quyết định liệu có nên sử dụng vắc-xin này hay không.
Trong tuần qua, tốc độ tiêm chủng tại Mỹ bị chậm lại, một phần do sự gián đoạn do lệnh tạm dừng sử dụng vắc-xin của J&J. Trong một bài phát biểu tại Nhà trắng hôm 21/4, Tổng thống Joe Biden thông báo, xứ sở cờ hoa đã dùng 200 triệu liều vắc-xin kể từ khi ông lên nắm quyền vào tháng 1 năm nay.
Tính đến ngày 22/4, hơn 80% người Mỹ từ 65 tuổi trở lên và trên 50% người trưởng thành tại nước này đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin.
Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch trên thế giới với hơn 32,7 triệu ca mắc, bao gồm 584.965 bệnh nhân không qua khỏi.
Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:
- Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 24/4 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho gần 146,2 triệu người với xấp xỉ 3,1 triệu ca tử vong. Song, gần 124 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.
- Tại cuộc họp của Ủy ban tham vấn về dịch Covd-19 hôm 23/4, Chính phủ Bỉ đã quyết định tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế từ ngày 8/5 tới. Cụ thể, các nhà hàng, quán cà phê sẽ được phép mở cửa đón khách trở lại từ 8h - 22h hàng ngày nhưng phải kê bàn ngoài trời cách nhau 1,5m và đảm bảo không quá 4 khách/bàn, trừ những gia đình đông thành viên. Các sự kiện và hoạt động văn hóa cũng sẽ được tổ chức nhưng không được vượt quá 50 tham dự. Sang tháng 6, các sự kiện trong nhà và ngoài trời sẽ được phép đón tiếp tới 200 người nhưng người dân phải tuân thủ nghiêm việc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn.
- Ủy ban tư vấn quốc gia về tiêm chủng của Canada (NACI) vừa hạ độ tuổi khuyến nghị tiêm vắc-xin của Oxford-AstraZeneca xuống nhóm người từ 30 tuổi trở lên. Trước đây, NACI khuyến cáo chỉ chủng ngừa bằng vắc-xin này cho những người từ 55 tuổi trở lên.
- Ngân hàng Quốc gia Ấn Độ (SBI) ước tính, các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại nghiêm ngặt được triển khai tại những thành phố quan trọng của nước này sẽ làm giảm động lực kinh tế và gây thiệt hại tới 1.500 tỷ rupee (20 tỷ USD) đối với đất nước. Tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ đang diễn biến vô cùng phức tạp khi nước này hai ngày liên tiếp xác lập kỷ lục thế giới với hơn 300.000 ca mắc/ngày. Ấn Độ hiện là "ổ dịch" lớn thứ hai trên toàn cầu với hơn 16,6 triệu ca mắc, trong đó 189.579 bệnh nhân đã tử vong.
(Theo Vietnamnet)