Yên Bái: An toàn tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, đợt 1

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/4/2021 | 8:24:19 AM

YênBái - Toàn bộ 4.500 liều vắc-xin đợt 1 sẽ được ưu tiên và tiêm phòng miễn phí cho đối tượng là lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, bao gồm: những người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng chống dịch, bao gồm thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, người làm việc ở khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ Covid-19 cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên theo Nghị quyết số 21/NQ-CP.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tập huấn triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho cán bộ tham gia công tác tiêm chủng trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tập huấn triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho cán bộ tham gia công tác tiêm chủng trên địa bàn tỉnh.

>> 284 người đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19

>> UBND tỉnh yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng, chống COVID-19

>> Hơn 100 người đầu tiên tiêm vắc xin Astra Zeneca ngừa Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Sau khi tiếp nhận 4.500 liều vắc-xin Astra Zeneca phòng Covid-19 từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, theo Dự án Tiêm chủng mở rộng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) tỉnh Yên Bái đã tiếp nhận, bảo quản theo đúng quy trình, trong hệ thống dây chuyền lạnh, nhiệt độ từ 2-8oC, tại kho vắc-xin của Trung tâm. Sau đó, sẽ tiến hành điều phối phân bổ vắc-xin để triển khai tiêm chủng tại các địa phương vào cuối tháng 4/2021. 

Căn cứ kế hoạch của Bộ Y tế, Trung tâm KSBT đã tham mưu với Sở Y tế kế hoạch chi tiết về triển khai công tác tiêm chủng đợt 1 trên địa bàn tỉnh. 

Theo đó, toàn bộ 4.500 liều vắc-xin đợt 1 sẽ được ưu tiên và tiêm phòng miễn phí cho đối tượng là lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, bao gồm: những người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng chống dịch, bao gồm thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, người làm việc ở khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ Covid-19 cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ.

Thạc sĩ, bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Hà - Giám đốc Trung tâm KSBT tỉnh cho biết: "Để chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế, Trung tâm KSBT tỉnh đã chỉ đạo rà soát hệ thống dây chuyền lạnh ở các tuyến để bảo đảm đủ khả năng bảo quản vắc-xin, vận chuyển vắc-xin tới các trạm y tế, các điểm tiêm lưu động. Đồng thời rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực thực hiện cho hoạt động tiêm chủng”. 

Bên cạnh đó, từ ngày 12 - 19/4, Trung tâm đã tiến hành tập huấn hướng dẫn triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho các cán bộ sẽ tham gia công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 tại các bệnh viện, trung tâm y tế 9/9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh. 

Với các nội dung cụ thể như: hướng dẫn xây dựng kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19; hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng; thông tin về vắc-xin phòng Covid-19 Astra Zeneca, liều lượng, đường tiêm, chỉ định, chống chỉ định và giám sát phản ứng sau tiêm chủng, đối tượng tiêm chủng; các bước chuẩn bị trước buổi tiêm chủng, đón tiếp và khai báo y tế, theo dõi sau tiêm, giám sát phản ứng sau tiêm chủng; lập bảng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng nhân viên y tế, số điện thoại người, đội cấp cứu lưu động, cơ sở điều trị hỗ trợ cấp cứu, xử lý các trường hợp tai biến nặng; tổ chức khám sàng lọc, đảm bảo phòng chống lây nhiễm Covid-19 và an toàn, chỉ định đúng đối tượng tiêm chủng... 

Qua đây các nhân viên y tế có kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn, đúng quy trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19.

Tuy nhiên, theo thạc sĩ, bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Hà, bất kỳ một loại thuốc hay vắc-xin nào khác mặc dù đã được nhà sản xuất thử nghiệm rất nghiêm ngặt, khi đảm bảo an toàn mới cho đưa vào sử dụng, song vắc-xin phòng Covid-19 vẫn có thể gây nên một số phản ứng không mong muốn sau khi tiêm, từ mức độ nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, bồn chồn đến nghiêm trọng như phản ứng phản vệ. 

Để đảm bảo an toàn, những người được tiêm cần khai báo chính xác về tiền sử bệnh tật của mình với cán bộ y tế khi khám sàng lọc. Đặc biệt, những người đang mắc các bệnh cấp hoặc mãn tính, hoặc người có tiền sử dị ứng; những người sau khi tiêm vắc-xin cần ở lại theo dõi 30 phút và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe từ 24 - 48 giờ. Khi gặp các dấu hiệu bất thường phải thông báo ngay cho cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Mới đây, UBND tỉnh đã có kế hoạch về việc tiếp nhận, sử dụng và triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2022 chi tiết, cụ thể. Với sự phối hợp của Sở Y tế và các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố, 95% đối tượng nguy cơ và cộng đồng trên địa bàn tỉnh sẽ được tiêm chủng đủ mũi vắc-xin theo từng đợt phân bổ vắc-xin, đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Minh Huyền

Tags Yên Bái tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật

Các tin khác
Lãnh đạo Bệnh viện cùng lãnh đạo Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc quan tâm, thăm hỏi bệnh nhân chạy thận.

Bên trong phòng kín đầy những máy móc chạy không ngơi nghỉ của đơn nguyên thận lọc máu là những bệnh nhân da dẻ nhợt nhạt, mệt mỏi vì đau đớn, bệnh tật, tình người ấm áp vẫn lan tỏa từ những người đồng cảnh ngộ và từ sự đồng hành, chăm sóc của những y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái.

Hình minh họa.

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Phun hóa chất diệt muỗi để phòng chống sốt xuất huyết tại Hà Nội.

Các chuyên gia nhận định rằng sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số ca mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư.

Giọt máu khô giúp người bệnh có thể phát hiện sớm một số loại bệnh ung thư.

Các nhà khoa học Trung Quốc vừa phát minh ra một công cụ xét nghiệm chỉ với chưa đầy 0,05 mm máu khô có thể giúp chẩn đoán ba trong số những bệnh ung thư nguy hiểm nhất đối với con người.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục